Sinh sống ở chót vót trên sườn núi cao nhất xã Lùng Sui, đường đi lại khó khăn nhưng đồng bào người Mông thôn Seng Sui trước đây đã phát huy khí phách kiên cường chống giặc ngoại xâm, ngày nay lại là điển hình trong phát triển kinh tế - xã hội.
Giàu từ lê, mận
Tuy nằm ở cửa ngõ vào huyện Si Ma Cai, nhưng xã Lùng Sui lại ở chênh vênh trên sườn núi, giáp với xã Lùng Phình của huyện Bắc Hà. Lần này tôi về Lùng Sui vì nghe nói mảnh đất này đã đổi thay nhiều lắm, đồng bào Mông biết phát huy lợi thế, tích cực trồng cây ăn quả ôn đới để xóa đói, giảm nghèo.
|
Cây lê, mận đem lại cuộc sống ngày càng ấm no cho đồng bào Mông thôn Seng Sui |
Từ trụ sở UBND xã Lùng Sui, anh Hảng Chẩn Hòa, cán bộ văn hóa xã đưa tôi ngược dốc gần chục cây số lên thôn Seng Sui, thôn cao nhất xã nằm bên đỉnh núi Lao Chin San sừng sững. Lúc ngồi trên xe máy, đường xóc như ngựa phi, anh Hòa bảo Seng Sui tuy xa, đường cấp phối khó đi, nhưng khí hậu mát mẻ như Sa Pa, đất đai màu mỡ, là vựa hoa quả lớn nhất Lùng Sui và cả đất Chợ ngựa mới này.
Trong khu vườn sum suê, anh Hảng Seo Mùa cùng vợ con đang khẩn trương hái những quả lê, mận căng mọng xếp vào lù cở để bán cho đoàn du khách đến tham quan.
Anh Mùa đưa tôi mấy quả lê màu vàng, cắn một miếng thấy lộ ra thịt quả trắng tinh. Giống lê gì mà ăn giòn ngọt quá, không thấy sàn sạn như lê thường, lại mát lịm khiến tôi tan biến hết mệt mỏi sau chặng đường xa. Lại còn những quả mận nhìn gần giống mận Tam hoa nhưng nhỏ hơn, vỏ mỏng tang, chín căng nứt vỏ, ruột đỏ au, vị ngọt như đường, ăn mãi không biết chán.
Anh Mùa nhìn tôi vừa ăn vừa xuýt xoa, tươi cười: Đây là giống lê Tai Nung mình trồng được 4 năm, bây giờ sai quả lắm, có cây thu được gần 70 kg quả. Còn mận này là mận Tả Van, giống mận đặc sản đặc hữu của Si Ma Cai, đã được công nhận thương hiệu rồi đấy. Năm ngoái, mình bán lê, mận có thêm tiền để xây ngôi nhà mới.
Một góc thôn Seng Sui |
Ở Seng Sui, không chỉ nhà anh Mùa, mà gần 120 hộ dân người Mông đều có vườn mận, vườn lê. Xã Lùng Sui có gần 43 ha cây ăn quả ôn đới, thì ở Seng Sui có trên 30 ha, chủ yếu là lê Tai Nung ( 26,5 ha) còn lại là lê xanh, mận Tả Van. Ngoài ra, còn có các giống mận khác như mận hậu, mận tím, mận má hồng…
Được biết, trong hai năm qua, mỗi năm thôn Seng Sui đã có mức thu nhập từ cây ăn quả từ 400 - 500 triệu đồng, riêng cây lê Tai Nung cho thu 84 triệu, cây mận Tả Van cho thu nhập 315 triệu đồng. Các hộ: Hảng Seo Quang, Hảng Seo Pùa, Hảng Seo Phòng… mỗi năm thu nhập từ 40- 60 triệu đồng từ cây ăn quả.
Nhớ lại khi gặp đồng chí Ly Seo Xóa, Bí thư Đảng ủy xã Lùng Sui, anh bảo trước đây người dân Si Ma Cai nói chung, Lùng Sui nói riêng cũng trồng cây ăn quả nhưng còn nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế thấp. Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với các chính sách hỗ trợ đồng bào vùng cao như Chương trình 134, 135, 30a, Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy Lào Cai, Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy Si Ma về phát triển cây ăn quả ôn đới đến năm 2020 đã làm thay đổi mảnh đất này.
Những vườn cây ăn quả ở Seng Sui ngày càng xanh tốt |
Đảng bộ xã Lùng Sui cũng đã ra nghị quyết, cụ thể hóa thành kế hoạch hàng năm, động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên và nhân dân trồng cây ăn quả ôn đới, trong đó thôn Seng Sui là lá cờ đầu, tạo nên một kỳ tích từ trước đến nay.
Truyền thống anh hùng
Khi tôi đến xã Lùng Sui cũng là đúng dịp xã đang long trọng tổ chức lễ Nào Lồng (lễ cúng rừng cấm). Năm nay, lễ cúng rừng Lùng Sui được tổ chức với quy mô cấp huyện, đồng bào Mông ở đây mổ hẳn một con trâu to để làm lễ hiến tế thần linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa, lúa ngô chắc hạt, lê mận được mùa, cũng là để tưởng nhớ công lao vị tộc trưởng anh hùng đã đánh giặc ngoại xâm, bảo bệ quê hương. Sau đó, các cán bộ, đảng viên đại diện các thôn, bản đã cùng nhau ký cam kết bảo vệ rừng.
Các cán bộ thôn, bản ký cam kết bảo vệ rừng |
Các già làng trên đỉnh Lao Chin San kể lại, từ nhiều đời trước, có chàng trai người Mông là Giàng Chẩn Hùng, giỏi võ nghệ, quê ở Hà Giang sang đây chơi, thấy vùng đất Seng Sui địa thế đẹp nên đã dừng lại sinh cơ, lập nghiệp, trở thành vị tộc trưởng giàu có nhất vùng.
Ngày ấy, có toán cướp ở bên kia bên giới thường xuyên sang Lùng Sui, Lùng Phình cướp bóc dân làng. Giàng Chẩn Hùng đã tập hợp thanh niên trong khu vực đánh tan bọn cướp, rồi xây thành Lao Dì Phàng dài hơn 1 km chặn đánh cướp, bảo vệ quê hương. Đó thực sự là một kỳ tích lớn, khiến uy danh của ông càng thêm vang dội. Sau đó, khi thực dân Pháp xâm lược, kéo quân lên Si Ma Cai lập đồn bốt, ông nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, vận động các tộc trưởng người Nùng, người Thu Lao, người Dao trong vùng đoàn kết lại, đứng lên chống Pháp, khiến quân thù nhiều phen khiếp sợ.
Ngày nay trên vùng đất Seng Sui, người ta vẫn nhìn thấy dấu tích của thành cổ Lao Dì Phàng và ngôi mộ cổ bằng đá như cột mốc trấn ải biên thùy. Có lẽ anh linh vị anh hùng người Mông đã phù hộ cho mảnh đất này ngày nay có thêm những con người tài giỏi, mang ý chí và trí tuệ xây dựng quê hương.
Lễ cúng rừng ở xã Lùng Sui tưởng nhớ vị tộc trưởng anh hùng |