| Hotline: 0983.970.780

Người trẻ bén duyên nông nghiệp xanh: Đam mê của kỹ sư máy tính Việt kiều

Thứ Ba 19/04/2022 , 06:40 (GMT+7)

Tôi tròn mắt nghe anh phân tích về đất sạch, về quy trình sản xuất hữu cơ, như một chuyên gia nông nghiệp. Để sau đó, lại tròn mắt ngạc nhiên khi biết sự thật...

Anh vốn xuất thân là kỹ sư công nghệ, chuyên nghiên cứu và chế tạo những con chip máy tính. Anh là Mike Trần, sinh năm 1982, Việt kiều Mỹ. Hiện đang đảm nhiệm vai trò cố vấn cho một dự án nông dược hữu cơ ở Bình Phước.

Chẳng qua trường lớp, vẫn giỏi như thường!

Mike Trần (Trần Mai Anh) quê gốc ở Lai Vung, Đồng Tháp. Gia đình anh sang Mỹ định cư năm 1990, khi Mike mới 8 tuổi. Sau khi lấy bằng kỹ sư thiết kế chip máy tính (Hardware Designer) và mở công ty tại “thủ phủ” phần mềm thế giới, thung lũng Silicon, Mỹ, anh dự định mở thêm chi nhánh. Trong khi đang phân vân việc mở tại Ấn Độ hay Việt Nam, thì cuối năm 2008, Mike về Việt Nam chơi với gia đình. Tại đây, trong lúc trò chuyện với người bạn của ba, khi nghe Mike tâm sự về việc mở chi nhánh, ông nói 1 câu khiến Mike suy nghĩ: “Con có khả năng, có thể đầu tư ở bất cứ đâu, nhưng sao không nghĩ đầu tư về Việt Nam”. 

Chàng Việt kiều này rất mê đất. Ảnh: Phúc Lập.

Chàng Việt kiều này rất mê đất. Ảnh: Phúc Lập.

Về Mỹ, sau khi bàn bạc với các đối tác, anh quyết định quay lại Việt Nam, đầu tư mở công ty phần mềm tại TP.HCM. Trong khoảng thời gian từ 2009 đến 2015, Mike mở đến 3 công ty phần mềm. Hiện cả 3 công ty này vẫn đang hoạt động rất tốt.

Năm 2015, Mike Trần tình cờ gặp nhóm 6 bạn trẻ đang “chập chững” bước vào con đường nông nghiệp hữu cơ, anh lại “nhảy” vào tư vấn. “Lúc đó, em quan sát thấy các bạn làm còn yếu, thiếu nhiều thứ, làm chưa đúng, nên vào góp ý”, Mike Trần kể. “Kiến thức về máy tính thì anh có thể giỏi, chứ còn về nông nghiệp thì…”, tôi thắc mắc. Mike Trần cười đáp: “Khi đã dấn thân vào cái gì, em nghiên cứu rất sâu. Chắc mới nói, mới làm. Nông nghiệp cũng vậy. Em đọc nhiều tài liệu nước ngoài, chuyên sâu về khoa học đất, về cây trồng, quy trình sản xuất. Trong đó, có nhiều tài liệu nghiên cứu chuyên sâu của Mỹ, châu Âu, được giảng dạy trong các trường đại học từ hàng chục năm qua. Nắm bắt những kiến thức về nông nghiệp đơn giản hơn nhiều so với những phép tính, lập trình trong thiết kế, chế tạo chip máy tính”.

Không chỉ mê đất, mà kiến thức về đất, về nông nghiệp chẳng thua kém chuyên gia. Ảnh: Vân Anh.

Không chỉ mê đất, mà kiến thức về đất, về nông nghiệp chẳng thua kém chuyên gia. Ảnh: Vân Anh.

“Theo anh, khó khăn nhất để làm hữu cơ hiện nay là gì?”. “Khó nhất theo em là không có nguồn đất sạch. Bao lâu nay, đất đã bị ô nhiễm nghiêm trọng vì dư lượng thuốc trừ sâu, phân hoá học tích tụ trong đất từ lâu. Phải để đất nghỉ ít nhất 5 năm như dự án các em đang làm này, đất mới sạch. Mà đây là điều rất khó. Ai dư dả mà dám bỏ không đất 5 năm!”.

“Vậy giải quyết khó khăn này thế nào?”, tôi hỏi. “Nếu không thể cho đất nghỉ, thì giải pháp duy nhất là thay đổi hoan toàn quy trình canh tác, chăm sóc. Thay vì dùng phân hoá học, thuốc trừ sâu thì dùng các chế phẩm sinh học, phân vi sinh. Làm từ từ, vài năm đất cũng sẽ sạch. Tất nhiên, người nông dân họ không dễ tin mình, nhất là khi họ chỉ nghe lý thuyết mà không thấy mình làm. Đó là lý do nhóm rong ruổi khắp nơi, kiên trì làm cùng các nhà vườn và chứng minh cho họ thấy mình không nói suông”, Mike Trần nói.

Mike Trần đang phân tích về đất hữu cơ cho các 'học trò', trong đó có cả những kỹ sư nông nghiệp. Ảnh: Phúc Lập.

Mike Trần đang phân tích về đất hữu cơ cho các "học trò", trong đó có cả những kỹ sư nông nghiệp. Ảnh: Phúc Lập.

“Tay ngang” chẳng kém chuyên gia

Để minh chứng về đất sạch, Mike Trần dẫn chúng tôi ra vườn. Đây là khu đất diện tích 6ha. Trong đó, gần 4ha đất đã cho nghỉ 5 năm và chuẩn bị đặt xuống trồng những cây dược liệu đầu tiên. Hơn 2ha còn lại 3 năm nữa mới... đến lượt.

Vạch đám cỏ lau um tùm cao ngang bụng ra, thọc mạnh 5 ngón tay xuống, bốc lên một nắm đất, Mike giải thích: “Đất này tương đối sạch, nhưng còn khô, màu vẫn bạc”. Sau đó, chúng tôi đi sang khu đất 5 năm, bốc lên một nắm đất khác, Mike Trần hỏi: “Anh thấy đất chỗ này có khác lúc nãy không?”. “Thấy ẩm hơn, mềm hơn, và có nhiều giun nữa. Nhưng làm sao xác định đó là đất hữu cơ?”. Tôi trả lời và hỏi lại. “Muốn biết đất có sạch hay không thì con giun sinh sôi là một trong những chi tiết quan trọng. Tất nhiên, canh tác bằng hoá học vẫn có giun, nhưng không phải chỗ nào cũng có. Vì thế, phải kiểm tra nhiều điểm trên cùng một diện tích canh tác. Ngoài ra, đất hữu cơ có màu đen sẫm, ẩm hơn và mềm hơn”.

Những mầm cây được ươm bằng đất hữu cơ 100% do chính Mike Trần và các cộng sự làm theo công thức khoa học. Ảnh: Phúc Lập.

Những mầm cây được ươm bằng đất hữu cơ 100% do chính Mike Trần và các cộng sự làm theo công thức khoa học. Ảnh: Phúc Lập.

Mike Trần nói, canh tác hữu cơ toàn phần thì đất càng ngày càng giàu dinh dưỡng, càng tốn ít chi phí hơn, vì lượng dinh dưỡng bổ sung cho đất giảm đi. Còn canh tác theo cách truyền thống lâu nay thì ngược lại, đất ngày càng nghèo đi. Chi phí tăng đều. “Theo hiểu biết của em thì lâu nay người nông dân đang lãng phí khoảng 70% chi phí cho phân bón. Nghĩa là, nếu canh tác theo quy trình giống họ, em chỉ sử dụng khoảng 30% lượng phân họ dùng. Vấn đề là mỗi cây trồng có quá trình sinh trưởng khác nhau, phải hiểu cây đó khi nào thì bón phân, bón bao nhiêu và cách bón thế nào… Những kiến thức này, người nông dân không phải ai cũng biết”, Mike phân tích.

Mike Trần giới thiệu bộ sản phẩm bảo vệ cây trồng gồm thuốc trừ sâu, chất kháng khuẩn, phụ gia bám dính, được sản xuất 100% từ thiên nhiên. Ảnh: Phúc Lập.

Mike Trần giới thiệu bộ sản phẩm bảo vệ cây trồng gồm thuốc trừ sâu, chất kháng khuẩn, phụ gia bám dính, được sản xuất 100% từ thiên nhiên. Ảnh: Phúc Lập.

Ngay tại khu vườn cỏ mọc ngang ngực, Mike Trần nói tiếp: “Đây là mô hình nông nghiệp hữu cơ 100%, đất sạch tuyệt đối, và không sử dụng bất kỳ một chế phẩm vô cơ nào, từ phân bón đến thuốc trừ sâu, tất cả đều tự sản xuất tại chỗ từ thực vật. Trước khi làm, tụi em đã nghiên cứu rất kỹ, đúng khoa học chứ không phải làm bừa. Mà công thức làm phân bón, thuốc trừ sâu hữu cơ cũng không phải cao siêu, khó làm, chỉ cần có chút kiến thức về hóa, sinh là làm được. Nhóm đã tư vấn cho mấy chục mô hình, những người nông dân sau khi nghe hướng dẫn, họ làm được ngay. Thực ra, quy trình làm nông nghiệp hữu cơ không tốn kém như mọi người suy nghĩ. Mà ngược lại".

Dẫn tôi đến khu vực làm phân hữu cơ, anh tiếp tục giới thiệu: Đây là phân hữu cơ, thành phần bao gồm phụ phẩm nông nghiệp, mùn cưa, đất hữu cơ, và phân chim yến, trộn đều, ủ trong 18 ngày là có thể dùng được.

“Vì sao dùng phân chim yến mà không phải loại phân khác? Và tỷ lệ thế nào?”, tôi hỏi. “Tụi em dùng phân chim yến vì có sẵn thôi, chứ không bắt buộc. Có thể dùng phân dê, chim, gà, bò… Có điều lượng phân trộn vào rất ít. Như đống này 1m3, chỉ trộn vào khoảng 300g phân chim yến”, Mike Trần nói. “Làm sao để biết phân ủ đạt chất lượng?”. “Biết chứ, nó sẽ đổi sang màu đen sậm như màu đất ngoài kia và không có mùi hôi”. “Một số nơi họ làm phân hữu cơ thì quy trình khác, dùng bột vi sinh chứ không phải trộn đất như ở đây, thời gian ủ cũng khá lâu”, tôi thắc mắc. “Tụi em biết nhưng không dùng. Vì đất hữu cơ ở đây có hàng tỷ con vi sinh. Và quan trọng hơn, đó là vi sinh bản địa, tốt hơn nhiều so với vi sinh “ngoại lai”. Chưa kể, trong chế phẩm đó chỉ có vài chục, vài trăm con vi sinh, ít hơn hàng trăm lần so với đất hữu cơ. Chính vì thế mà thời gian ủ lâu hơn”.

Cây Trúc đào, thành phần chính để chiết xuất thuốc trừ sâu. Ảnh: Phúc Lập.

Cây Trúc đào, thành phần chính để chiết xuất thuốc trừ sâu. Ảnh: Phúc Lập.

Sau khi thuyết trình say sưa về quy trình làm phân hữu cơ, Mike Trần tiếp tục giới thiệu một sản phẩm vô cùng quan trọng trong quy trình canh tác, đó là các chế phẩm nằm trong danh mục “Bí quyết” gồm thuốc trừ sâu, phụ gia bám dính phối trộn với thuốc trừ sâu và chất kháng khuẩn. Tất cả đều được chiết xuất, pha chế từ thực vật như cây trúc đào, dầu dừa, muối biển.

“Thuốc trừ sâu được triết xuất từ thân, lá cây trúc đào, trị được hầu hết các loại sâu thông thường như sâu thân mềm, sâu dưới đất, sâu lá, nhện, sên. Sản phẩm dùng kết hợp với chất bám, được chiết xuất từ xà bông tự nhiên gồm 3 hợp chất như muối biển, dầu dừa và một phụ gia khác. Còn chất kháng khuẩn được chiết xuất từ 99% sulfur tự nhiên”, Mike Trần nói.

"Việt Nam có bộ quy tắc “1 phải, 5 giảm” trong canh tác nông nghiệp, đó là phải dùng giống xác nhận, và giảm giống, phân bón, thuốc, nước, giảm thất thoát sau thu hoạch. Nhưng ở các nước tiên tiến, bộ quy tắc này là điều đương nhiên từ lâu, họ có bộ quy tắc 4 “R” gồm: right time, right tree, right dose và right way (đúng thời điểm, đúng loại cây, đúng liều lượng và đúng cách). Quy tắc 4 “R” chú trọng vào sử dụng phân bón, vì phân ảnh hưởng đến chi phí và môi trường. Nếu anh sử dụng không đúng, thì ngoài tốn thêm chi phí, lượng phân dư ra sẽ là gánh nặng cho môi trường nước và không khí", Mike Trần chia sẻ.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất