Trở về xã Ia Kênh (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), băng qua những con đường bê tông hóa là những vườn trồng mía thẳng tăm tắp, tím cả một khoảng trời. Còn nhớ, khoảng 5 năm về trước, nơi đây là những ruộng lúa khô hạn, thiếu sức sống mà các hộ dân không buồn chăm sóc.
Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Quang Hải, Chủ tịch UBND xã Ia Kênh không khỏi vui mừng cho biết, trước đây, tổng diện tích trồng lúa trên địa bàn khoảng 300 ha nhưng phần lớn năng suất không đạt, kém hiệu quả. Nhưng chỉ vài năm trở lại đây, bà con đồng bào đã chuyển sang trồng cây mía tím. Nếu như trồng lúa cho thu nhập thấp và rất bấp bênh, thì với cây mía tím có thể xem như người dân đã đổi đời.
Hiện tại, diện tích trồng mía tím trên địa bàn của xã Ia kênh có khoảng 39 hộ (chủ yếu là người đồng bào dân tộc Ba Na và Jrai) tham gia với gần 20 ha. Với giá mía cao như hiện nay, trung bình 1 sào (1 sào 1.000m2), trừ hết các khoản chi phí, người dân thu về lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng.
Là người đầu tiên phát hiện và đưa cây mía tím về địa phương, ông Kpă Pyui (làng Nhao 1, xã Ia Kênh, TP. Pleiku) cho biết, nguồn nước tưới ngày càng cạn kiệt nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa, dẫn đến cây lúa nơi đây luôn bị khô hạn, năng suất rất thấp. Thấy vậy, ông Kpă Pyui đã quyết tâm chuyển đổi 2 sào lúa bỏ hoang sang trồng cây mía tím.
“Cái được của việc chuyển đổi đất lúa sang trồng mía đã giúp cho thu nhập của gia đình hàng năm tăng đáng kể, cuộc sống ngày càng khởi sắc”, ông Kpă Pyui chia sẻ.
Theo ông Kpă Pyui, sau thời gian thấy gia đình ông chuyển sang trồng cây mía tím cho thu nhập cao, nhiều gia đình cũng đã học theo, chuyển đổi mô hình sản xuất. So với cây lúa thì cây mía cho thu nhập gấp 4-5 lần trong cùng một diện tích.
“Từ khi trồng cây mía, bà con nơi đây đã cải thiện được kinh tế gia đình. Từ các hộ khó khăn, thiếu thốn, sau khi trồng cây mía đã cho thu nhập cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo”, ông Kpă Pyui chia sẻ.
Với diện tích 2,5 sào đất của gia đình tại cánh đồng Bầu 4 (làng Nhao 1, xã Ia Kênh), gia đình ông Rơ Lan Quý trước đây trồng lúa nhưng do thường xuyên thiếu nước nên mỗi năm chỉ thu hoạch được hơn 2 tạ/sào, cuộc sống lúc nào cũng thiếu ăn.
Nghĩ vậy, ông chủ động học hỏi nhiều nơi và tìm mua giống mía tím về trồng thử nghiệm trên diện tích 1 sào đất lúa. Không ngờ, cây mía tím phát triển nhanh, bán được giá nên ông chuyển toàn bộ 2,5 sào đất lúa sang trồng mía.
“Gia đình tôi đã trồng lúa hơn 10 năm rồi, nhưng thấy không có hiệu quả, thiếu nước, tốn công, năng suất thấp nên tôi chuyển sang trồng cây mía. So với cây lúa, cây mía thu hoạch cho năng suất rất cao”, ông Quý chia sẻ.
Ông Quý cho biết, hiện các thương lái từ huyện Chư Sê, Đức Cơ sang thu mua tận vườn với giá 10.000-12.000 đồng/cây. Với diện tích 2,5 sào, gia đình ông thu về gần 50 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư.
Cũng nắm bắt cơ hội chuyển đổi cây trồng, gia đình ông Kpă Minh (làng Nhao 2) thu hơn 40 triệu đồng từ cây mía tím. Ông Minh cho biết, trước khi chuyển sang trồng mía tím, ông đã trồng nhiều loại cây ngắn ngày như lúa, bắp, nhưng không cây nào lợi nhuận bằng mía tím. cây mía tím chỉ đầu tư giống một lần và chỉ vất vả khâu làm đất, xuống giống. Khi đến mùa thu hoạch, gia đình ông chỉ cần đem qua chợ sẽ có các thương lái, chủ xe khách các tuyến và người dân sẽ tự đến mua. Với việc trồng mía tím, cùng với giá rất cao ở thời điểm hiện tại đã giúp gia đình ông Minh có thu nhập ổn định.
Theo tìm hiểu được biết, cây mía tím phát triển mạnh tại vùng đất xã Ia Kênh từ năm 2019. Đây là loại cây dễ trồng, chịu hạn, sinh trưởng mạnh, chi phí đầu tư thấp. Để cây mía tím phát triển tốt, trước khi trồng người dân chú trọng chọn ngọn, mắt cây mía khỏe để làm giống. Sau đó, ngâm ngọn xuống nước nửa ngày để diệt trừ mầm bệnh rồi vớt lên trồng.
Khi hom mía vươn mầm 20-30 cm thì bắt đầu bón phân cho cây phát triển, sinh trưởng. Sau 2 tháng xuống giống đến khi chuẩn bị thu hoạch phải bóc lá để lóng mía vươn cao hơn, kết hợp với giăng dây chống đổ ngã.
Ông Nguyễn Quang Hải, Chủ tịch UBND xã Ia Kênh cho biết, nhờ việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía tím, bộ mặt nông thôn nơi đây đã dần thay đổi, đời sống ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tình hình tiêu thụ các mặt hàng nông sản gặp nhiều khó khăn. Cây mía chỉ thực sự tiêu thụ tốt trong năm nay khi các thương lái ở các tỉnh về thu mua cho người dân.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ định hướng cho người dân duy trì diện tích mía có sẵn, đồng thời mở rộng thêm một số diện tịch trồng phù hợp. Đặc biệt, không nên mở rông diện tích trồng mía ồ ạt để tránh câu chuyện bị ép giá, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân”, ông Hải chia sẻ.
Cũng theo ông Hải, chính việc cây mía phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, UBND TP. Pleiku đã ra quyết định thành lập Nông hội mía xã Ia Kênh để có những định hướng bền vững hơn đối với loại cây trồng này trên địa bàn.