| Hotline: 0983.970.780

Người trồng dưa 'thở phào' vì được tiêu thụ

Thứ Tư 28/07/2021 , 18:26 (GMT+7)

PHÚ YÊN Các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp đã vào cuộc thu mua, tiêu thụ nhiều loại nông sản, đảm bảo không để nông dân bị lỗ do ách tắc tiêu thụ.

Tỉnh Phú Yên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều loại nông sản đến kỳ thu hoạch khó xuất bán ra thị trường ngoài tỉnh. Trước thực trạng đó, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản giúp bà con nông dân.

Người trồng dưa thoát lỗ

Tại xã An Lĩnh, huyện Tuy An (Phú Yên), hiện đang là thời điểm thu hoạch nhiều loại trái cây như dưa hấu, chuối, bưởi da xanh… Những năm trước, việc đi lại thuận lợi, thương lái ở các địa phương ngoài tỉnh đến tận vườn để thu mua. Nay thì khác, dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp khiến cho việc tiêu thụ nông sản khó khăn. Nếu có người mua thì giá cũng ở dưới “đáy” khiến nông dân thua lỗ.

Dưa hấu tập kết tại xã An Lĩnh, huyện Tuy An chuẩn bị chuyển đi tiêu thụ cho nông dân. Ảnh: MHN.

Dưa hấu tập kết tại xã An Lĩnh, huyện Tuy An chuẩn bị chuyển đi tiêu thụ cho nông dân. Ảnh: MHN.

Ruộng dưa hấu hơn 1,2 ha của gia đình ông Nguyễn Việt Dũng (thôn Phong Thái, xã An Lĩnh) ước tính thu hoạch được 15 tấn. Thương lái đến xem dưa và báo giá mua chỉ 2.000 đồng/kg. Với mức giá này, gia đình ông Dũng lỗ tiền đầu tư (bình quân 70 triệu đồng/ha), chưa kể đến công lao động của 2 vợ chồng gần hai tháng qua.

Nhờ được sự kết nối của Hội Nông dân xã An Lĩnh với hệ thống siêu thị Co.op Tuy Hòa và một số doanh nghiệp khác mua ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên gia đình ông Dũng đã bán hết toàn bộ số dưa với giá 4.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Việt Dũng vui mừng cho biết: Từ nửa tháng trước, gia đình đã mất ăn, mất ngủ vì không biết bán dưa đi đâu cho hết. Nếu thương lái có ép xuống 2.000 đồng/kg cũng phải bán chứ không dưa sẽ nũng thối. Nhờ có sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã An Lĩnh tìm chỗ bán và phương tiện vận chuyển nên dưa bán được giá cao hơn. Với mức giá 4.000 đồng/kg, gia đình thu hồi đủ được phần vốn đầu tư đã bỏ ra.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Lĩnh cho biết: Để giúp nông dân tiêu thụ nông sản, các Chi hội đã đến từng tổ, từng thửa rộng để thống kê sản lượng. Nông sản sẽ được điều tiết, thu mua thứ tự ưu tiên theo kỳ thu hoạch, sau đó tập kết và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Nhờ được kịp thời hỗ trợ tiêu thụ, người trồng dưa hấu tại huyện Tuy An (Phú Yên) đã thoát được cảnh thua lỗ. Ảnh: MHN. 

Nhờ được kịp thời hỗ trợ tiêu thụ, người trồng dưa hấu tại huyện Tuy An (Phú Yên) đã thoát được cảnh thua lỗ. Ảnh: MHN. 

Giá mua nông sản được giữ ở mức đảm bảo nông dân không bị thua lỗ. Việc kết nối và vận động các đơn vị hỗ trợ tiêu thụ đã giúp bà con nông dân vừa có thể duy trì sản xuất, vừa đảm bảo đời sống giữa lúc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Theo ông Nguyễn Xuân Khiêm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy An, dịch Covid-19 khiến giao thương đi lại khó khăn nên một số nơi bị thương lái ép giá nông sản. Vì vậy, để tìm đầu ra an toàn, hỗ trợ nông dân thời điểm này, Hội chọn giải pháp đứng ra làm đầu mối, thiết lập ở mỗi xã 2 điểm tập kết thu mua nông sản cho bà con. Sau hơn 20 ngày triển khai, toàn huyện đã giúp nông dân tiêu thụ hơn 70 tấn nông sản với giá cao hơn 40% so với giá tư thương mua của nông dân.

Nông sản phải đảm bảo chất lượng

Ngoài các cấp hội, hiện nay, Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa, Công ty Cổ phần Việt Thành, Quỹ Tâm Đức… cũng đứng ra thu mua, tiêu thụ hàng chục tấn nông sản giúp bà con nông dân. Khi biết những khu vực có nông sản cần được "giải cứu", chị Đoàn Lâm Hân, đại diện Quỹ Tâm Đức đã chủ động liên lạc đến các cấp Hội để mua ủng hộ.

Chị Hân chia sẻ: "Tôi mong rằng, việc làm của nhóm mình có thể góp phần san sẻ khó khăn cho bà con nông dân, giúp họ vượt qua giai đoạn này, đồng thời lan tỏa ý nghĩa nhân văn của những hoạt động này đến với nhiều người hơn".

Các doanh nghiệp đề nghị người dân phải đảm bảo chất lượng cho nông sản, kể cả khi gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: MHN. 

Các doanh nghiệp đề nghị người dân phải đảm bảo chất lượng cho nông sản, kể cả khi gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: MHN. 

Nhờ sự vào cuộc tích cực của tổ chức Hội, sự ủng hộ của người tiêu dùng, tính đến thời điểm hiện tại, các cấp Hội ở tỉnh Phú Yên đã hỗ trợ tiêu thụ hơn 150 tấn nông sản các loại trị giá gần 2 tỉ đồng. Ông Phan Đại Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân tỉnh Phú Yên cho biết: Ngoài huyện Tuy An và các địa phương khác, hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 của Ủy ban MTTQ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh Phú Yên đã trực tiếp thu mua gần 3 tấn nông sản gồm dưa hấu, chuối, khổ qua… để hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn huyện Phú Hòa và TP Tuy Hòa.

Cùng với việc kết nối đảm bảo tiêu thụ hết sản lượng cho nông dân, các đơn vị tiêu thụ khuyến cáo nông dân cần đảm bảo chất lượng sản phẩm để cung ứng cho người tiêu dùng.

Ông Phạm Hoàng Hưng, Giám đốc Siêu thị Co.op Tuy Hòa cho biết trong thời gian tỉnh Phú Yên thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, Co.op Tuy Hòa ưu tiêu thu mua và tiêu thụ nông sản tại địa phương.

Tuy nhiên, hàng hóa vào siêu thị phải đảm bảo quy chuẩn, chất lượng mới có thể bán cho khách hàng. Từ sự kết nối của các địa phương, đến nay siêu thị Co.op Tuy Hòa đã tiêu thụ được 15 tấn dưa hấu, gần 1 tấn đu đủ của nông dân các huyện Tuy An, Đồng Xuân và Thị xã Đông Hòa.

Thời gian tới, siêu thị sẽ tăng cường mua các sản phẩm đậu phộng, bí đỏ, rau xanh của nông dân.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.