Anh Điện đã trồng hơn 200ha rừng |
Hiện anh Điện vẫn tiếp tục gom đất mở rộng diện tích, đồng thời tập trung phát triển rừng gỗ lớn. Với thành tích nổi bật, anh Điện đã được tỉnh tặng bằng khen về thành tích lao động sản xuất kinh doanh giỏi.
Lấy rừng nuôi rừng
Anh Điện đến với nghề trồng rừng là tiếp nối giấc mơ của cha còn dang dở. Ba anh vốn là một trong những người tiên phong phủ xanh núi Mật Cật, khu vực Suối Thị và Hooc Chản Rọ Hươu, xã Hòa Mỹ Tây. Sau đó ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh Nông dân sản xuất giỏi vào năm 1995. Đến năm 1997 ông mất, khi anh Điện mới 15 tuổi. Anh bỏ học giữa chừng, đi theo các bác, các chú trong làng buôn gỗ ở Khánh Hòa, Phú Yên Bình Định, rồi lên Đăk Lăk, sau đó bỏ công làm ngày làm đêm cưa cây để kiếm lời từng đồng.
“Sau 2 năm đi buôn cơ cực tui ngộ ra rằng kỳ vọng của ba là thực tế, muốn làm giàu phải bắt đầu từ những gì mình có. Thế là tôi về quê, dùng số tiền dành dụm để gom đất trồng rừng tại khu khu vực Suối Thị và Hooc Chản Rọ Hươu”, anh Điện nói.
Từ diện tích ban đầu cha anh để lại 5ha, anh mở rộng lên 10ha, rồi 30ha. Anh chia sẻ: Chiến lược trồng rừng của anh được thực hiện gối vụ và kết hợp trồng mía, bắp, sắn… để lấy ngắn nuôi dài. Thời gian rảnh anh vẫn duy trì thu mua rừng trồng để kiếm thêm tiền đầu tư mua đất. Rồi nhanh chóng thành lập trang trại để được vay vốn đầu tư trồng rừng.
Anh Điện quan sát rừng qua camera |
Đến thời điểm rừng “hái” ra tiền, mỗi năm doanh thu hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 1,5 - 1,6 tỷ. Nhưng số tiền này, anh không dành cho việc riêng tư, mà đổ vào gom đất để mở rộng trồng rừng. Nhờ vậy, diện tích rừng của anh cứ tăng lên hàng năm. Đến năm 2007, anh đã sở hữu 100ha và nay là hơn 200ha.
Toàn bộ diện tích rừng được anh xây dựng tường có kéo lưới B40 và thép gai khép kín; đồng thời thiết kế đường băng cản lửa hơn 15km, nhằm đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy vào mùa khô.
Bên cạnh đó, anh còn đầu tư 30 bể nước, cự ly cách nhau mỗi cái 150 m2 xung quanh diện tích rừng. Khi có xảy ra cháy rừng thì chỉ cần cái máy rửa xe cao áp chạy bằng xăng, sẽ khắc phục hậu quả ngay tức khắc.
Ngoài ra, anh còn xây dựng tháp canh trên đỉnh núi, có lắp đặt hệ thống camera quan sát nhiều hướng quanh bìa rừng, nhằm chống kẻ gian chặt phá.
Biến khó khăn thành cơ hội
Cơn bão số 12 đổ bộ vào cuối năm 2017 khiến khoảng 50% diện tích rừng trồng của anh Điện bị đỗ gãy hàng loạt, ước thiệt hại trên 4 tỷ đồng. Trong khi thời điểm đó hàng chục ha cây ngã đổ, gãy cành, thân bán không được mà để thế không xong.
Bão số 12 đã làm nhiều diện tích rừng trồng bị gãy đổ |
“Nguyên nhân là do các nhà máy chế biến gỗ thu mua chậm, chỉ chọn gỗ từ 5 năm tuổi mới mua. Nhưng giá lại thấp dao động trên dưới 800.000 đồng/tấn, trong khi trước đó giá gỗ nguyên liệu 1,3 triệu đồng/tấn. Riêng gỗ bạch đàn sau bão dường như không ai thu mua”, anh Điện nói.
Đang bế tắc, anh Điện bất chợt nảy ra ý định biến khó khăn thành thuận lợi bằng cách tận dụng nguồn nguyên liệu gỗ bị ngã đổ để đốt lò than, bán than ra thị trường.
Và, để đốt than củi bằng lò đất hơi thành công, anh đã tìm hiểu thông tin trên mạng và học hỏi từ bạn bè ở tỉnh Hậu Giang có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Sau khi được cấp phép, anh đã xây dựng 4 lò than, tổng giá trị 200 triệu đồng, công suất từ 120 -130 tấn than củi/tháng. Nhờ vậy lợi nhuận bán gỗ gãy đổ anh thu khá.
“Nếu 1 tấn gỗ keo bán ra thị trường trên dưới 800.000 đồng, thì nay tôi chuyển sang đốt than củi bán ra kiếm từ 1,5 - 1,7 triệu đồng. Đây là cái lợi trước mắt, còn về dài, tôi sẽ tạo chuỗi liên kết từ trồng, chế biến, tiêu thụ gỗ rừng cho chính mình, nhằm chủ động nếu giá gỗ nguyên liệu rớt xuống. Đối với gỗ rừng đã trồng từ 3 năm trở lên tôi sẽ sắp xếp lại đầu tư chăm sóc, phát triển thành rừng gỗ lớn, để nâng cao chuỗi giá trị”, anh chia sẻ.
Anh Điện biến khó khăn thành thuận lợi khi chuyển sang đốt lò than |
Anh Điện cho biết, dù mới hoạt động lò đốt than củi từ tháng 2/2018, nhưng sản phẩm than củi của anh đã tiêu thụ khắp các chợ và trong dân ở địa phương. Đến nay, doanh thu từ bán than củi và bán gỗ đã đạt khoảng 2 tỷ đồng. Trong khi đó, diện tích rừng đổ ngã anh vẫn tiếp tục khai thác, để đốt than. Khi đó doanh thu của gia đình sẽ còn cao hơn vì mùa mưa sắp tới nhu cầu sử dụng than củi sẽ tăng mạnh. |