| Hotline: 0983.970.780

Người dân khu đá lăn ngóng nơi ở mới

Thứ Năm 13/06/2024 , 10:30 (GMT+7)

Sinh sống trong khu đá lăn, người dân lo ngại an nguy từng ngày. Thế nhưng, đơn vị thi công ì ạch san tạo mặt bằng, nguyên nhân do đâu?

Người dân kể những vụ sạt lở đá xuống khu dân cư. Ảnh: Hải Đăng.

Người dân kể những vụ sạt lở đá xuống khu dân cư. Ảnh: Hải Đăng.

Nơm nớp lo cảnh đá lăn

Thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố (huyện Mường Khương, Lào Cai) nằm trong khu vực lòng chảo, hiện tượng đá lăn xảy ra từ năm 2012. Theo người dân, hầu như năm nào cũng xảy ra một vài vụ đá lăn từ trên cao xuống khu dân cư phía dưới hết sức nguy hiểm. Có những tảng đá lăn sập chuồng lợn, sát khu vực sinh hoạt của một số hộ gia đình. Đặc biệt vào tháng 5-6, mùa mưa đến nguy cơ xảy ra đá lăn rất cao.

Ông Thào Seo Páo, người thôn Vả Thàng cho biết, đá có lúc lao từ trên đồi xuống, mấy hộ trong thôn bị đá lăn rồi, may không ai làm sao. Tôi cũng lo lắng lắm nhưng dự án sắp xếp dân cư chưa xác định được khi nào họ làm xong nên vẫn ở chỗ cũ.

Ở nơi quá nguy hiểm, một số hộ phải chuyển ra nơi ở mới trước khi triển khai dự án sắp xếp dân cư.

Ông Giàng Mìn Dùng là một trong số 12 hộ đã được di rời ra khỏi vùng nguy hiểm, tuy nhiên, hàng ngày vẫn về đây canh tác.

"Được nhà nước tạo điều kiện, nhà tôi đã chuyển ra nơi ở mới. Hồi ở đây may chưa bị đá lăn vào nhà nhưng vị trí nhà cũ rất nguy hiểm nên phải chuyển đi trước", ông Giàng Mìn Dùng nói.

Ông Thào Seo Pao, Trưởng thôn Vả Thàng cho biết, "hiện tượng đá rơi xảy ra từ năm 2012 đến giờ. Lo lắng của bà con là nửa đêm, mưa to gió lớn, đá lăn ảnh hưởng tính mạng. Còn dự án sắp xếp dân cư triển khai quá chậm, dự án làm một ngày nghỉ mười ngày, trong khi mỗi ngày qua bà con đều lo lắng. Bà con không hiểu tại sao làm chậm như thế, cũng không biết công ty ở đâu làm. Chỉ mong làm sao có mặt bằng cho dân chuyển, để có chỗ ở an toàn".

Ông trưởng thôn chỉ tay lên đỉnh núi, tảng đá đen gần bằng ngôi nhà phía trên có hiện tượng nứt, người dân đã lên kiểm tra, nguy cơ lăn xuống rất cao.

Thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố (huyện Mường Khương, Lào Cai), người dân sống trong sự lo lắng đá lăn thường trực. Ảnh: Hải Đăng.

Thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố (huyện Mường Khương, Lào Cai), người dân sống trong sự lo lắng đá lăn thường trực. Ảnh: Hải Đăng.

Vì sao chậm tiến độ?

Tháng 5/2023, UBND tỉnh Lào Cai đã phê duyệt dự án bố trí sắp xếp dân cư cho khoảng 50 hộ gia đình thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố (huyện Mường Khương, Lào Cai) ra khỏi vùng thiên tai, nguy hiểm sạt lở đất, đá lăn với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn dự phòng ngân sách Trung ương là 15 tỷ đồng, số còn lại từ nguồn ngân sách địa phương. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mường Khương được giao làm chủ đầu tư. Công trình được triển khai thực hiện từ tháng 11/2023, thời gian thi công là 360 ngày do Liên doanh Sơn Đồng - Xây dựng Lào Cai thực hiện.

Khu vực sắp xếp dân cư còn ngổn ngang, chưa có chỗ đổ thải nên đơn vị thi công cầm chừng. Ảnh: Hải Đăng.

Khu vực sắp xếp dân cư còn ngổn ngang, chưa có chỗ đổ thải nên đơn vị thi công cầm chừng. Ảnh: Hải Đăng.

Ông Hảng Seo Sùng, Chủ tịch UBND xã Tung Chung Phố cho biết, dự án triển khai vào tháng 12/2023 theo đúng nguyện vọng, mong mỏi của người dân. Cho đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành đền bù, giải phóng mặt bằng để nhà thầu thi công. Trong những tháng đầu năm, do thời tiết trên địa bàn xã có mưa nhiều, ảnh hưởng tiến độ thi công. Ngoài ra, vị trí giải phóng mặt bằng vướng 20 ngôi mộ của người dân. Theo tục lệ của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã thì tháng 3 âm lịch mới được chuyển, bốc mộ, ảnh hưởng tiến độ giải phóng mặt bằng...

Trong khi đó, theo người quản lý tại khu vực thi công, đến tháng 12/2024 phải bàn giao mặt bằng. Phần đào xúc đất đổ đi còn khoảng 20 vạn khối, nhưng không có bãi đổ thải nên chỉ hoạt động cầm chừng.

Ban Quản lý dự án huyện Mường Khương cho biết, khối lượng và giá trị khối lượng thực hiện của gói thầu đến ngày 17/5/2024 ước tính khoảng 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa nghiệm thu khối lượng nên chưa thanh toán đợt nào cho nhà thầu thi công.

Theo phê duyệt thiết kế, dự án bố trí, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, sạt lở đất, đá lăn thôn Vả Thàng là công trình hạ tầng kỹ thuật cấp IV, nhóm C, với các hạng mục: san 4 lô nền, làm 2 đường giao thông, hệ thống thoát nước, hệ thống cấp nước, cấp điện, xây nhà văn hóa và các công trình phụ trợ khác.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất