Người đầu tiên mở nghề nuôi ngao trắng giúp cho cả ngàn dân trong vùng lập nghiệp, người đầu tiên cho ngao trắng sinh sản nhân tạo được trên đất Nam Định nên ông được phong là “thành hoàng”. Thế nhưng đến nay “thành hoàng” cũng phải tái cơ cấu một cách đớn đau…
Mở nghề cho ngàn vạn người
Hơn hai năm không gặp lại kể từ khi về vùng Giao Thủy (Nam Định) viết bài “Ngao há miệng, người há mồm”, tôi gần như không thể nhận ra được ông - một “thành hoàng” của nghề nuôi trồng nhuyễn thể. Quần áo nhàu nhĩ, gương mặt còn nhàu nhĩ hơn.
Ông là Chủ tịch Hội nuôi trồng nhuyễn thể huyện Giao Thủy, Hội bảo tồn chim cùng nhiều câu lạc bộ, hội nghề nghiệp khác. Ông là người đầu tiên tham gia các hoạt động cộng đồng như du lịch, vệ sinh môi trường, là người đầu tiên nghĩ đến cách đưa thương hiệu ngao sạch Giao Thủy ra thị trường chứ không chịu cảnh bán chui bán lủi vô danh.
Ông Cửu (người cầm sào) đang kiểm tra bãi ngao
Ngày xưa, khi còn là một kẻ chăn lợn nhưng chứng kiến cảnh người dân trong vùng suốt ngày đầu tắt mặt tối cào ngao tự nhiên ngoài bãi về làm thức ăn cho… gia súc, ông đã nghĩ khác, biết cách đấu thầu rồi mua con giống thả xuống. Năm 1989, trong một dịp tình cờ có tàu cá Trung Quốc dạt vào bờ biển Giao Xuân tránh trú bão, ông đã tiếp cận để chào hàng đặc sản ngao quê mình để rồi sau đó ngao Giao Thủy được thị trường cả tỉ dân chấp nhận.
Khi loại ngao nâu tự nhiên ngoài bãi sinh sản không kịp với số lượng đánh bắt của con người, cũng chính ông đã đưa loại “ngao méo” Thanh Hóa rồi đến ngao trắng Bến Tre về nuôi. Lúc đó, ai thấy cũng cười chê vì cho là kỳ quặc. Thế rồi khi dính cơn đại hạn năm 2001, toàn bộ bãi nuôi ngao giống địa phương gần như bị xóa sổ, chỉ sót lại mỗi bãi nuôi ngao trắng của ông thì người ta chuyển từ cười sang khâm phục. Để đến nay quanh vùng đất ngập nước khu Ramsar có đến 1.100-1.200 ha ngao trắng thương phẩm, tạo công ăn việc làm cho cả vạn người.
Từ năm 2005 ông còn được UBND huyện tin cậy ủy quyền để xây dựng thương hiệu ngao Giao Thủy. Theo đó, Hội Nuôi nhuyễn thể được thành lập với hơn 100 hội viên nhằm tăng cường liên kết thực hiện đúng quy trình sản xuất an toàn.
Kiên trì theo đuổi ròng rã mất ba năm, sản phẩm đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Hơn thế con ngao Giao Thủy còn được công nhận vùng nuôi an toàn loại B - đạt chất lượng xuất vào thị trường châu Âu.
Chìm nổi với nghề
Thế nhưng đi cùng trên một cái bè thì “thành hoàng” cũng như dân đen, vẫn lao đao đến nỗi tí nữa là vỡ nợ, bị siết nhà. Nuôi ngao vốn vất vả. Sương xuống, mưa nhiều hay nắng to ngao đều há mồm ra mà chết. .
Nói về sự chìm nổi của nghề không gì chính xác hơn là về chính quê hương của “thành hoàng” ở xã Giao Xuân.
Công nhân của ông Cửu đang thu hoạch ngao
Ông Trần Văn Tùng - Chủ tịch UBND xã thống kê hiện địa phương đang có khoảng 300 ha ngao đem lại công ăn việc làm thường xuyên cho vài ngàn người với đủ thứ việc từ làm chòi canh, lưới vây, canh gác, đánh bắt đến buôn bán. Tổng sản lượng ngao của Giao Xuân hàng năm lên tới 8.000-9.000 tấn, chiếm khoảng 2/3 “GDP” toàn xã, tương đương với 150/200 tỉ.
Sau cơn bão Sơn Tinh năm 2012 người Giao Xuân mất 200 tỉ, phải vay mượn tứ tung để đầu tư lại. Nhà nào cũng cần tiền nên xảy ra tình trạng đổ xô đi bán. Đúng lúc đó thì chính sách biên mậu của Trung Quốc thay đổi, ngao không thể xuất được qua đường tiểu ngạch như trước nữa. Thủ tục mỗi lúc một rườm rà mà giá bán vẫn cứ chúi đầu đi xuống, mà bão gió vẫn cứ dập vùi mãi vào vùng nuôi.
Hồi sức được tí thì cơn bão số 1 năm nay lại khiến cho cả vùng phải lao đao khi mất đi khoảng 80 tỉ đồng tiền mồ hôi, nước mắt. Hi vọng cứ lụi tàn như bọt sóng ngoài cửa Ba Lạt. Đã mấy năm nay mọi thứ ở Giao Xuân như ngừng lại. Từ nhà cửa đến công trình đều ngừng xây mới, ngừng sửa sang.
Mối nguy không dừng lại ở đó. Nuôi trồng ồ ạt, luồng lạch thu hẹp, nước nôi bạc màu khiến cho con ngao Giao Thủy cũng thêm hao gầy, đen đúa, tốn thời gian nuôi trồng hơn.
Trong cơn bĩ cực, “thành hoàng” đành phải chấp nhận bán dần bờ bãi, bán dần ô tô để trả nợ. Thế mà ngôi nhà cất lên từ thủa hai vợ chồng lập nghiệp, sổ đỏ ngân hàng vẫn đang giữ.
Với giá ngao hiện tại 10.000đ/kg, chưa bằng một nửa so với thời cao điểm 2008-2009, Hội Nuôi trồng nhuyễn thể của ông có 135 hội viên thì đa số thua lỗ hoặc trên bờ vực thua lỗ, hơn 10 người đã phải rời bỏ cuộc chơi.
Cũng may là còn có công nghệ sản xuất giống nhân tạo vớt vát lại vì giá rẻ chỉ bằng 1/10 trước. Công nghệ này cũng là do “thành hoàng” làng ngao đi du học mà thành. Số là, trong lúc người khác đang kiếm bộn tiền nhờ nuôi ngao thịt thì ông lại hao tâm khổ tứ, đổ tiền muôn, bạc vạn xuống sông, xuống biển để nghiên cứu sản xuất giống.
Một góc bãi ngao
Hồi đó, người ta chỉ có khai thác ngao giống tự nhiên còn công nghệ sản xuất nhân tạo lại do người Trung Quốc nắm giữ. Muốn mua công nghệ người ta không bán, muốn thuê làm chuyên gia người ta không nhận, cuối cùng ông nghĩ ra một cách là hợp tác làm ăn, ngoài trả công ra còn ăn chia theo sản phẩm. Tới năm 2010 thì thành công, ông xây dựng được cơ sở nuôi ngao chuyên nghiệp của riêng mình, khép kín chu trình sản xuất từ giống, ươm nuôi, khai thác, tiếp thị đến tiêu thụ.
Cái giá bỏ ra cho việc sản xuất ngao giống từ năm 2003-2010 vào khoảng 20 tỉ nhưng khi làm chủ được công nghệ rồi ông hào phóng phổ biến cho bà con toàn vùng học tập. Do quá chuyên tâm vào nghiên cứu giống mà không có thời gian quản lý bãi ngao thương phẩm nên kinh tế của gia đình ông từ đó tụt dốc. Đã thế cơn bão số 1 năm nay lại quét mất thêm 10 tỉ của gia đình biến ông thành kẻ nợ nần đầm đìa.
Bây giờ ông rút ra một bài học sâu sắc là không đầu tư dàn trải mà chỉ tham gia những thứ thuộc về sở trường. Cuộc cải tổ đau đớn của ông sẽ là thu hẹp vùng sản xuất nơi quê nhà, tìm kiếm bãi nuôi mới ở Thái Bình, Hải Phòng, mở rộng thị trường, xử lý sau thu hoạch bằng công nghệ sinh học kích thích cho ngao nhả hết cát sạn. Điều đặc biệt, dung dịch sinh học này cũng là “lương khô” dự trữ cho con ngao suốt quá trình bảo quản dài 7-10 ngày, giúp thịt của chúng luôn ngon giòn, béo ngậy.
Con đường phía trước vẫn còn lắm gập ghềnh nhưng cũng không đến nỗi rậm rịt. Ông là Nguyễn Trường Cửu - Chủ doanh nghiệp tư nhân Cửu Dung.