| Hotline: 0983.970.780

Người lính Gạc Ma không bao giờ gục ngã

Thứ Năm 24/11/2016 , 13:15 (GMT+7)

Mang trong mình cơn bạo bệnh, anh Dũng vẫn mỉm cười hàng ngày trước số phận nghiệt ngã. Anh nói, mình là người lính, lại là lính Gạc Ma mà buồn, mà khóc thì xấu hổ với đồng đội, bạn bè lắm. Anh biết rõ cuộc sống của mình đang ngắn dần nên chỉ ước mong một nguyện vọng duy nhất:

 Gặp lại những đồng đội đã từng chiến đấu, bị địch bắt và giam giữ trong trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Ước vọng của anh được những nhà báo, bạn bè và người thân âm thầm thực hiện. Những người lính Gạc Ma năm xưa gặp lại nhau giữa phòng bệnh. Họ ôm nhau, mỉm cười và thực hiện lại biểu tượng “Vòng tròn Gạc Ma” bất tử để động viên anh vượt qua bệnh tật.
 

Dũng “Gạc Ma”

Người đàn ông mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác nhưng luôn mỉm cười chống chọi đó là cựu binh Dương Văn Dũng (52 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Nhắc đến anh Dũng, nhiều người nhớ ngay đến cái tên gần gũi, đầy tự hào nhưng cũng đầy đau thương: Dũng “Gạc Ma”.

16-28-27_nh-1
Những đồng đội Gạc Ma bất ngờ hội ngộ anh Dũng ở bệnh viện
 

Mùa xuân năm 1987, chàng trai trẻ mới 23 tuổi Dương Văn Dũng tình nguyện gia nhập quân ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Dũng được phân công làm nhiệm vụ giữ gìn và xây dựng ở đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa, Việt Nam). Chàng trai trẻ khi ấy tự hào khoác lên mình chiếc áo người lính Hải quân nhận nhiệm vụ nơi đảo xa.

Cùng lên đường với Dũng năm đó còn có 9 chàng trai khác cùng quê Đà Nẵng. Họ có tất cả 10 người luôn đoàn kết, bảo vệ nhau giữa những cơn sóng giữ của đại dương.

“Ngày đó ra đảo làm nhiệm vụ gian khổ nhưng anh em thương nhau lắm. Tất cả các đồng đội đều xem nhau là người một nhà. Mấy anh em Đà Nẵng chúng tôi lại càng thân thiết với nhau. Từng bức thư, tấm hình và địa chỉ của mỗi người đều được chia sẻ với nhau. Chúng tôi còn hẹn ngày ra lính sẽ làm lễ kết nghĩa huynh đệ”, anh Dũng chia sẻ.

Dự định của những người lính trẻ cùng quê Đà Nẵng chưa kịp thực hiện thì ngày định mệnh 14/3/1988 ập đến. Những người lính công binh Việt Nam đang làm nhiệm vụ dân sự trên đảo Gạc Ma thì bị tàu hải quân Trung Quốc tấn công. Anh Dũng cùng với những đồng đội khác, họ đã chiến đấu đến tận hơi thở cuối cùng để bảo vệ hòn đảo Gạc Ma trước những làn đạn của Trung Quốc. 64 chiến sĩ, những người con của Tổ quốc Việt Nam ngã xuống trong đó có 9 chiến sĩ đến từ Đà Nẵng.

“Trận chiến đó tôi cũng bị thương nặng, tưởng đã hy sinh. Tàu Trung Quốc sau đó bắt tôi làm tù binh. Cùng bị bắt như tôi còn có 8 đồng đội khác. Bọn chúng giam giữ chúng tôi trong 1 nhà tù ở tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc) và canh gác rất cẩn mật.

4 năm bị giam giữ, hơn 1.000 ngày đêm không khi nào chúng tôi e sợ. Nhiều lần anh em tổ chức vượt ngục nhưng không thành công. Sau đó, bọn chúng trao trả chúng tôi về quê nhà. Ngày trở về nhà, trên bàn thờ đã có di ảnh tôi với khói hương nghi ngút”, anh Dũng kiềm nén cơn đau của bệnh tật, vui vẻ kể.

16-28-27_nh-2
Những người lính chào nhau
 

Trở về quê hương sau những ngày tháng bị giam giữ nơi đất khách quê người, anh Dũng tất bật với cuộc sống mưu sinh. Sức khỏe anh giảm sút do bị ảnh hưởng của vết thương nên chỉ làm nghề thợ nề. Cô gái Trần Thị Lợi cảm phục người cựu lính đảo cùng quê nên đem lòng yêu thương rồi 2 người nên duyên vợ chồng.

“Ngày đó anh ấy nổi tiếng lắm. Khi trở về, cả xã Hòa Xuân ai cũng biết anh ấy là lính đảo chiến đấu ở Gạc Ma bị Trung Quốc bắt giữ. Mọi người gọi anh ấy là Dũng “Gạc Ma”. Tôi tò mò nên đến xem cho biết. Thấy anh ấy tồi tội nên thương rồi yêu luôn”, chị Lợi kể.
 

“Vòng tròn bất tử” giữa phòng bệnh

Cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng ông trời không phụ người có công. Ba người con lần lượt ra đời giúp vợ chồng Dũng quên đi sự vất vả cực nhọc. Năm 2011, vợ chồng anh Dũng bắt tay xây dựng căn nhà mơ ước mà hai vợ chồng dành dụm cả đời mới có được.

16-28-27_nh-3
Người cựu binh Gạc Ma Dương Văn Dũng
 

Cũng trong năm đó, sau 20 năm xa cách, lần đầu tiên Dũng được gặp lại những người đồng đội Gạc Ma từng bị Trung Quốc giam giữ. Cuộc hội ngộ diễn ra ngay tại Đà Nẵng. Những người lính ôm chầm lấy nhau, ôn lại những ký ức không quên và kể cho nhau nghe về cuộc sống.

Tưởng như cuộc sống đã mỉm cười với anh thì tai họa ập đến. Người con trai cả của anh đột ngột qua đời do tai nạn giao thông. Đó là lần duy nhất người khác nhìn thấy người lính Gạc Ma rơi nước mắt vì quá đau đớn và mất mát.

Nỗi đau lại một lần nữa ập đến khi anh nhận tin sét đánh mắc bạo bệnh. Chị Lợi cho hay cách đây hơn 2 tháng, anh Dũng bị tức ngực, khó thở và hay chóng mặt. Chị có lần chứng kiến anh nôn ra máu nên giục chồng đến bệnh viện khám. Các bác sĩ kết luận anh Dũng đang mang trong mình căn bệnh ung thư hạch giai đoạn cuối.

“Tôi nhận kết quả thì khóc lên khóc xuống nhưng anh ấy bình thản đến lạ. Bác sĩ nói thời gian của anh còn lại rất ngắn, được chừng nào hay chừng đó. Vậy nhưng anh ấy nói sống chết có số. Anh nói tôi sống được đến nay là may mắn hơn đồng đội nhiều rồi.

Nhiều lúc ngồi chờ xạ trị, anh ấy hay tâm sự với tôi nguyện vọng cuối cùng là được gặp lại những đồng đội từng bị giam giữ ở Trung Quốc rồi chết cũng mãn nguyện. Thương chồng, tôi chia sẻ nguyện vọng của anh với Hội liên lạc chiến sĩ Trường Sa. Các anh ở Hội đưa ra 1 kế hoạch bí mật giúp anh thỏa ước nguyện cuối cùng của mình”, chị Lợi nói.

Những người đồng đội của anh ở khắp mọi miền Tổ quốc đều đồng ý với kế hoạch hội ngộ ở Đà Nẵng. Họ muốn gặp anh để cùng nhau ôn lại kỷ niệm, để động viên anh vượt qua nỗi đau bệnh tật.

16-28-27_nh-4
Các đồng đội anh Dũng không kìm được nước mắt
 

Họ gồm: Nguyễn Văn Nhân (tỉnh Hà Nam); Nguyễn Văn Thống, Lê Văn Đông (Quảng Bình); Trần Thiên Phụng (Quảng Trị); Lê Minh Thoa (Bình Định); Trương Văn Hiền (Đăk Lăk) âm thầm hội ngộ ở Đà Nẵng.

Anh Dũng được bác sĩ đưa đến phòng xạ trị rồi bất ngờ rẽ vào 1 phòng bệnh nhỏ ở hành lang, nơi các đồng đội đã chờ sẵn. Anh Dũng thẫn thờ vài giây rồi ngay lập tức đưa tay chào theo hiệu lệnh. Những người đồng đội chào trả. Họ ôm chầm lấy nhau, hôn lên đôi má của Dũng. Họ khoác lên người anh chiếc áo lính Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam.

“Thằng Dũng vẫn vậy, vẫn mỉm cười trước số phận. Tính nó như vậy từ hồi còn bị giam giữ bên Trung Quốc.

Nhìn nó, tôi ứa nước mắt còn nó cứ tỉnh như không. Nó bảo, gặp tụi mày rồi tao chết mới nhắm mắt được. Nó nói tụi mình là lính Gạc Ma, bệnh tật sá chi. Chúng tôi chỉ biết siết chặt tay nhau, đứng thành vòng tròn như vòng tròn Gạc Ma năm xưa để cùng nó vượt qua bạo bệnh.

Chúng tôi mỗi người mỗi nơi, hoàn cảnh ai cũng khó khăn nên những dịp gặp nhau không nhiều nhưng tình cảm vẫn luôn trọn vẹn. Tôi tin, dù thế nào Dũng vẫn luôn mạnh mẽ trước mọi biến cố của cuộc đời”, anh Trương Văn Hiền xúc động nói.

16-28-27_nh-5
Họ khoác chiếc áo hải quân cho anh Dũng
 

Anh Dũng nhìn các đồng đội, mỉm cười hiền từ rồi dặn dò từng người. “Thằng Hiền bớt uống rượu nhé, thằng Phụng cái chân mày còn đau không, thằng Thoa bán quán phở thì nhớ giữ uy tín nhé, quán mày là quán Gạc Ma đó nhớ chưa…

Bệnh tau thì vậy rồi, gặp được tụi mày tau có nhắm mắt cũng mãn nguyện. Tau sẽ vui vẻ đi gặp đồng đội ở dưới kia”.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Lãng phí tài sản công, dân Hà Tĩnh vẫn khát nước sạch: [Bài 3] Công trình cấp nước tập trung phải giao đơn vị có chuyên môn quản lý

Hà Tĩnh Quy mô đầu tư xây dựng chưa sát thực tế, giao đơn vị thiếu chuyên môn quản lý, vận hành là những nguyên nhân chính khiến nhiều công trình cấp nước tập trung ‘chết yểu’.