| Hotline: 0983.970.780

Người đưa nghề nuôi yến về Đất Mũi

Thứ Ba 15/04/2008 , 07:00 (GMT+7)

Nhân dịp về Đất Mũi Cà Mau, tôi có đến khách sạn Đông Á tại số 159, khóm 3, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời để thăm ông chủ khách sạn “mê chim yến” mà tôi đã nghe nhiều người kể lại giống như một huyền thoại.

Vừa bước vào nhà, tôi gặp ngay hai anh em Thái Trường Danh và Thái Tử Văn, chủ khách sạn Đông Á đang theo dõi đàn chim yến bay lượn trên sân thượng qua hệ thống camera. Anh Danh nói: Tôi mới nuôi thử nghiệm từ tháng 7/2007 đến nay, kết quả tốt lắm. Ban đầu chỉ có vài chục con, nay ước tính cả ngàn con.

Khách sạn Đông Á ở Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời-Cà Mau, nơi nuôi chim yến trên lầu tư

Anh Danh tươi cười kể: “Sau cơn bão số 5, có một đàn chim yến rất đông không biết từ đâu bay về Sông Đốc rồi đáp vô tá túc tại nhà kho của một công ty cổ phần cách đây vài trăm mét. Sau đó chúng bắt đầu làm tổ, đẻ trứng và sinh sôi nẩy nở, mang lại nguồn lợi lớn cho gia chủ. Nhiều người hiểu biết về giá trị của yến sào, cho đó là lộc trời, là món quà vô giá của thiên nhiên. Hiện tượng chim yến sống thành đàn và làm tổ trong nhà đã làm cho nhiều người ngạc nhiên, bản thân tôi cũng thắc mắc và tự hỏi tại sao đàn yến lại tìm đến ngôi nhà đó?”.

Thế là anh Danh bỏ công tìm tòi học hỏi, gặp bất cứ tài liệu nào nói về chim yến anh đều thu thập để bổ sung kiến thức, quyết khám phá cho được những điều kỳ thú về chim yến mà xưa nay ai cũng nghĩ rằng chim yến chỉ sinh sống và làm tổ ngoài đảo khơi. Khi cánh cửa bí mật từ từ hé mở anh lại tiếp tục tìm đến các chuyên gia, những giáo sư chuyên ngành để học hỏi với hy vọng ngôi nhà mình sẽ trở thành một sân chim với thật nhiều tổ yến. Nghĩ là làm. Anh đã ra tận Nha Trang, Khánh Hoà tìm đến những nhà nuôi yến để tham quan học hỏi cách dẫn dụ chim vào nhà đồng thời tham dự các buổi hội thảo để tìm hiểu kỹ về đặc điểm sinh học, chu kỳ sinh sản, làm tổ và các điều kiện thích ứng với môi trường của chim yến. Cty Yến Sào Khánh Hoà cũng đã xây dựng nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về áp dụng công nghệ nuôi yến trong nhà và anh Danh không bỏ lỡ cơ hội học hỏi.

Theo anh Danh, chim yến sinh sản trong nhà là một hiện tượng khoa học rất lý thú đã thu hút sự chú ý của nhiều người nên sau khi nắm được những kiến thức cơ bản, anh đã quyết định dành trọn tầng lầu thứ tư của khách sạn rộng khoảng 100 mét vuông để thiết kế thành nhà nuôi yến. Lúc đầu anh chỉ nuôi một số ít theo hướng dẫn của các chuyên gia, sau đó đàn yến từ từ phát triển bằng cách sinh sản và dẫn dụ. Hiện nay, đàn yến đã ổn định, tỉ lệ chim non đạt khá cao, chất lượng yến sào rất tốt. Anh phấn khởi cho biết rằng PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, một chuyên gia về chim yến sau khi quan sát đàn yến của anh đã có nhận xét “Đàn yến nuôi trong nhà ở Sông Đốc là một trong những đàn phát triển nhanh và tốt nhất từ trước tới nay”. Hiện anh đang có ý tưởng mở rộng diện tích nhà nuôi và sẽ kết hợp với ngành du lịch đưa khách đến tham quan và thưởng thức món súp yến, đặc sản bổ dưỡng cao cấp của vùng biển Cà Mau.

Nghề nuôi yến hiện nay đang mở ra những tiềm năng và triển vọng rất lớn ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Cà Mau, nhưng muốn bắt tay vào nghề trước hết người nuôi phải nắm bắt kiến thức chuyên ngành như kinh nghiệm quan sát và dự báo khu vực làm tổ, phải có những trang thiết bị hiện đại như máy dụ chim yến vào nhà, đặc biệt là biết chọn những vùng có chim yến quần tụ hoặc làm tổ ngẫu nhiên như ở Gò Công, Tiền Giang chẳng hạn. Nhưng bằng kinh nghiệm và thiên tư cá nhân, chỉ sau hơn một năm gần gũi với yến, anh Danh đã trở thành người thân thiện và nặng tình với chúng. Hiện anh đã nắm được bí quyết “gọi yến vào nhà”, ngay cả tiếng kêu sáng hoặc kêu chiều của yến anh cũng đoán được chúng đang cần gì, đang gọi đàn hay gọi tình… Anh còn cho biết yến ngoài thiên nhiên phải đi kiếm ăn xa, tiêu hao nhiều năng lượng nên mỗi năm chỉ đẻ một mùa, tổ lại mỏng vì ít nước dãi. Còn yến nuôi trong nhà đi kiếm ăn gần, cho tổ dầy, mỗi năm có thể làm tổ đến 4 đợt. Theo các chuyên gia nuôi yến, một ngàn con yến có thể làm 400 tổ/mùa, mỗi tổ được 10 gr yến sào (mỗi mùa 4 kg). Giá trung bình mỗi kg yến sào hiện nay từ 25 triệu đến 40 triệu đồng.

Có thể nói nuôi yến trong nhà hiện nay là một nghề độc nhất vô nhị. Anh Danh là người đầu tiên nuôi yến thành công ở Sông Đốc-Cà Mau và hiện anh dành hết thời gian tiếp tục nghiên cứu, học hỏi các qui trình kỹ thuật để phổ biến kinh nghiệm đến bà con nhằm phát triển nguồn lợi yến sào, một sản phẩm tự nhiên vô cùng quý giá.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.