| Hotline: 0983.970.780

Đưa vùng mía Đông Gia Lai thoát cảnh 'thất sủng'

Thứ Sáu 18/03/2022 , 06:45 (GMT+7)

GIA LAI Bảo hiểm giá mua mía nguyên liệu dài hạn ở mức cao; tạo đột phá về giống cũng như cơ giới hóa và thâm canh mía đang giúp nông dân quay lại với cây mía.

Nông dân quay lại với cây mía

Niên vụ ép 2021 - 2022 của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai), đơn vị trực thuộc của Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi bắt đầu từ 15/12/2021 và sẽ kết thúc vào ngày 20/4/2022.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Nhà máy đường An Khê, tính đến nay, nhà máy đã thu mua của nông dân trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai gồm các huyện, thị như Kbang, Đăk Pơ, Kông Chro và An Khê với số lượng 500.000 - 600.000 tấn mía.

Niên vụ ép 2021 - 2022 của Nhà máy Đường An Khê sẽ kết thúc vào ngày 20/4. Ảnh: V.Đ.T.

Niên vụ ép 2021 - 2022 của Nhà máy Đường An Khê sẽ kết thúc vào ngày 20/4. Ảnh: V.Đ.T.

Bài liên quan

Ngay từ đầu vụ, Nhà máy đường An Khê đã thông báo rộng rãi đến người dân giá thu mua mía nguyên liệu với mức 1.050.000 đồng/tấn mía thuần 10CCS, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 100.000 đồng/tấn.

Ngoài ra, Nhà máy còn hỗ trợ nông dân sản xuất và kinh doanh mía chi phí vận chuyển, tùy thuộc vào cự ly, cấp đường vận chuyển mía từng bến bãi với mức bình quân 160.000 đồng/tấn. Như vậy, khi mía được vận chuyển về đến nhà máy, lên bàn cân sẽ có giá hơn 1,2 triệu đồng/tấn mía thuần 10CCS.

Bài liên quan

Giá mía tăng cao, người trồng mía có lãi tốt nên nông dân rất phấn khởi. Diện tích mía trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai đang phục hồi mạnh mẽ. Trong niên vụ này, người trồng mía trong vùng nguyên liệu đã trồng mới 6.000ha mía tơ, đây là tín hiệu khả quan để Nhà máy đường An Khê tăng diện tích trong vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai lên 30.000ha như dự kiến. Ngoài giá mía tăng cao, nông dân còn được nhà máy bảo hiểm giá đến năm 2025 với mức giá 900.000 đồng/tấn. 

"Lượng đường trong nước cung ứng cho người tiêu dùng đang bị thiếu, đặc biệt nhờ Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán giá đường nên đã hạn chế được đường nhập lậu. Nhờ đó, giá đường trong nước sẽ còn ổn định dài lâu, theo đó giá thu mua mía nguyên liệu cũng tăng cao theo. Đó là viễn cảnh sáng của cây mía trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Nhà máy đường An Khê chia sẻ.

Hiện 100% diện tích mía ở huyện Kbang (Gia Lai) đã áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện 100% diện tích mía ở huyện Kbang (Gia Lai) đã áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất. Ảnh: V.Đ.T.

Tại huyện Kbang (Gia Lai), cây mía là nguồn thu chính của người dân 5 xã phía nam của huyện gồm: Đăk Hlơ, Kôngbala, Kông lơngkhơng, Tơtung và Nghĩa An với diện tích hơn 10.000ha. Trong giai đoạn cây mía bị “thất sủng”, giá mía xuống thấp, thêm vào đó hạn hán liên tục xảy ra khiến cây mía phát triển èo uột, năng suất đạt thấp khiến người trồng mía không có lãi, nông dân dần quay lưng với cây mía, chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, trồng dâu và mì (sắn). Do đó, diện tích mía trên địa bàn huyện Kbang giảm xuống chỉ còn khoảng 8.500ha.

“Nhờ giá mía tăng cao trong 2 năm gần đây, thêm khoản hỗ trợ vận chuyển và phương thức thu mua mía của nhà máy “dễ thở” hơn trước đây nên người trồng mía có lãi, bà con đang rất phấn khởi. Diện tích mía trên địa bàn hiện đang phục hồi.

Trong niên vụ 2022 - 2023, bà con ở Kbang đã trồng khoảng 1.000ha mía tơ, những diện tích trước đây bà con chuyển sang trồng mì, trồng dâu hiện đã chuyển sang trồng mía trở lại. Nếu giá mía cao ổn định, những năm tới diện tích mía trên địa bàn huyện Kbang sẽ phục hồi mạnh mẽ”, ông Mã Văn Tình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kbang cho hay.

Đột phá cơ giới hóa và giống chất lượng

Xác định giống là tiền đề quyết định năng suất cho cây mía, Trung tâm Giống mía của Nhà máy đường An Khê không ngừng khảo nghiệm các giống mía mới có khả năng chịu hạn, cho năng suất và chữ đường cao để chuyển giao cho nông dân nhằm tăng lợi nhuận cho người trồng mía. Khi đưa các giống mới đã được khảo nghiệm ra trồng đại trà, nhà máy đầu tư tiền hom giống mía trồng tơ đối với 3 giống Uthoong11, KK3, LK92-11 với mức từ 5 - 10 triệu đồng/ha, không đầu tư cho diện tích mía trồng các giống khác.

Xây dựng canh đồng lớn gắn với cơ giới hóa đã giúp hạ giá thành, nâng cao năng suất và lợi nhuận cho người trồng mía. Ảnh: V.Đ.T.

Xây dựng canh đồng lớn gắn với cơ giới hóa đã giúp hạ giá thành, nâng cao năng suất và lợi nhuận cho người trồng mía. Ảnh: V.Đ.T.

Ngoài mía giống được Trung tâm Giống mía sản xuất, Nhà máy đường An Khê còn liên kết với nông dân trong vùng nguyên liệu sản xuất mía giống. Sau đó, nhà máy bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo phương thức hỗ trợ không thu hồi mỗi tấn mía giống 100.000 đồng.

"Lượng mía giống liên kết trồng trong dân giúp Nhà máy chủ động được nguồn giống để đầu tư lại cho người trồng mới mía tơ. Nhờ đó, năng suất mía bình quân trong vùng nguyên liệu từng bước được cải thiện, hiện đã tăng từ 50 tấn/ha trước đây lên trên 60 tấn/ha, năng suất mía trong những cánh đồng lớn còn cao hơn, đạt đến 80 tấn/ha. Năng suất mía tăng lên đồng nghĩa thu nhập cũng người trồng mía cũng tăng theo”, ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Nhà máy đường An Khê chia sẻ.

Những năm qua, giải pháp cơ giới hóa cũng được người trồng mía trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai hào hứng áp dụng, đây cũng là cách giúp hạ giá thành, tăng năng suất cho cây mía. Nếu như cách đây 10 năm, trong niên vụ 2011 - 2012 mới chỉ có hơn 2.118ha mía được nông dân đầu tư cơ giới hóa các khâu làm đất, trồng, chăm sóc, bón phân thì đến niên vụ 2021 - 2022 con số này đã tăng đến trên 5.000ha. Đặc biệt, người trồng mía nhận thấy ưu điểm trong khâu trồng mía bằng máy nên đã mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác truyền thống, diện tích trồng mía bằng máy tăng từng năm.

Mía trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai được chăm sóc bằng máy. Ảnh: V.Đ.T.

Mía trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai được chăm sóc bằng máy. Ảnh: V.Đ.T.

Khâu chăm sóc, bón phân bằng máy đã thuyết phục được người trồng mía bởi tính kịp thời vụ, tránh lãng phí phân bón, giảm nhân công lao động khi thời vụ cao điểm, chi phí thấp, đồng thời giúp đất tơi xốp, rễ mía phát triển tốt, tăng cao năng suất.

“Thực tế cho thấy, những diện tích cơ giới hóa đồng bộ cho năng suất cao hơn những diện tích làm bằng phương pháp thủ công 20 tấn/ha. Tất cả 3.000ha mía của những cánh đồng lớn trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai hiện đã được áp dụng cơ giới hóa”, ông Nguyễn Hoàng Phước cho hay.

Riêng ở huyện Kbang, với diện tích 8.500ha mía hiện có, đang duy trì được 8 cánh đồng lớn. Những người trồng mía ở 5 xã phía nam huyện Kbang phần nhiều là đồng bào dân tộc thiểu số Bana, thế nhưng sau khi thực hiện cánh đồng lớn, trình độ thâm canh mía của bà con đã càng được cải thiện.

“Trước đây, nông dân huyện Kbang chủ yếu sản xuất mía bằng phương pháp thủ công nên năng suất mía ở đây không thể sánh bằng mía trồng ở các địa phương khác. Từ khi áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất mía, năng suất mía đã tăng trên 60 tấn/ha. Hiện 100% diện tích mía ở Kbang đã được cơ giới hóa khâu làm đất, những diện tích đất bằng đã được cơ giới hóa các khâu chăm sóc, thu hoạch”, ông Mã Văn Tình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kbang cho biết.

Năng suất mía bình quân trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai thời gian qua đã liên tục tăng cao, đạt trên 60 tấn/ha. Ảnh: V.Đ.T.

Năng suất mía bình quân trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai thời gian qua đã liên tục tăng cao, đạt trên 60 tấn/ha. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc phụ trách nguyên liệu Nhà máy Đường An Khê, để ổn định vùng nguyên liệu đủ cung cấp cho nhà máy hoạt động từ 18.000 - 20.000 tấn mía cây/ngày, nâng diện tích trong vùng nguyên liệu từ 22.170ha hiện nay lên 30.000ha trong những năm tới, Nhà máy đã xây dựng những giải pháp thâm canh cụ thể về giống mía, cơ giới hóa, phân bón, nước tưới...

Đặc biệt, Nhà máy đã đầu tư, hoàn thiện máy móc thiết bị, công nghệ để nâng cao hiệu quả thu hồi đường từ mía; đầu tư dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE từ đường thô để cung cấp vào các siêu thị cao cấp và xuất khẩu; nâng cao hiệu quả trong chế biến, tinh luyện.

Nhà máy đường An Khê đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đồng ruộng để nâng cao hiệu quả điều hành vùng nguyên liệu; ban hành cơ chế chính sách nhân giống mía, chính sách mua mía nguyên liệu theo từng loại giống mía nhằm khuyến khích người sản xuất chuyển đổi theo định hướng cơ cấu giống mía phù hợp; tối ưu hóa trong quản lý sản xuất, giảm tối thiểu chi phí trong từng công đoạn chế biến nhằm hạ giá thành sản phẩm đường, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường”, ông Nguyễn Hoàng Phước chia sẻ.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.