Bên ngoài ngôi nhà của Mariama Sonko ở vùng Casamance, miền Nam Senegal, những chiếc vỏ lớn màu hồng được treo trên lưới đặt trong rừng ngập mặn. Từ nhiều năm nay, khu vực này được người phụ nữ 52 tuổi sử dụng làm nơi sinh sản cho hàu.
Là một nhà sinh thái học, Sonko đang cố gắng cách mạng hóa nông nghiệp ở quốc gia Tây Phi còn gặp nhiều khó khăn này. Bà cho rằng, việc chặt các cành cây như cách truyền thống, khi thu hoạch hàu sẽ gây hại tới rừng ngập mặn. Trong khi nếu sử dụng những tấm lưới được bố trí như trên, Sonko sẽ giúp cho việc thu hoạch không ảnh hưởng tới môi trường.
Sonko là người đứng đầu tổ chức Nous Sommes la Solution (NSS) - một phong trào sinh thái của hơn 500 hiệp hội phụ nữ nông thôn tại nhiều quốc gia châu Phi như Senegal, Ghana, Burkina Faso, Gambia, Guinea-Bissau, Guinea và Mali. Phong trào này thúc đẩy phát triển nông thôn bền vững và chống lại chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn.
“Chúng tôi muốn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và lương thực ở châu Phi. Phụ nữ là những nhân tố vô giá đối với sự phát triển của khu vực nông thôn. Chúng tôi đánh giá cao những hoạt động không ngừng của họ trong việc gìn giữ môi trường và sức khỏe gia đình", Sonko chia sẻ.
Tại Senegal, mạng lưới NSS gồm gần 10.000 phụ nữ, trong hơn 100 hiệp hội địa phương trên khắp miền Nam.
Casamance, quê hương của Sonko, thuộc vùng lòng chảo của Senegal với cảnh quan tươi tốt, phì nhiêu. Thảm thực vật xanh tươi tại đây hoàn toàn trái ngược với các khu vực ở phía Bắc, bao gồm cả thủ đô Dakar, nơi mà cát và bụi chiếm ưu thế.
Trong vai trò điều phối viên quốc gia của NSS tại Senegal, nhiệm vụ chính của Sonko là thay đổi nhận thức về nông nghiệp và vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường. Tổ chức của cô thúc đẩy các phương pháp canh tác bền vững, vốn thường bắt nguồn từ các phương thức truyền thống.
“Đó là kiến thức về đất đai, thực hành nông nghiệp mà hầu như người phụ nữ nào cũng nắm vững. Chúng tôi cùng thống nhất, rằng cần tôn trọng hệ sinh thái, trong đó bao gồm tất cả những gì có ngoài tự nhiên”, Sonko nói tiếp.
Tuy nhiên, không phải hoạt động nào của Sonko cũng nhận sự ủng hộ của người dân. Cách đây một thập kỷ, một chủ đất đã cho phép một số phụ nữ trong làng của Sonko xây dựng một khu vườn trên mảnh đất thuộc sở hữu của ông ta, để trồng thực phẩm, bán cho các hộ gia đình.
Sau khoảng 5 năm, dưới sự chăm sóc của những người phụ nữ, cây cối bắt đầu kết trái. Tuy nhiên, họ không có hợp đồng ràng buộc cụ thể nào với chủ đất. Ông ta phá giao kèo và đẩy những người phụ nữ khỏi mảnh đất, mà không có bất cứ lý do chính đáng nào được đưa ra.
Sonko đã cố gắng thuyết phục chủ đất thay đổi ý định nhưng ông ta phớt lờ. Là một nhân vật có ảnh hưởng trong cộng đồng đang sinh sống, người này thậm chí gây sức ép ngược, khiến Sonko bị dân làng tẩy chay. Những tháng ngày sau đó, bà im lặng trong các buổi họp cộng đồng, bị cô lập ở ngay chính ngôi làng quen thuộc. “Họ vu cho tôi đủ mọi tội, đặc biệt là vấn đề gây ảnh hưởng tâm lý cho cộng đồng. Trong gần hai năm, họ không cho tôi nói chuyện. Đó là một cái giá đắt và thực sự khiến tôi đau lòng ”, bà nhớ lại.
Từng chịu nhiều ấm ức và hiểu rõ những bất công đối với phụ nữ, thuở còn con gái, Sonko không cho phép bản thân chùn bước. Bất chấp việc bị tẩy chay, bà giữ niềm tin vào tương lai nông nghiệp bền vững, và tiếp tục công việc bình thường. Dần dần, Sonko khôi phục tầm ảnh hưởng lớn trong vùng. Lúc này, bà đang giúp các tổ chức địa phương điều hành các dự án nông nghiệp nhằm tăng thu nhập cho phụ nữ.
“Những người phụ nữ đang làm việc rất chăm chỉ nhưng lại không được trả công xứng đáng. Rất nhiều trái tim quả cảm và bầu nhiệt huyết đã không được ghi nhận", Sonko bày tỏ.
Một trong số những hoạt động thành công của Sonko là sản xuất phân bón sinh học từ phân bò, để sử dụng trên chính những cánh đồng của nông dân, hoặc bán với giá hơn 8 USD/ bao. Ngoài ra, bà cũng tham gia phát triển sản phẩm gia vị hoàn toàn tự nhiên là Sum Pack, được làm từ các loại thảo mộc địa phương. Sum Pack hiện được nhiều gia đình ở Senegal ưa chuộng, và sử dụng thường xuyên trong các bữa ăn, nhằm giảm lượng muối sử dụng.
Sonko đang vận động Chính phủ Senegal tài trợ để phát triển chuỗi sản xuất Sum Pack. Bà đang cố gắng vận động bãi bỏ luật cấm nông dân sử dụng hạt giống sản xuất trong nước. “Chúng tôi mong muốn Chính phủ thay đổi để người dân có thu nhập cao hơn", bà chia sẻ.
Theo Sonko, các chính sách nông nghiệp của Senegal chủ yếu hỗ trợ các mô hình nông nghiệp như doanh nghiệp, trang trại, nhưng lại ít quan tâm đến nông nghiệp sinh thái. Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực của Liên hợp quốc hôm 23/9 cũng chưa thay đổi được điều này. Nhiều tổ chức xã hội đã đe dọa tẩy chay cuộc họp toàn cầu này, cáo buộc các nhà tổ chức ưu tiên lợi ích của các tập đoàn lớn và gạt bỏ lợi ích của các hộ nông dân quy mô nhỏ.
“Những vấn đề được hội nghị bàn luận chủ yếu là mối quan tâm của các tập đoàn đa quốc gia. Những hộ nông dân nhỏ như chúng tôi ít được đếm xỉa đến”, Sonko tâm sự.
Chưa thể thay đổi được các vấn đề vĩ mô, Sonko hài lòng với công việc hàng ngày là thay đổi nhận thức của người phụ nữ. “Khi còn nhỏ, tôi thấy mẹ thức dậy lúc 5 giờ sáng và đi ngủ lúc 11 giờ đêm. Thời gian làm việc của người phụ nữ như vậy là quá nhiều. Khi trở thành mẹ, tôi cố thay đổi bằng cách hướng dẫn chồng và con trai làm và chia sẻ việc nhà với phụ nữ. Mọi thứ phải thay đổi, bởi cả đàn ông lẫn phụ nữ đều cần thời gian rảnh rỗi. Những gì đàn ông có thể làm, phụ nữ cũng có thể làm được", bà nhấn mạnh.