Mẫu mã đa dạng
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế khó khăn khiến cho thị trường bán lẻ bánh trung thu ảm đạm hơn mọi năm. Tuy nhiên, Trung thu là dịp để mọi người trong gia đình sum vầy bên nhau cùng thưởng thức chiếc bánh trung thu nhỏ xinh trong ngày Rằm tháng 8 - Tết Đoàn viên.
Ngày nay, khi xã hội càng phát triển, nhu cầu của người dân đối bánh trung thu càng kỹ tính hơn để chọn lựa được loại bánh vừa ngon vừa đẹp, đảm bảo an toàn thực phẩm để làm quà biếu tặng hoặc để sử dụng cho gia đình của mình.
Vì thế, thị trường bánh trung thu nhiều năm nay rất đa dạng, từ các hãng bánh trong nước với các dây chuyền công nghiệp hiện đại, đến các loại bánh trung thu nhập khẩu từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… cho đến các loại bánh trung thu được sản xuất bằng phương pháp thủ công (handmade)… đủ các loại giá cả phục vụ thị hiếu người tiêu dùng.
Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) TP.HCM, bánh trung thu là một sản phẩm được chế biến từ đa dạng các loại thực phẩm, gia vị, phụ gia thực phẩm... Từng loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm như thực phẩm bị ôi thiu, thực phẩm nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh, nhiễm hóa chất độc hại.
Việc không kiểm soát được nguyên liệu, khi chế biến không đảm bảo quy trình về vệ sinh làm cho sản phẩm dễ bị ô nhiễm có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn tiêu chảy.... làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Sự đa dạng của các loại bánh trung thu nội địa và nhập khẩu đòi hỏi người tiêu dùng cần sáng suốt và hiểu các yêu cầu về sản xuất, kinh doanh bánh trung thu đảm bảo an toàn thực phẩm để lựa chọn cơ sở và sản phẩm an toàn.
Dọc con đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức. TP.HCM), mọi năm cứ trước Trung thu gần 2 tháng là hàng loạt các cửa hàng của các hãng nổi tiếng được trang hoàng bắt mắt phục vụ khách hàng. Thế nhưng, năm nay, chỉ lác đác vài cửa hàng, không khí mua sắm cũng giảm hơn mọi năm.
Chị Thanh Hương (quận Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ, mọi năm chị thường mua bánh handmade của một đồng nghiệp, tuy nhiên năm nay do vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm gây ồn ào dư luận thời gian gần đây về sản phẩm pate Minh Chay, nên chị cảm thấy lo lắng, không dám mua đồ handmade (nhà làm), bởi lo ngại vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Với mức lương công nhân của tôi thì việc mua 1 hộp bánh trung thu của các hãng có tiếng cũng là một khó khăn. Nhưng năm nào, cứ ngày trung thu là các con cháu lại quây quần bên ông bà nội cắt bánh trung thu, uống trà và trò chuyện.
Nên năm nay, tôi cũng lựa chọn 4 chiếc bánh trung thu gồm bánh chay, 1 bánh dẻo, 1 bánh nhân trứng muối và 1 bánh nhân thập cẩm của hãng Kinh Đô. Giá thì cao hơn so với tôi mua bánh trung thu handmade, nhưng đổi lại mình yên tâm hơn, vì dù sao cũng là hãng uy tín thì sẽ đảm bảo hơn”, chị Hiền giãi bày.
Là một trong những người phụ nữ hiện đại, có thu nhập khá, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) luôn lựa chọn những chiếc bánh trung thu thượng hạng để biếu bố mẹ hai bên, cũng như khách hàng của mình.
Chị nói: “Với mình, ưu tiên đầu tiên là việc phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sau đó là bánh phải ngon, nhìn phải bắt mắt và phải của các hãng uy tín, có tiếng, còn giá cả thì không quan trọng. Bởi, các hãng lớn luôn có dây chuyền sản xuất khép kín, đồng thời vấn đề an toàn thực phẩm của họ luôn đặt lên hàng đầu”.
Lựa chọn bánh trung thu an toàn?
Những năm gần đây, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM được thành lập, với các đội quản lý được bao phủ rộng khắp địa bàn TP.HCM thì việc kiểm soát, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được chú trọng.
Dịp Tết trung thu, các đội quản lý của Ban ATTP TP.HCM cùng lực lượng liên ngành tại 24 quận huyện đã tăng cường thanh kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu.
Đồng thời, lấy mẫu gửi các cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định hoặc công nhận để đánh giá chất lượng sản phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, trưởng ban BQL ATTP TP.HCM, để sản xuất và kinh doanh bánh trung thu đòi hỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm như Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm hoặc cơ sở đã được cấp một trong số các Giấy chứng nhận chất lượng khác như HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương còn hiệu lực.
Đồng thời, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bánh trung thu phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục được cho phép của Bộ Y Tế và phải thực hiện việc tự công bố chất lượng sản phẩm và quy định về nhãn sản phẩm như tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá, định lượng, ngày sản xuất và hạn sử dụng, xuất xứ hàng hoá, thành phần và thành phần định lượng, thông số kỹ thuật và thông tin cảnh báo, các nội dung khác thể hiện trên nhãn hàng hóa… Riêng đối với sản phẩm nhập khẩu phải có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt rõ ràng, đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định.
“Nếu như bắt được bánh trung thu không có nhãn mác nguồn gốc lưu hành trên thị trường thì tất cả sẽ bị tịch thu tiêu hủy và xử phạt rất nặng chứ không loay hoay thử nghiệm chứa chất này chất kia nữa, vì tất cả những mặt hàng không được kiểm tra kiểm soát thì không được đưa ra thị trường.
Mức xử phạt theo Nghị định 115 tương đối cao so với trước, mang tính chế tài, đặc biệt trong tình hình hiện nay khi kinh tế đang rất khó khăn, cho nên các tổ chức cá nhân làm sao làm cho tốt để không bị xử phạt”, bà Phong Lan nhấn mạnh.
Bà Phong Lan cho rằng, người tiêu dùng phải là người tiêu dùng thông minh giữa các “ma trận” mặt hàng bánh trung thu, đặc biệt là các loại bánh trung thu bán tràn lan trên mạng xã hội..
“Nên lựa chọn sản phẩm theo các tiêu chí như bánh không bị dập nát biến dạng, bao bì nguyên vẹn không bị rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, không bị mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ; thông tin trên bao bì sản phẩm phải có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng; bánh phải được bày bán ở nơi hợp vệ sinh, có đủ thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Người tiêu dùng tuyệt đối không mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm bị biến dạng, hàng không nhãn mác”, Trưởng ban BQL ATTP TP.HCM khuyến cáo.