Theo Reuters, khoa học gia Mario Molina được ví là một trong những nhà khoa học lỗi lạc nhất của Mexico, khi ông đã tự làm các nghiệm đầu tiên của mình từ khi còn là một cậu bé nghèo rồi sau đó khi trở thành một nhân vật quyền lực trong các nghiên cứu về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Centro Mario Molina, quỹ sáng lập kiêm cơ quan nghiên cứu về môi trường do chính ông thành lập, cho biết nhà khoa học đã qua đời sau một “cơn đột quỵ bất ngờ”, hưởng thọ 77 tuổi.
Ông Molina sinh ra ở thành phố Mexico và tốt nghiệp Đại học Quốc gia Mexico (UNAM) sau đó lấy bằng sau đại học tại các trường đại học ở Đức và California (Mỹ).
Năm 2008, ông được bổ nhiệm làm cố vấn khoa học cho Tổng thống Mỹ Barack Obama về những nỗ lực giảm thiểu khói bụi và ô nhiễm không khí, một vấn đề kinh niên ở các đô thị.
Theo hồ sơ cá nhân của nhà khoa học đoạt giải Nobel Hóa học năm 1995, ngay từ khi còn là một cậu bé 10 tuổi, Molina đã được cha mẹ mua cho một chiếc kính hiển vi và cậu đã biến phòng tắm thành phòng thí nghiệm và say mê nghiên cứu khoa học.
Đến năm 1995, ông Molina cùng với hai đồng nghiệp Frank Sherwood Rowland và Paul Crutzen đã được trao giải Nobel hóa học cho công trình nghiên cứu, phát hiện ra khí CFC (tên khoa học là Chlorofluorocarbons)- một chất xúc tác có hiệu quả cao trong quá trình phá vỡ các phân tử ôzôn vốn có tác dụng ngăn cản phần lớn các tia cực tím có hại tới bầu khí quyển của Trái đất.
Chất CFL thường có trong các chất khử mùi, bình xịt và nhiều sản phẩm gia dụng khác. Với việc giải thích sự hình thành và phân hủy tầng ôzôn thông qua các quá trình hóa học trong khí quyển, giúp ngăn chặn các chất gây ra lỗ thủng phá hủy tầng ôzôn.
Ông Molina từng làm việc tại Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California ở San Diego (Mỹ), một trung tâm quan trọng về nghiên cứu các hiện tượng liên quan đến biến đổi khí hậu.
Trước đó, vào năm 2012 người đồng nhận giải Nobel Hóa học với ông là nhà khoa học người Mỹ Frank Sherwood Rowland cũng qua đời do các biến chứng của căn bệnh Parkinson, thọ 84 tuổi.
Trước đó, ngày 7/10/2020, giải thưởng Nobel Hóa học 2020 đã được trao cho hai nhà khoa học nữ Emmanuelle Charpentier (52 tuổi) người Pháp và Jennifer Doudna (56 tuổi) người Mỹ và với đóng góp trong việc tìm ra công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9, công cụ cho phép các nhà khoa học cắt ADN và chỉnh sửa mã gene của động vật, thực vật và vi sinh vật.
Công nghệ này đã tạo ra ảnh hưởng tiên phong trong các ngành khoa học nghiên cứu về cuộc sống, đóng góp cho các phương pháp điều trị ung thư mới và có thể biến giấc mơ chữa trị các căn bệnh di truyền thành hiện thực.