| Hotline: 0983.970.780

Người trẻ bén duyên nông nghiệp xanh: Cô gái nhỏ cứng đầu

Thứ Hai 18/04/2022 , 08:54 (GMT+7)

Họ thuộc thế hệ 8X, 9X, rời giảng đường với tấm bằng tài chính, công nghệ, hay kỹ sư cầu đường… nhưng lại đi chung 1 con đường làm nông nghiệp trách nhiệm.

Đó là lời mẹ cô nói với tôi về con gái bà. Thay vì ngồi làm việc trong phòng máy lạnh, đúng chuyên ngành, thì cô lại cứ thích “lăn lộn” với ruộng vườn.

Cô gái đó là Trần Mạc Vân Anh, sinh năm 1994. Vốn học ngành Tài chính - Ngân hàng và đang có công việc khá ổn từ công việc kinh doanh ở TP.HCM, không lâu sau, Vân Anh bất ngờ “rẽ ngang” sang làm nông nghiệp.

Trò chuyện với Vân Anh, tôi không chỉ thấy trong cô niềm đam mê, mà còn cả trách nhiệm.

Gian nan khởi đầu

Đến trang trại “bỏ hoang” của nhóm bạn trẻ do Vân Anh đứng đầu ở thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, tôi khá bất ngờ khi gặp cô gái nhỏ “như cái kẹo” Vân Anh. Và càng bất ngờ hơn khi thấy nơi đây ngoài 1 căn nhà văn phòng, xung quanh chỉ toàn cỏ, cây dại mọc lút đầu người.

Thấy tôi ngơ ngác nhìn quanh, Vân Anh cười, giải thích: “Đến trang trại hữu cơ mà chả thấy cây trồng gì, chắc anh ngạc nhiên lắm. Đây là bước thứ nhất trong quy trình làm hữu cơ toàn phần. Đó là cho đất nghỉ 5 năm, sau đó mới thực hiện bước thứ 2 là làm đất, gieo trồng. Hiện tại, khu đất 6ha này có 2 phần, 1 phần đất đã đủ 5 năm, tụi em đang chuẩn bị canh tono dược liệu. Còn một nửa đất mới 2 năm. Đất nghỉ 2 năm và 5 năm khác nhau hoàn toàn. Chút nữa sẽ dẫn anh đến tham quan một trang trại trồng cây ăn trái khác gần đây do tụi em hướng dẫn, tư vấn quy trình hữu cơ”.

Trần Mạc Vân Anh (trái), tại khu trang trại chuẩn bị làm dự án trồng cây dược liệu ở Chơn Thành, Bình Phước. Ảnh: Hồng Thủy.

Trần Mạc Vân Anh (trái), tại khu trang trại chuẩn bị làm dự án trồng cây dược liệu ở Chơn Thành, Bình Phước. Ảnh: Hồng Thủy.

Càng ngạc nhiên hơn khi trò chuyện, Vân Anh cho biết, cô tốt nghiệp ngành Tài chính - Ngân hàng, từng có công việc ở văn phòng khá nhẹ nhàng, nhưng giờ lại đang đứng giữa một không gian với nắng gió, cỏ cây, phân bón, thuốc… như một nông dân.

Giải thích thắc mắc này, Vân Anh tâm sự: “Thực ra, ngay từ lúc còn ở trường đại học, em đã có ý tưởng về làm nông nghiệp sạch. Năm 2016, khi vừa tốt nghiệp đại học, em tham gia một dự án về nước sạch ở miền Tây. Về miền Tây, thấy người dân canh tác trên đồng ruộng, sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu vô tội vạ. Việc lạm dụng phân, thuốc trừ sâu hoá học này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người nông dân. Đối tượng ảnh hưởng không nhỏ tiếp theo là người tiêu dùng.

Thời điểm năm 2016, Vân Anh cùng các bạn đi bán rong rau củ quả. Ảnh: Hồng Thủy.

Thời điểm năm 2016, Vân Anh cùng các bạn đi bán rong rau củ quả. Ảnh: Hồng Thủy.

Trong những ngày ở miền Tây, em phát hiện ra một chi tiết thú vị, đó là nhiều gia đình dành ra khoảnh nhỏ vườn để trồng rau cho gia đình ăn. Còn rau trồng để bán khác, chăm bón thuốc trừ sâu, phân bón hoá học nhiều. Điều đó cho thấy, những nhà nông họ hiểu được tác hại, hiểu được sức khỏe gia đình và chính mình đang bị ảnh hưởng như thế nào.

Chính vì thế, em muốn thay đổi thói quen canh tác độc hại cho người nông dân, thay đổi nhận thức cho người tiêu dùng, cho họ biết thế nào là hữu cơ, thế nào là thực phẩm sạch. Nhưng không đơn giản, thời điểm cách đây gần chục năm chưa nhiều nông dân, và ngay cả người tiêu dùng, hiểu đúng về hữu cơ”.

Thông điệp trên xe rau bán rong của Medifood.IO. Ảnh: Hồng Thủy.

Thông điệp trên xe rau bán rong của Medifood.IO. Ảnh: Hồng Thủy.

Cũng trong năm 2016, Vân Anh và nhóm bạn tư vấn về canh tác nông nghiệp “sạch” đã thành lập công ty Nông nghiệp sạch Medifood.IO với nhiệm vụ chính là hỗ trợ, tư vấn cho người nông dân canh tác hữu cơ, và cung cấp thực phẩm sạch cho cộng đồng.

“Thời gian đầu mới khởi nghiệp, Vân Anh và các bạn gặp khó khăn gì?”, tôi hỏi. “Khó khăn không kể hết. Tụi em về miền Tây, mua lại những mảnh vườn rau người dân trồng riêng để ăn. Đồng thời, khuyến khích họ canh tác theo quy trình mình hướng dẫn, cam kết mua lại với giá cao hơn. Nhưng giá tụi em bán ra lại chỉ bằng hoặc thấp hơn các sản phẩm trước giờ họ vẫn làm. Tụi em chấp nhận lỗ, nhằm mục đích chia sẻ cho người tiêu dùng về thực phẩm tốt cho sức khỏe, về rau, củ canh tác không phân thuốc hóa học. Và tạo thói quen cho người dân ăn rau củ quả sạch hàng ngày.

Còn nhớ, tụi em đẩy xe rau đến các chung cư ở Sài Gòn, sau đó chạy cầu thang bộ khắp các tầng chung cư để phát tờ rơi, khệ nệ khiêng từng thùng rau, trái cây giao tận nơi cho họ. Vất vả lắm, nhưng dần dần, người tiêu dùng họ cũng cảm nhận được rau củ quả mình bán chất lượng thật, ngon hơn những thứ họ vẫn mua lâu nay. Nhờ vậy mà mọi người nhớ đến thương hiệu Medifood.IO”, Vân Anh nhớ lại.

Trách nhiệm - Đam mê - Quyết tâm

Một trong những khác biệt cơ bản về khái niệm và thực hiện canh tác hữu cơ của Medifood.IO so với nhiều mô hình hữu cơ khác hiện nay, chính là không dùng bất cứ một chế phẩm phân bón, thuốc vô cơ, hoá học gì. 100% là tự nhiên, sinh học.
“Như lúc nãy tụi em giới thiệu, ngay từ khâu làm đất, trước khi canh tác gì, yếu tố đầu tiên là đất phải sạch, không có bất cứ chút tạp chất hay dư lượng độc hại nào. Sau khi trồng cây, toàn bộ quy trình chăm sóc đều theo tự nhiên, phân ủ vi sinh, thuốc trừ sâu cũng được chế biến từ thảo dược…”, Vân Anh cho biết.

Medifood.IO đang tư vấn cho 26 nông trại chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang hữu cơ toàn phần. Trong ảnh, các bạn tình nguyện viên của Medifood.IO đang hỗ trợ một nhà vườn tại Đồng Tháp. Ảnh: Hồng Thủy.

Medifood.IO đang tư vấn cho 26 nông trại chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang hữu cơ toàn phần. Trong ảnh, các bạn tình nguyện viên của Medifood.IO đang hỗ trợ một nhà vườn tại Đồng Tháp. Ảnh: Hồng Thủy.

“Quá trình chuyển hướng sang làm nông dân, người bán rau, suốt ngày dãi nắng dầm mưa, đã có khi nào Vân Anh nản và muốn dừng lại?”, tôi hỏi. “Có chứ. Tụi em đã có khoảng thời gian ngắn tạm dừng hoạt động. Đó là cuối 2017, khi mà không đủ nhân lực và vốn để tiếp tục vận hành. Vì gần như toàn bộ thời gian và vốn đều dành cho việc hỗ trợ nhà vườn và truyền thông. Trong khi đó, sản phẩm thu mua của người dân lại bán thấp hơn hoặc chỉ bằng giá mua vào, nên lỗ. Nhưng dừng không phải là bỏ, mà là để lên kế hoạch dài hơn”.

2 nữ kỹ sư trẻ Thu Sương - Ngọc Huyền mới ra trường và đầu quân cho Medifood.IO, tham gia dự án nông dược hữu cơ ở Chơn Thành. Ảnh: Hồng Thủy.

2 nữ kỹ sư trẻ Thu Sương - Ngọc Huyền mới ra trường và đầu quân cho Medifood.IO, tham gia dự án nông dược hữu cơ ở Chơn Thành. Ảnh: Hồng Thủy.

"Vào đầu năm 2019, sau khi đã chuẩn bị một nền tảng tương đối ổn định về nhân lực, vốn và các yếu tố khác, tụi em tiếp tục hoạt động trở lại, lợi hại hơn xưa (cười). Lúc này, tụi em tập trung vào việc hỗ trợ các nhà vườn canh tác hữu cơ gặp khó khăn và những nhà vườn muốn chuyển đổi sang canh tác bền vững. Đa phần đây là những vườn đang gặp khó khăn, gần như phải đóng cửa. Tụi em đến tư vấn định hướng, giúp cắt giảm chi phí bằng cách hướng dẫn nhà vườn tự làm phân hữu cơ và các chương trình có tình nguyện viên, thực tập sinh nông nghiệp đến hỗ trợ tại vườn. Sau đó hỗ trợ đầu ra, truyền thông và xây dựng thương hiệu cho nhà vườn”.

Một ngày, Vân Anh có thể di chuyển qua 3 tỉnh để theo dõi các nhà vườn đang tư vấn. Ảnh: Hồng Thủy.

Một ngày, Vân Anh có thể di chuyển qua 3 tỉnh để theo dõi các nhà vườn đang tư vấn. Ảnh: Hồng Thủy.

Hiện nay, dự án nông nghiệp sạch đang hỗ trợ 26 nhà vườn rau, củ, quả canh tác hữu cơ tại 5 tỉnh gồm Bình Phước, Đồng Nai, Đồng Tháp, Long An và Lâm Đồng. Medifood.IO hiện có đến 400 tình nguyện viên, là sinh viên khoa nông nghiệp các trường đại học và những người cùng đam mê nông nghiệp hữu cơ. Các thành viên thay phiên nhau đến tận vườn hỗ trợ khâu chăm sóc, làm cỏ, trồng thêm một số loại cây ngắn ngày, tự ủ phân trùn quế để bón cho cây.

“Vì không có nhiều vốn nên dự án của tụi em chọn giải pháp đồng hành với nông dân, phải làm cho họ thấy mình luôn ở bên cạnh, cùng họ giải quyết các vấn đề phát sinh, đặc biệt là đầu ra sản phẩm thì khi đó nhà nông mới tin và hợp tác với mình”, Vân Anh nói.

Một ngày, Vân Anh có thể chạy xe qua 3 tỉnh, thành khác nhau để theo sát từng dự án. Ở Bình Phước, dự án của Vân Anh đang hỗ trợ 2 vườn trồng rau tại huyện Đồng Phú; sản phẩm sau khi thu hoạch được Vân Anh trực tiếp thu mua và vận chuyển về TP Hồ Chí Minh bán cho người tiêu dùng qua kênh bán hàng của dự án.

Vân Anh bên thùng phân vi sinh được ủ từ các loại phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: Hồng Thủy.

Vân Anh bên thùng phân vi sinh được ủ từ các loại phụ phẩm nông nghiệp. Ảnh: Hồng Thủy.

“Quyết định khởi nghiệp từ dự án hỗ trợ nhà nông cũng là chọn con đường để thử thách bản thân, bởi khởi nghiệp nông nghiệp chưa bao giờ dễ dàng. Làm nông nghiệp hữu cơ là một câu chuyện dài hơi, không phải ngày một ngày hai là có thể thay đổi và cũng không phải một mình dự án và một vài nhà vườn có thể thay đổi mà cần có sự chung tay của cả cộng đồng”, Vân Anh tâm sự.

“Sản xuất hữu cơ không đơn giản là câu chuyện không dùng hóa chất. Mà còn là câu chuyện về quy trình chăm sóc, tái tạo và bảo vệ dinh dưỡng cho đất, giống, sản phẩm... với quá trình theo dõi sát sao từng ngày, từng luống, thậm chí từng cây rau. Vì vậy, để được thu mua với giá cao thì sản phẩm phải thực sự đạt chuẩn hữu cơ”, Trần Mạc Vân Anh, Chủ dự án Nông nghiệp sạch Medifood.IO.

Xem thêm
Hà Giang có 10 Sở thực hiện hợp nhất

Ngày 17/12, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai, xây dựng phương án sắp xếp các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh này.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Sau đợt mưa lớn, hồ thủy lợi ở Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích

Nhờ đợt mưa lớn vừa qua, các hồ thủy lợi ở tỉnh Khánh Hòa đã tích được 84% dung tích thiết kế, đảm bảo 100% diện tích kế hoạch sản xuất vụ đông xuân.