| Hotline: 0983.970.780

Người dân thành phố Kon Tum khổ sở vì nước sạch

Thứ Tư 24/04/2024 , 06:15 (GMT+7)

TP Kon Tum đang triển khai chỉnh trang đô thị và xây dựng các tuyến đường gây ảnh hưởng tới đường ống đã dẫn đến thiếu nước sạch và nước chưa đảm bảo chất lượng.

Người dân khổ sở vì thiếu nước sạch. Ảnh: Tuấn Anh.

Người dân khổ sở vì thiếu nước sạch. Ảnh: Tuấn Anh.

Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum) vừa có báo cáo về việc phản ánh của nhiều cử tri liên quan đến tình hình giá nước sạch, thiếu nước sinh hoạt và chất lượng nguồn nước xảy ra trên địa bàn thời gian qua.

Trước đó, nhiều cử tri đã phản ánh về tình trạng nước không bảo đảm chất lượng, nước yếu và thiếu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống người dân, nhất là trong dịp cao điểm nắng nóng như hiện nay.

Theo tìm hiểu được biết, tình trạng nước thiếu và chưa đảm bảo chất lượng diễn ra trên nhiều tuyến đường ở địa bàn TP. Kon Tum khiến nhiều hộ dân bức xúc.

Khổ sở với nguồn nước thiếu và yếu, chị Nguyễn Thị Hạnh (tổ 3, phường Trường Chinh) cho biết, từ sau Tết nguyên đán đến nay, nước rất yếu, không thể nào lên được bồn chứa trên tầng 2 của gia đình. Việc nước yếu đã khiến sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn, rất khó chịu.

“Để có nguồn nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày, gia đình phải xách từng thùng nước từ ngoài sân vào nhà vệ sinh để phục vụ tắm rửa, vệ sinh, như vậy rất bất tiện, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của gia đình. Chúng tôi hy vọng, tình trạng này sẽ sớm được chấm dứt để cho người dân đỡ khổ. Chứ sống ở đô thị loại 2 rồi mà nước sinh hoạt thế này thì khổ quá”, chị Hạnh bức xúc cho biết.

Ngoài việc nguồn nước thiếu, rất nhiều hộ dân cũng phản ánh về tình trạng nguồn nước chưa đảm bảo chất lượng, có hiện tượng đục ngầu khiến người dân lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe. Mặt khác, nhiều hộ dân cũng phản ánh về giá nước bỗng dưng tăng vọt trong thời gian qua, phần nào ảnh hưởng chi tiêu trong gia đình.

Nước sạch bị thiếu, người dân phải dùng xô, chậu để hứng nước. Ảnh: Tuấn Anh.

Nước sạch bị thiếu, người dân phải dùng xô, chậu để hứng nước. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Nguyễn Bá Linh (đường Tô Vĩnh Diện, phường Trường Chinh) cho biết, từ sau Tết nguyên đán đến nay, lượng nước sinh hoạt hàng tháng của gia đình bỗng dưng tăng vọt, gấp đôi so với trước đó.

“Gia đình chỉ có 2 ông bà già và 1 cháu nhỏ, trước đây trung bình hàng tháng chỉ sử dụng khoảng 20m3. Còn hiện tại, có tháng đồng hồ nước báo lên đến hơn 40m3, thậm chí hơn 50m3. Trong khi, gia đình vẫn sinh hoạt như mọi khi, không có sử dụng nước đột biến. Bức xúc, gia đình tôi đã kiến nghị lên công ty xem xét, kiểm tra đường ống và có cách xử lý”, ông Linh chia sẻ.

Trước những phản ánh của người dân và cử tri, Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum đã có báo cáo về việc khắc phục những tồn tại nêu trên.

Trong báo cáo, ông Phan Quốc Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum cho biết, về chất lượng nước sạch sinh hoạt do công ty cung cấp đều đạt các chỉ tiêu của Bộ Y tế đưa ra. Hàng tháng, công ty thực hiện chế độ nội kiểm và đều lấy mẫu gửi cơ quan có chức năng xét nghiệm. Song song với công tác nội kiểm của công ty, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum cũng đều tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt do công ty cung cấp và thời gian qua. Việc kiểm tra chất lượng nước sạch sinh hoạt luôn được đánh giá đảm bảo tiêu chuẩn cho phép.

Do chỉnh trang đô thị đã gây ra thiếu nước cục bộ cũng như nguồn nước chưa đảm bảo chất lượng. Ảnh: Tuấn Anh.

Do chỉnh trang đô thị đã gây ra thiếu nước cục bộ cũng như nguồn nước chưa đảm bảo chất lượng. Ảnh: Tuấn Anh.

Theo ông Hòa, tình trạng nước chưa đảm bảo chất lượng là do thời gian qua, TP. Kon Tum đang triển khai thi công chỉnh trang đô thị, xây dựng hệ thống thoát nước và vỉa hè các tuyến đường. Trong quá trình thi công không tránh khỏi việc đào bới làm vỡ ống nước và công ty đã phải nhiều lần khắc phục. Hơn nữa, mỗi khi điện lưới bị sự cố, nhà máy nước đều ngưng hoạt động, nên có gây ra tình trạng rối loạn dòng chảy trong đường ống, mất nước cục bộ, cũng như nguồn nước hơi bị đục trong khoảng thời gian ngắn. Sau đó, công ty nhanh chóng xử lý sự cố và chất lượng nước đã trở lại bình thường.

Về tình trạng thiếu nước sinh hoạt, ông Hòa thừa nhận là có tình trạng này và đúng với thực tế đã diễn ra trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, trong nội dung phản ánh chưa nhắc đến nguyên nhân nước yếu là do tình hình thời tiết hạn hán đang xảy ra, các thủy điện thượng nguồn Kon Tum trong quá trình phối hợp vận hành chưa đảm bảo lượng lưu nước cho hạ lưu sông Đăk Bla như cam kết và đây là nguyên nhân chính trong việc thiếu nước như hiện nay.

Chính vì nước xả không đủ cao trình mực nước để các máy bơm hoạt động đảm bảo công suất, hiệu suất nên lượng nước cấp lên khu xử lý rất yếu và thiếu hụt. Hiện nhà máy đã phát huy hết công suất hiện có nhưng vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Trước tình hình đó, đơn vị đã có công văn gửi Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Bla về việc phối hợp vận hành điều tiết dòng chảy của dự án hồ chứa cắt lũ và kết hợp phát điện Đăk Bla phải đảm bảo lượng nước đủ vận hành trạm bơm cấp nước phục vụ người dân.

Mặt khác, trong tháng 5/2024, công ty sẽ thay thế các máy bơm, cải tạo khu xử lý nước 4.000m3/ngày đêm, xây mới bể chứa 2.500m3…nâng công suất từ 17.000 m3/ngày đêm lên 19.000 m3/ngày đêm trong năm 2024. Về lâu dài, công ty đã có kế hoạch đầu tư xây dựng thêm nhà máy với tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Nhà máy mới này có công suất 20.000 – 30.000 m3/ngày đêm đảm bảo phục vụ nhu cầu nước sạch cho người dân toàn thành phố.

Liên quan đến lượng nước tăng vọt, phía Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum cho biết, có thể do đường ống sau đồng hồ bị rò rỉ hoặc do đồng hồ đo nước. Công ty đã cử người xuống làm việc với các hộ dân và đang đã đem đồng hồ đo nước đi kiểm tra nhưng đến nay chưa có kết quả. Sau khi có kết quả kiểm tra đồng hồ của đơn vị chức năng thì công ty mới có hướng xử lý tiếp theo. Trường hợp lỗi do đồng hồ thì công ty sẽ tính toán lại, khấu trừ cho người dân vào các tháng sau.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.