Vùng nguyên liệu mía trong niên vụ ép 2022 - 2023 của Nhà máy Đường An Khê (đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi) đạt khoảng 25.000ha, chủ yếu nằm trên địa bàn các huyện, thị Đông Gia Lai như: Kbang, Đăk Pơ, Kông Chro và An Khê, sản lượng ước đạt hơn 1,6 triệu tấn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê, dự kiến đầu tháng 12/2022, Nhà máy sẽ khởi động vụ ép mới, đến khoảng cuối tháng 4/2023 sẽ kết thúc.
Còn hơn nửa tháng nữa mới bắt đầu khởi động niên vụ ép 2022 - 2023 nhưng hiện Nhà máy đường An Khê đã thông báo rộng rãi giá bảo hiểm thu mua mía.
Niềm vui của người trồng mía trong niên vụ này là giá thu mua mía nguyên liệu khởi điểm với mức 1.050.000 đồng/tấn mía thuần 10CCS (thu mua tại ruộng), cao hơn những năm trước 100.000 đồng/tấn. Hơn nữa, năng suất mía năm nay tăng lên 65 tấn/ha, cao hơn năm ngoái 3 tấn/ha, càng làm cho người trồng mía vui hơn.
Trong vụ thu hoạch 2022 - 2023, căn cứ vào tình hình thực tế trên thị trường, Nhà máy đường An Khê sẽ ban hành giá thu mua mía nguyên liệu phù hợp với từng giai đoạn, nhưng không thấp hơn mức giá bảo hiểm nói trên.
Đồng thời, căn cứ nhu cầu hợp tác đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía của người trực tiếp sản xuất và kinh doanh mía với nhà máy, Nhà máy đường An Khê cũng thông báo đơn giá đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và thu hoạch mía bằng máy liên hợp niên vụ 2022 - 2023.
Theo đó, Nhà máy Đường An Khê sẽ đầu tư diện tích mía trồng tơ 3 giống mía mới gồm: Uthoong 11, KK3 và LK92-11; đơn giá đầu tư từ 6 - 12 triệu đồng/ha. Về phân bón, nhà máy sẽ đầu tư cả diện tích trồng tơ và mía lưu gốc từ 800 - 1.000kg/ha. Về khoản đầu tư làm đất, trồng, chăm sóc mía, đối với diện tích người dân tự làm đất, Nhà máy đường An Khê sẽ đầu tư 2 triệu đồng/ha.
Những diện tích mía được hưởng các chính sách khuyến khích cánh đồng lớn được áp dụng cơ giới hóa của nhà máy phải đảm bảo các điều kiện: Diện tích mỗi điểm sản xuất phải trên 5ha và diện tích mỗi thửa ruộng phải trên 2ha, ruộng mía phải tập trung, liền thửa. Ruộng mía phải không có đá, gốc cây, tương đối bằng phẳng, độ dốc dưới 7%.
Hộ trồng mía phải thực hiện đầy đủ quy trình canh tác cơ giới hóa của Nhà máy đường An Khê trong sản xuất, từ khâu cày đến trồng và chăm sóc; phải thực hiện ít nhất 1 lần chăm sóc, bón phân bằng máy cơ giới của Nhà máy. Trường hợp ruộng mía không đạt được các điều kiện nêu trên thì không được hưởng các chính sách khuyến khích cánh đồng lớn.
Trên cánh đồng lớn, điểm sản xuất có diện tích từ 5 - 10ha sẽ được Nhà máy đường An Khê giảm 10% chi phí cơ giới theo đơn giá thi công; điểm sản xuất có diện tích từ 10 - 15ha sẽ được giảm 15%; diện tích trên 15ha sẽ được giảm 20% chi phí theo đơn giá thi công.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê, ngoài được giảm đơn giá thi công cơ giới, Nhà máy còn hỗ trợ không thu hồi tiền bã bùn trên diện tích thực hiện cánh đồng lớn, riêng người trồng mía chịu chi phí bốc xếp và vận chuyển bã bùn về ruộng mía. Định mức bã bùn từ 50 - 70 tấn/ha, tùy thuộc vào từng loại đất đã được nhà máy kiểm tra, xác nhận trong đơn đăng ký nhận bã bùn của người trồng mía.
“Đối với những diện tích mía trồng bằng cây con, Nhà máy đường An Khê sẽ áp dụng theo đơn giá khuyến khích cánh đồng lớn ở mức 3 là hỗ trợ 20% chi phí thực hiện cơ giới, thu hoạch máy. Nhà máy không tính lãi suất ngân hàng trong thời gian đầu tư và thu hồi vốn vào vụ thu hoạch mía đầu tiên”, ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê cho hay.