| Hotline: 0983.970.780

Xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Trồng giống cây 'trăm mắt' nổi tiếng trời Tây

Thứ Năm 19/05/2022 , 10:44 (GMT+7)

Nông dân huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang xóa thế độc canh cây mía, trồng giống cây “trăm mắt” nổi tiếng trời Tây, góp phần tăng mối liên kết bền vững doanh nghiệp và nông dân.

Bén duyên với cây khóm MD2

Tìm đến ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp trong những ngày bà con nông dân đang tất bật thu hoạch khóm MD2. Phóng viên cảm nhận rõ niềm vui xen lẫn sự háo hức của bà con khi chuẩn bị cầm chắc tiền lời về tay.

Ông Nguyễn Văn Sỹ được xem là người tiếp sức cho bà con nông dân trong xã mạnh dạn và quyết tâm chuyển đổi từ diện tích mía canh tác kém hiệu quả sang trồng khóm MD2. Mấy chục năm gắn bó với cây mía trên diện tích 4,5 ha, nhưng giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định, khiến ông Sỹ không còn tự tin có thể trụ vững với cây mía. Thời điểm năm 2014 - 2015, sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu về cây khóm, ông táo bạo chuyển 5,8 công đất mía sang trồng khóm Queen.

Liều lĩnh hơn nữa, khi năm 2018, có doanh nghiệp bắt đầu xây dựng vùng nguyên liệu khóm MD2 tại ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, trong khi nhiều nông dân trong xã ngán ngại, không dám chuyển đổi, ông Sỹ lại một lần nữa phá toàn bộ diện tích trồng khóm Queen để lập nghiệp lại với giống khóm MD2.

Nông dân ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang tất bật, háo hức trong ngày thu hoạch khóm. Ảnh: Kim Anh

Nông dân ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang tất bật, háo hức trong ngày thu hoạch khóm. Ảnh: Kim Anh

Theo ông Sỹ, khóm MD2 được Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (WestFood) cung cấp cây giống, bao tiêu đầu ra cho nông dân, với hợp đồng 3 năm. Trung bình 1 vụ, từ 12 - 18 tháng khóm sẽ cho thu hoạch. “Qua vụ đầu tiên trồng thử nghiệm, bà con rất phấn khởi, giống khóm MD2 có trọng lượng lớn, trung bình mỗi trái đạt 1,8kg, có trái trội lên đến 2,8kg, cho năng suất khá cao, đặc biệt là chịu được điều kiện của vùng đất trũng phèn ở xã Phương Bình”.

Trên ruộng khóm của ông Lâm Văn Lam ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình nhân công cũng đang hối hả, vừa thu hoạch khóm, vừa vận chuyển lên ghe của doanh nghiệp đã cập bến sẵn để sẵn sàng vận chuyển về nhà máy chế biến đặt tại TP Cần Thơ.

Ông Lâm Văn Lam phấn khởi khi vụ thu hoạch khóm MD2 năm nay, năng suất đạt cao hơn mong đợi, lại được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra nên ông không sợ rủi ro. Ảnh: Kim Anh

Ông Lâm Văn Lam phấn khởi khi vụ thu hoạch khóm MD2 năm nay, năng suất đạt cao hơn mong đợi, lại được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra nên ông không sợ rủi ro. Ảnh: Kim Anh

Không giấu được niềm vui, ông Lam chia sẻ, 20 năm trồng chuối và mía, có những năm cũng có lợi nhuận cho nông dân, nhưng có những năm thất thu nhiều, không có đồng vốn để tái đầu tư. Thấy các nông dân khác trồng thử nghiệm khóm MD2 thành công và hiệu quả, ông Lam cũng quyết tâm phá bỏ chuối, thu hoạch mía và chuyển đổi qua trồng khóm MD2. Lúc ban đầu, ông chuyển đổi chỉ 2ha, sau đó nhân rộng lên 3ha. Cây Mía thu hoạch từ 80 - 100 triệu đồng/ha, nhưng chi phí bỏ ra hết 50%. Còn nếu nông dân trồng khóm lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha.

Khóm MD2 sau khi thu hoạch sẽ được vận chuyển trực tiếp đến nhà máy chế biến. Ảnh: Kim Anh

Khóm MD2 sau khi thu hoạch sẽ được vận chuyển trực tiếp đến nhà máy chế biến. Ảnh: Kim Anh

Cách đó không xa, 2ha mía của gia đình ông Võ Văn Vũ, lần đầu tiên tham gia trồng giống khóm MD2, nay cũng đang bắt đầu thu hoạch quả ngọt đầu mùa, với giá bán 5.500 đồng/kg, không kể kích thước khóm lớn hay nhỏ.

Vụ thu hoạch khóm MD2 đầu tiên của ông Võ Văn Vũ, với giá bao tiêu của doanh nghiệp là 5.500 đồng/kg. Ảnh: Kim Anh

Vụ thu hoạch khóm MD2 đầu tiên của ông Võ Văn Vũ, với giá bao tiêu của doanh nghiệp là 5.500 đồng/kg. Ảnh: Kim Anh

Ông Vũ cho biết kế hoạch sắp tới, ông sẽ cùng với một số anh em chuyển đổi 30 công đất ruộng tầm nhỏ, cải tạo lại đất để chuẩn bị trồng khóm MD2. “Cách đây 20 năm, lúc đó chỉ biết có cây mía, nếu có công ty bao tiêu thì đỡ, không có doanh nghiệp bao tiêu thì mía bỏ trắng ngoài ruộng. Thay đổi qua cây khóm này, phải nói đời sống bà con cũng phấn khởi để làm việc, tốt hơn nhiều. Hồi trước không ai dám mạnh dạn mở rộng ra trồng khóm MD2 sau đó một hai hộ trồng thử nghiệm đạt, vì vậy bà con làm theo. Quả thật rất đúng, nông dân phải được tận mắt thấy tai nghe, nông dân nói cho nông dân nghe mới đem lại hiệu quả thiết thực”, ông Vũ thẳng thắn chia sẻ.

Khóm MD2 “lên ngôi”

Theo thông tin từ Phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hiện nay diện tích trồng khóm MD2 trên địa bàn đã đạt khoảng 120ha. Diện tích này đã tăng gấp 2 - 3 lần so với trước khi xây dựng mô hình thí điểm (khoảng 13ha). Trong đó, 33 ha diện tích vùng nguyên liệu khóm MD2 đã đạt chứng chỉ GlobalGAP, năm 2022, sản lượng trái thu hoạch dự kiến là 2.800 tấn.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp thông tin thêm, công ty đầu tư cho bà con nông dân từ khi gieo trồng cho đến khi thu hoạch, chỉ định kỹ thuật, cử cán bộ kỹ thuật xuống cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nông dân, để nắm bắt tình hình sinh trưởng của cây khóm. Với chính sách như thế người dân rất phấn khởi, an tâm, vì khi đầu tư như vậy người dân sẽ không bỏ tiền vốn ban đầu, những hộ nghèo, cận nghèo nếu có đất cũng có thể làm được mô hình này.

Thời gian tới, để xây dựng nên vùng nguyên liệu bền vững, quy mô lớn, tập trung, UBND huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang và Công ty Westfood đã ký thỏa thuận ghi nhớ, thống nhất hợp tác mở rộng, phát triển và khai thác vùng nguyên liệu trồng giống khóm MD2 với diện tích dự kiến lên tới 2.000ha giai đoạn 2022 - 2030 và phấn đầu diện tích đạt chuẩn Global Gap đạt 50% diện tích.

“Với diện tích mở rộng như thế, ngành chuyên môn đã tham mưu với UBND huyện chọn những vùng mía không hiệu quả để mở rộng vùng nguyên liệu như Phương Phú, Hiệp Hưng. Đây là 2 xã có diện tích mía và diện tích tràm rất lớn, người dân cũng đã đăng ký trồng khóm rất nhiều”, ông Tuấn cho biết.

Hiện nay, sản phẩm khóm MD2 được Công ty WestFood thu mua và xuất khẩu tới các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… với hai hình thức đóng gói là đông lạnh và đóng lon, sản phẩm chủ lực là khóm MD2. Bên cạnh đó, công ty đang định hướng phát triển xuất khẩu mặt hàng tươi nguyên trái.

Ông Bùi Đức Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (WestFood) khẳng định, việc đưa giống khóm MD2 đến với bà con nông dân huyện Phụng Hiệp vừa phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của vùng trong bối cảnh nông dân của huyện đang có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vừa tạo định hướng phát triển bền vững, ổn định cho bà con nông dân thông qua việc xây dựng mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Đặc biệt mô hình này giúp tăng cao thu nhập cho nông dân.

Khóm MD2 được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, trọng lượng lớn, ngọt, nhiều nước, chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu. Ảnh: Kim Anh

Khóm MD2 được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, trọng lượng lớn, ngọt, nhiều nước, chủ yếu phục vụ thị trường xuất khẩu. Ảnh: Kim Anh

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp cả nước đang hướng nông dân phát triển theo xu hướng kinh tế nông nghiệp, việc sản xuất theo nhu cầu của thị trường, đặc biệt là hướng đến thị trường ngoại để nâng cao giá trị nông sản cung như thu nhập cho bà con nông dân là bước phát triển đúng đắn, phù hợp và đang được khuyến khích nhân rộng.

Cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ mía sang khóm MD2 ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang một lần nữa khẳng định mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp dựa trên cơ sở hài hòa lợi ích đôi bên, đã phát huy tác dụng. Mang lại triển vọng tương lai không xa, về lại xã Phương Bình sẽ xuất hiện những nông dân làm giàu từ khóm MD2.

Giống khóm MD2 có nguồn gốc từ châu Mỹ, năng suất thu hoạch từ 60 - 90 tấn trái/ha. Khóm MD2 là một trong những loại trái cây chiếm lĩnh thị phần trái ăn tươi và hiện đang có mặt tại hầu hết các thị trường lớn như châu Âu, châu Á, Mỹ… Thông tin từ Công ty WestFood, sản phẩm khóm MD2 được trồng theo tiêu chuẩn thực phẩm sạch GlobalGAP, với ưu điểm ngọt, nhiều nước, trọng lượng cao, và hiện đang được công ty độc quyền và làm chủ công nghệ về giống.

Năm 2020, Công ty thành công trong việc đưa khóm MD2 vào chuỗi các cửa hàng trái cây cao cấp như Farmers Market, Nam An Market tại TP HCM. Từ năm 2021 và sắp tới, công ty tiếp tục đưa sản phẩm vào chuỗi các cửa hàng tiện lợi và các siêu thị nước ngoài tại Việt Nam như Aeon hoặc Lotte Mart trên phạm vi toàn quốc với sản phẩm trái khóm tươi.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm