| Hotline: 0983.970.780

'Người trồng rừng, giữ rừng ở Bắc Kạn đang chịu thiệt thòi rất lớn'

Chủ Nhật 11/04/2021 , 10:07 (GMT+7)

'Rừng là vàng', nhưng tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao kỷ lục như Bắc Kạn lại khó khăn nhất cả nước. Làm sao để kích hoạt tiềm năng của vùng đất này?

Hai thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và Lê Quốc Doanh tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Kạn chiều 10/4. Ảnh: Minh Phúc.

Hai thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và Lê Quốc Doanh tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Kạn chiều 10/4. Ảnh: Minh Phúc.

Nhiều rừng nhưng vẫn nghèo

Theo bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, hiện nay, toàn tỉnh có 274.000ha rừng tự nhiên và gần 100.000ha rừng trồng tập trung, tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước (73,4%).

Những “lá phổi xanh” không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn tạo nguồn sinh thủy dồi dào; phòng chống thiên tai và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, người trồng rừng, giữ rừng ở Bắc Kạn đang chịu thiệt thòi rất lớn vì khó thu phí dịch vụ môi trường rừng.

Nguyên nhân là do Bắc Kạn có ít nhà máy thủy điện (khác với tỉnh Hòa Bình và Sơn La, Lai Châu). Mức hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng của nhà nước hiện nay rất thấp (chỉ 400.000 đồng/ha/năm), người giữ rừng khó có thể đảm bảo cuộc sống.

"Mặt khác, trong số 274.000ha rừng tự nhiên, có rất nhiều diện tích là rừng không mang lại thu nhập. Bà con rất bức xúc, dẫn đến hành vi phá rừng để trồng các loại cây có giá trị kinh tế; bị xử phạt hành chính với mức cao nhất lên tới 200 triệu đồng", bà Hoa chia sẻ.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bắc  Kạn xảy ra 459 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, mặc dù địa phương đã xử phạt 100% số vụ, tuy nhiên tình trạng phá rừng vẫn diễn biến phức tạp.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với UBND tỉnh Bắc Kạn để bàn chiến lược phát triển nông nghiệp của địa phương này. Ảnh: Minh Phúc.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với UBND tỉnh Bắc Kạn để bàn chiến lược phát triển nông nghiệp của địa phương này. Ảnh: Minh Phúc.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa cho rằng, thế mạnh của Bắc Kạn chính là lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển ngành hàng gỗ và dược liệu dưới tán rừng của hơn 300.000ha. Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa thể khai thác được thế mạnh này để nâng cao thu nhập cho người dân.

“Năm 2020, lượng gỗ xuất khẩu của Bắc Kạn chưa đến 100.000m3. Sản phẩm mới chỉ được chế biến ở mức thô sơ (chủ yếu là gỗ bóc và dăm). Toàn tỉnh chỉ có hai nhà máy chế biến, xuất khẩu ván dán”, bà Hoa nói.

Do đó, nữ lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí để tỉnh thực hiện 3 dự án: nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng; hỗ trợ việc cấp chứng chỉ FSC và phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Cùng với đó, nhằm phát triển chăn nuôi bò tập trung theo quy mô hàng hóa, tỉnh Bắc Kạn mong muốn Bộ NN-PTNT hỗ trợ thực hiện 6 mô hình chăn nuôi bò BBB trong giai đoạn 2022 - 2024 từ nguồn kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia quản lý (với khoảng 120 con bò cái sinh sản mua từ ngoài tỉnh; hỗ trợ bình tuyển 300 con bò cái sinh sản tại địa phương).

Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết của cấp Bộ, tỉnh Bắc Kạn đề nghị Bộ NN-PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ có cơ chế hỗ trợ chính sách giao khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, sản xuất, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó đề nghị nâng mức hỗ trợ từ 400.000 đồng lên 1 triệu đồng/ha. Nhu cầu kinh phí của cả giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 624 tỷ đồng.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Minh Phúc.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Minh Phúc.

Ngoài ra, cần hỗ trợ cộng đồng vùng đệm Vườn Quốc gia Ba Bể, các khu bảo tồn theo Quyết định số 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, có cơ chế cho phép tỉnh Bắc Kạn kéo dài thực hiện dự án KfW8 (tỉa thưa, kéo dài chu kỳ khai thác gỗ rừng trồng).

“Bởi nếu kéo dài chu kỳ khai thác cây gỗ rừng trồng gấp đôi thời gian, thì hiệu quả thu được sẽ tăng gấp 4 lần”, bà Hoa chia sẻ.

Phát triển sản phẩm đặc hữu

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: “Với đặc điểm địa hình chia cắt mạnh mẽ, việc tìm kiếm mặt bằng khoảng 20ha ở Bắc Kạn là cực kỳ khó. Lâm nghiệp là lĩnh vực duy nhất để Bắc Kạn hình thành vùng sản xuất theo quy mô hàng hóa. Còn lại, với các ngành hàng khác, cần kiên trì phát triển các cây, con đặc sản, đặc hữu; xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm OCOP; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị gia tăng”.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có 1 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhà máy chế biến, xuất khẩu quả mơ sang thị trường Nhật Bản với công suất hơn 1.000 tấn quả tươi/năm. Những loại cây đặc hữu như hạt dẻ, hồng không hạt,... cũng được khuyến khích mở rộng diện tích.

Hiện nay, Bắc Kạn đang nỗ lực xây dựng 3 trục sản phẩm. Trục sản phẩm quốc gia gồm có nhóm ngành hàng gỗ và dược liệu. Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Bắc Kạn có khoảng 700 - 1.000ha rừng được trồng các loài cây dược liệu dưới tán rừng. Một số sản phẩm như cà gai leo, giảo cổ lam, nghệ và gừng đã hình thành chuỗi giá trị, với sự tham gia của các doanh nghiệp chế biến sâu.

Trục sản phẩm địa phương gồm nhóm ngành hàng rau, quả tươi; chè shan tuyết; miến dong. Bước đầu, sản phẩm miến dong của Bắc Kạn đã xuất khẩu thành công sang thị trường Cộng hòa Séc.

Còn trục sản phẩm đặc sản, đặc hữu tập trung vào sản phẩm gạo nếp Khẩu Nua Lếch chỉ phát triển được trong tiểu vùng khí hậu 100ha tại huyện Ngân Sơn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 131 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025 có 200 sản phẩm OCOP.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, lợi thế của Bắc Kạn là nguồn nước sạch, đất sạch và không khí sạch. Tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ của Bắc Kạn cao nhất cả nước; tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thấp nhất cả nước.

Đây là điều kiện lý tưởng để xây dựng các sản phẩm OCOP có chất lượng cao và an toàn thực phẩm. “Tỉnh cần khuyến khích bà con sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP để khi nhắc đến sản phẩm có nguồn gốc từ Bắc Kạn là người tiêu dùng nghĩ tới sản phẩm sạch”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Ảnh: Minh Phúc.

Liên quan đến đề xuất hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án khuyến nông cải tạo đàn bò tỉnh Bắc Kạn, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: “Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ trình Bộ NN-PTNT để đưa vào chương trình Khuyến nông quốc gia giai đoạn 2022 - 2024”. Và ngay lập tức, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có thể phối hợp với tỉnh để mở lớp tập huấn kỹ thuật nuôi bò cho đội ngũ khuyến nông của Bắc Kạn.

Liên quan đến đề xuất của tỉnh Bắc Kạn kéo dài và mở rộng phạm vi dự án KfW8, ông Bùi Chính Nghĩa trả lời: “Hiện nay Ban Quản lý các dự án đang đề xuất Chính phủ và nhà tài trợ kéo dài dự án KfW8 thêm 3 năm nữa”. Đồng thời, Tổng cục Lâm nghiệp cũng thống nhất chủ trương ủng hộ việc hỗ trợ việc cấp chứng chỉ rừng FSC; phát triển dược liệu dưới tán rừng để Bắc Kạn phát triển rừng gỗ lớn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, tỉnh Bắc Kạn cần đầu tư hoàn thiện lại toàn bộ hạ tầng nông nghiệp. Bộ NN-PTNT đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn xây dựng 6 hồ và 4 đập dâng tại huyện Na Rì, Bạch Thông... Những công trình này có tác dụng phòng, chống cháy rừng, phục vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cũng giao Tổng cục Thủy lợi rà soát nguồn vốn từ dự án WB8 để đầu tư, sửa chữa các hồ đập xuống cấp, hư hỏng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Trước đó, khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn vào ngày 24/8/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành ở Trung ương “cần quan tâm đến tỉnh khó khăn nhất cả nước”.

Thủ tướng chia sẻ những khó khăn với Bắc Kạn như hạ tầng giao thông còn chưa phát triển, hạ tầng kinh tế xã hội chưa đồng bộ nên tỉnh chưa phát huy hết tiềm năng của mình (tiềm năng kinh tế lâm nghiệp, kinh tế rừng, công nghiệp chế biến, nhất là chế biến gỗ rừng trồng, du lịch dịch vụ); số doanh nghiệp trong tỉnh còn ít (840 doanh nghiệp).

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm đúng mức đối với vùng khó khăn để tạo cú hích cho địa phương.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.