| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 06/12/2016 , 06:40 (GMT+7)

06:40 - 06/12/2016

Người khuyết tật, giữa luật và thực tiễn cuộc sống quá khác nhau!

Về văn bản pháp lý, chúng ta đã có Luật Người khuyết tật, được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010. Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với người khuyết tật.

Có những điều rất nhân văn trong luật. Nhưng còn trong thực tế cuộc sống thì chưa hẳn thế.

Chẳng hạn, nhóm điếc câm của cô Thảo có mấy trăm người sinh hoạt, nhưng hành trình xin lập hội của họ, tính đến nay đã 8 năm, vẫn chưa vào đâu.

Đầu tiên, người ta hỏi cô rằng “Ban lãnh đạo hội toàn người câm điếc thì làm sao đi làm việc giao dịch với các cơ quan đoàn thể khác được?”. Cô về thuyết phục nhiều trí thức có uy tín cùng đứng tên xin thành lập hội. Lần sau, cô lại được hỏi rằng “Người lành lặn làm sao mà đại diện cho người điếc câm được?”.

Vài năm trước, Sở LĐ-TB&XH thành phố đã ra quyết định công nhận ban vận động thành lập hội. Theo quy định, thì sau quyết định ấy phải có câu trả lời xem có cho phép thành lập hay không. Đến giờ vẫn chưa thấy.

Luật Người khuyết tật, coi những người điếc câm là những người khuyết tật nhẹ, tức là tuy bị khiếm khuyết về nghe nói tiếp xúc, nhưng họ khác với người khuyết tật nặng, ở chỗ vẫn có thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày.

Phải chăng vì thế mà chính quyền TP.HCM cho rằng những người câm điếc không cần lập hội?

Một số nơi nơi thì lãnh đạo quan tâm, nhưng thực tế thì lại nảy sinh nhiều bất cập.

Hồi năm 2006, nghe tin TP.HCM miễn vé xe buýt cho người khuyết tật, tôi có gọi điện thoại hỏi bà Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Hằng, rằng “Hà Nội - thành phố 1000 năm văn hiến, có áp dụng như thế, giống với TP.HCM 300 năm tuổi, không?”. Bà Thanh Hằng cử Chánh Văn phòng tiếp, trả lời phỏng vấn, bảo rằng có.

Sau một thời gian, thì thấy đúng là Hà Nội bắt đầu phát thẻ miễn phí đi xe buýt cho những người khuyết tật. Nhưng lại quy định rằng, người khuyết tật phải đã đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hà Nội (diện KT1, KT2) thì mới thuộc diện được cấp thẻ đi xe buýt miễn phí, và để được cấp thẻ đi xe buýt miễn phí, người khuyết tật còn phải đến UBND phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để làm thẻ. Chứ nếu tạm trú, thì dù vẫn đang làm việc tại Hà Nội, cũng không được.  

Và sau gần 10 năm, vẫn còn nhiều bất cập về vấn đề cơ sở vật chất nữa.

Đa số các xe có sàn xe rất cao, không phù hợp với người khuyết tật. Một số xe chiều rộng cửa khá hẹp, chưa thích hợp cho xe lăn lên xuống. Một số loại xe có cửa rộng nhưng lại vướng cột ở giữa nên muốn sử dụng được phải cải tạo.

Theo Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, hiện cả nước có hơn 6,7 triệu người khuyết tật (chiếm 7,8% dân số), đa số họ đều gặp hoàn cảnh khó khăn. Giúp đỡ họ phải là công việc chung tay của chính quyền, của mỗi cá nhân và cộng đồng.

Và trước hết, xin hãy thôi đi những sự quan liêu, vô cảm của các cơ quan, cán bộ...