| Hotline: 0983.970.780

Người làm sống lại tinh hoa thổ cẩm Hoa Tiến

Thứ Ba 15/12/2020 , 08:27 (GMT+7)

Dệt thổ cẩm Hoa Tiến là sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Nghệ An, ít người biết rằng vốn quý đã có lúc tưởng chừng sẽ mai một theo thời gian…

Người níu giữ tinh hoa nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến - Nghệ nhân Sầm Thị Bích. Ảnh: VK.

Người níu giữ tinh hoa nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến - Nghệ nhân Sầm Thị Bích. Ảnh: VK.

Níu giữ tinh hoa

Nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) có từ xa xưa và gắn chặt với đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng cao. Trải qua thăng trầm, có thời điểm nghề dệt đứng trước nguy cơ bị lãng quên.

Làm gì để khôi phục, bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa riêng luôn là niềm trăn trở của nghệ nhân Sầm Thị Bích, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) thổ cẩm Hoa Tiến.

Để được gắn sao OCOP là cả một hành trình dài, đầy thăng trầm của dệt thổ cẩm Hoa Tiến. Ảnh: VK.

Để được gắn sao OCOP là cả một hành trình dài, đầy thăng trầm của dệt thổ cẩm Hoa Tiến. Ảnh: VK.

Ngược miền Tây Bắc xứ Nghệ, di chuyển theo quốc lộ 48 khoảng 100 km sẽ tới bản Hoa Tiến, là trung tâm của Mường Chiềng Ngam, tức là mường đẹp của Phủ Quỳ Châu xưa.

Nơi đây 100% hộ gia đình thuộc dân tộc Thái, đồng bào chủ yếu làm nông, ngày ngày sản xuất lúa nước, chăn nuôi và thêu thùa. Dãi đất cao là cái nôi lưu giữ nền văn hóa của người Thái cổ, nơi sinh của những cô gái Thái đẹp người đẹp nết, vừa nết na lại tháo vát.

Bà Sầm Thị Bích sinh năm 1966, xuất thân trong một gia đình nghèo khó. Lớn lên giữa cỏ cây mây ngàn, gia cảnh khốn khó buộc bà phải nghỉ học từ sớm, cuộc sống gian nan vô cùng tận. Rồi về làm dâu tình hình vẫn không khá khẩm hơn, tuổi 25 tuổi bà đón nhận mất mát lớn khi người chồng đầu ấp tay kề giã biệt cõi dương gian sau cơn bão bệnh, để lại một mình bà loay hoay tất tả nuôi 3 đứa con thơ dại.

Ông trời tạo ra nghịch cảnh nhưng lại ban tặng cho bà Bích đôi bàn tay khéo léo hơn người. Nhờ đó bà tự tay chăm con tằm, kết sợi tơ, tự dệt nên những ước mơ tưởng chừng xa vời vợi. Cần mẫn, chăm chỉ, qua thời gian bà từng bước khôi phục lại vốn quý của bậc tiên tổ.

Trong đó dấu ấn của Giám đốc HTX làng nghề Hoa Tiến, bà Sầm Thị Bích (trái) vô cùng rõ nét. Ảnh: VK.

Trong đó dấu ấn của Giám đốc HTX làng nghề Hoa Tiến, bà Sầm Thị Bích (trái) vô cùng rõ nét. Ảnh: VK.

Giờ đây bà Sầm Thị Bích không còn là người thợ dệt thổ cẩm đơn thuần, bằng tài năng trời phú và tinh thần trách nhiệm cao, trên hết là niềm tâm huyết với nghề, bà được tín nhiệm làm Giám đốc HTX làng nghề Hoa Tiến.

Trăn trở với nghề, bà Bích trút bầu tâm sự: “Trong đời sống, sinh hoạt thường ngày của đồng bào Thái ở Quỳ Châu không thể thiếu các sản phẩm thổ cẩm tryền thống.

Tấm vải thổ cẩm của làng nghề Hoa Tiến được ưa chuộng nhờ hoa văn trang trí bắt mắt, mang nét đặc trưng riêng. Sản phẩm nhuộm bằng các nguyên liệu tự nhiên, được thu hái trong vườn hoặc từ cây rừng, vì thế chất lượng thổ cẩm khác hẳn các vùng, miền khác”.

Hành trình OCOP

Còn nhớ như in, năm 1992 Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tiến hành khảo sát tại Hoa Tiến để tìm hiểu nét hoa văn thổ cẩm truyền thống của người Thái. Từ bàn đạp này, năm 1995 bà Bích cùng một số nghệ nhân, thợ dệt trong vùng đã chính thức “ra mắt” vốn quý của bản làng. Vào cuộc khá muộn nhưng thành quả đến sớm, chỉ sau một thời gian ngắn sản phẩm dệt Hoa Tiến đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường, đến lúc này đã vươn xa ra bình diện quốc tế, điển hình như Úc, Đức, Pháp, Nga, Lào, Thái Lan, Cannada…

Lạ thay, dù đã quá ngũ tuần nhưng người đàn bà đặc biệt này vẫn ngày ngày rong ruổi khắp các bản làng “cắp sách” tìm gặp các bậc nghệ nhân, người đi trước có thâm niên, kinh nghiệm để trau dồi, hoàn thiện thêm kỹ năng vốn dĩ đã quá… dư thừa.

Với vai trò đứng đầu HTX, bà Bích chưa bao giờ hài lòng với thành quả đang có. Ngược lại luôn vận dụng sáng tạo, kết hợp cùng các nhà thiết kế, miệt mài tạo ra những sắc màu đa dạng (tím, xanh rêu, màu vàng cam, xanh nõn chuối, xanh lá cây...), những hoa văn cầu kì, tinh xảo nhưng vẫn toát lên nét đặc thù vốn có.

Hình thức đi liền với chất lượng, sản phẩm thổ cẩm Châu Tiến không chỉ bắt mắt mà còn đảm bảo không phai, đặc biệt hơn là không ảnh hưởng đến sức khỏe. 30 năm trong nghề bà Bích cùng đội ngũ cửa mình đã tạo ra nhiều mặt hàng thổ cẩm nức lòng.

Bản thân bà vinh dự có tác phẩm tiêu biểu trong hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam do Bộ NN-PTNT tổ chức trong 2 năm 2006, 2007. Năm 2011 tiếp tục được vinh danh ở cuộc thi “Vòng chung khảo hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ VIII – Cúp thăng long 1000 năm”.

Nghệ nhân Sầm Thị Bích (thứ 4 từ phải sang) được vinh danh trong buổi lễ công bố sản phẩm Ocop tỉnh Nghệ An năm 2019. Ảnh: VK.

Nghệ nhân Sầm Thị Bích (thứ 4 từ phải sang) được vinh danh trong buổi lễ công bố sản phẩm Ocop tỉnh Nghệ An năm 2019. Ảnh: VK.

Tiếp đà thành công, năm 2016 có giấy chứng nhận danh hiệu thợ giỏi; Năm 2018 nhận giấy chứng nhận danh hiệu nghệ nhân; Năm 2019 HTX làng nghề Thổ cẩm Hoa Tiến có 3 sản phẩm gồm (khăn, chân váy, khăn trải bàn) đạt chuẩn 4 sao OCOP.

Tiếp bước mẹ mình, con gái bà, chị Sầm Thị Tình đang phụ trách mảng kinh doanh và marketing. Nhờ chiến lược hợp lý, dòng sản phẩm của HTX ngày càng được biết đến rộng rãi thông qua kênh bán hàng truyền thống, qua hội chợ thương mại, hay mạng xã hội.

Vui hơn nữa, lớp trẻ với Sầm Thị Hương, Lang Thị Hoè, Sầm Thị Hoa… đã sẵn sàng đứng ra gánh vác việc lớn. Tre chưa già nhưng măng đã mọc, đó là tín hiệu không thể vui hơn đối với nghề dệt truyền thống ở Hoa Tiến và toàn huyện Quỳ Châu.

Nét hài lòng hiện rõ trên khuân mặt, nghệ nhân Sầm Thị Bích tươi cười chia sẻ: “Giữ được nghề dệt chính là giữ được những nét văn hóa cổ xưa của đồng báo Thái Quỳ Châu. Tâm niệm như thế nên những nghệ nhân Hoa Tiến đã, đang và sẽ kiên trì hun đúc, tiếp lửa để lớp trẻ không xa rời hồn cốt của dân tộc”.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.