| Hotline: 0983.970.780

Người Việt làm muối hồng Bạc Liêu không thua người Pakistan làm muối hồng Himalaya

Thứ Ba 29/08/2023 , 09:00 (GMT+7)

Gia đình anh Nguyễn Thanh Mộng ở ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu có tới ba đời làm muối hồng trên nền đất phù sa.

Muối hồng của Bạc Liêu. Ảnh: Phan Thanh Cường.

Muối hồng của Bạc Liêu. Ảnh: Phan Thanh Cường.

Diện tích muối hồng giảm 70 - 80%

Nay anh Nguyễn Thanh Mộng vừa làm muối vừa buôn muối và nhận ra quãng 7 - 8 năm nay, diện tích muối hồng đã giảm cỡ 70 - 80%. “Muối trải bạt màu trắng đẹp nên được người ta chuộng hơn, còn muối đen (muối hồng làm từ nền đất phù sa) chỉ làm mắm, muối bọt, thỉnh thoảng mới có người ăn hàng ngày”.

Bài liên quan

Gia đình anh Mộng có 2ha muối hồng làm trên nền đất, năm 2021 thu hơn 30 tấn nhưng giá chỉ được 800 đồng/kg, coi như hòa tiền xăng dầu bơm nước vào, tiền thuê bốc vác nhưng lỗ công sức tự bỏ ra. Năm 2022 thì anh trắng tay, không được giạ nào vì mưa suốt. Còn năm nay, anh đã chuyển một nửa diện tích sang trải bạt. Hiện giá muối hồng nền đất lên trên 2.000 đồng, giá muối trắng nền bạt trên 3.000 đồng.

“Do muối nền đất không năng suất, trời mưa gió thất thường nên nghe được nhà nước hỗ trợ tôi đã vay hơn 20 triệu đồng, thêm của nhà 10 triệu nữa để đầu tư hơn 1.000m2 bạt làm ô kết tinh. Vụ rồi tôi thu được hơn 20 tấn muối trắng, còn đám muối đen thu được hơn 10 tấn. Của nhà làm ra nên tôi chưa bán vội mà đợi được giá, chỉ bán muối buôn của người ta. Muối đen mua về được người ta rửa tan thành nước trong bồn, nấu trong chảo kết tinh lại thành màu trắng thì bán được hơn 10.000 đồng/kg. Thị trường giờ toàn thích muối có màu trắng”.

Anh Nguyễn Thanh Mộng chuẩn bị đồ nghề làm muối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Thanh Mộng chuẩn bị đồ nghề làm muối. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xã Vĩnh Thịnh có mô hình sản xuất muối truyền thống lâu đời tưởng chừng như bền vững nhưng đây cũng là nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu tác động đến sinh kế của người dân.

Theo anh Trần Chí Tính - công chức địa chính nông nghiệp của xã Vĩnh Thịnh, trước đây có HTX muối Trường Sơn với hơn 100 thành viên, kỳ đại hội Đảng của xã còn tặng mỗi đại biểu một túi muối nhưng hoạt động được vài năm là sụp. Năm 2014, trên địa bàn xã có hơn 600ha muối nhưng từ năm 2020 diện tích này bị co lại để chuyển sang nuôi tôm công nghiệp. Giờ cả xã chỉ còn 73ha muối trải bạt và 45ha muối nền đất. Muối nền đất chỉ còn một số ít người đam mê và một tổ hợp tác chừng 25 hộ làm nghề chuẩn bị hình thành.

Nghề muối có thuận lợi là hàng năm được nhà nước nạo vét kênh mương. Nhưng chừng đó cũng không đủ bù đắp hàng loạt những khó khăn như giá cả thấp và bấp bênh, giá xăng dầu tăng, giá nhân công cao, thời tiết hay mưa trái mùa khiến muối trên đồng chuẩn bị kết tinh liền bị “phọc” và tan hết.

Một điều cũng rất quan trọng nữa là xã Vĩnh Thịnh không có kênh dẫn nước riêng cho ruộng muối mà chung với kênh nuôi trồng thủy sản nên không tránh khỏi chất thải bị lẫn. Các cống ngoài đê đông đang thi công, 8 cái thì chỉ có 2 cái hoạt động nên không đủ nước cho việc làm muối…

Cánh đồng muối của xã Vĩnh Thịnh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cánh đồng muối của xã Vĩnh Thịnh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sông Mê Kông đổ ra biển Bạc Liêu mang nặng phù sa nên hạt muối cũng có màu hồng mà không nơi nào có được, mặn mà không chát đắng, lại có vị ngọt hậu. Hiện muối Bạc Liêu được xuất sang Campuchia để muối cá, làm nước mắm, làm khô. Xuất khẩu sang Nhật, sang Hàn làm kim chi hay các loại đặc sản nhờ chất lượng vượt trội so với các loại muối khác, đó là mặn mà không chát đắng và nhờ màu sắc độc đáo của nó trong khi dân ta lại chê là “dơ”, là “bẩn”.

Theo TS Ngô Kiều Oanh, trên thị trường muối quốc tế, các loại muối “bẩn” này đang được phổ biến rộng rãi khắp nơi, được các đầu bếp cao cấp và người sành ăn săn tìm. Và con người thời hiện đại đã chứng kiến quá nhiều hóa chất và thà rằng trở lại ăn muối thủ công, trông không được đẹp mắt nhưng có nhiều vi khoáng và an toàn hơn.

Mới đây, Nhật Bản xả thải nước của nhà máy hạt nhân ra biển đã làm cho tình hình giá muối biển của các nước tăng lên. Đó là cơ hội cho hạt muối thủ công của Việt Nam nói chung và cho muối hồng Bạc Liêu nói riêng.

Gặp gỡ một "hạt giống đỏ" của nghề làm muối hồng

Tối đó, anh Cổ Tân Xuyên - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Bình gầy một chầu nhậu ở nhà. Trên bàn ăn lúc đó có bày một cái khay với những hạt nâu nâu, lóng lánh rất đẹp khiến một kẻ ham ăn là tôi tưởng nhầm là mồi, hóa ra không phải. Vợ anh mới dúc (rửa) lại đám muối hồng lấy nước mặn để muối ba khía. Đám hạt đó chính là muối và khoáng chất kết tinh dưới dạng đậm đặc, khi ăn vào có vị rất đặc biệt.

Khay muối kết tinh của nhà anh Cổ Tân Xuyên - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Khay muối kết tinh của nhà anh Cổ Tân Xuyên - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp. 

Anh kể xưa 6 tháng mùa mưa, 6 tháng mùa nắng rất rõ rệt, giúp cho nghề làm muối trên nền đất phù sa thu sản lượng lớn: “Ông không tha, bà không tha. Oánh cho một trận mồng ba tháng mười”. Nghĩa là mưa cuối tháng mười thì dứt, bắt đầu có thể làm muối được rồi. Tuy nhiên giờ mọi thứ đã bị đảo lộn. Thêm vào đó, hệ thống thủy lợi xưa chỉ để dành cho đồng muối. Ai cũng làm muối. Người trong tập đoàn sản xuất muối, người làm riêng sản xuất muối.

Cao điểm cuối những năm 80 của thế kỷ trước, xã Vĩnh Thịnh có trên 1.000ha muối, với những ông chủ nổi tiếng như Nguyễn Thành Hổ, Huỳnh Kim Suỗl (tên người Hoa), Trần Văn Xuồng… mỗi người làm tới 7 - 8ha. Làm mùa muối sống đủ mùa muối, 6 tháng còn lại họ tranh thủ nuôi quảng canh tôm, cá kèo, cua.

Giờ, xu thế chuyển từ muối sang nuôi trồng thủy sản khiến cả huyện Hòa Bình còn có 132ha muối, trong đó xã Vĩnh Thịnh trên 100ha, xã Vĩnh Hậu diện tích vài ba ha không đáng kể. Làm muối và nuôi trồng thủy sản chung một hệ thống thủy lợi, lấy nước vào, đổ nước ra vẫn là nó. Diện tích muối chỉ còn là “da beo”. Quy hoạch nông nghiệp chỉ là thứ trên giấy, còn dân cứ tự phát mà làm chứ không hề theo.

Anh Cổ Tân Xuyên - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Bình đang khảo sát về rau muối và muối hồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Cổ Tân Xuyên - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Bình đang khảo sát về rau muối và muối hồng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từ gợi ý của TS Ngô Kiều Oanh, anh Xuyên muốn làm một “hạt giống đỏ” để phục dựng làng nghề muối cổ truyền của xã Vĩnh Thịnh.

Diêm dân xưa nay vẫn nói làm muối nghèo, bởi thế phải nâng cao giá trị của nó từ đơn giá trị thành đa giá trị. Cần hạn chế muối trải bạt và phục hồi nghề làm muối hồng trên nền đất phù sa. Nếu 1ha muối thuận lợi chỉ được cỡ 1.000 giạ, bán với giá 3.000 đồng/kg thì được có 30 triệu đồng. Phải làm muối không tạp chất, không bán theo giạ mà chế biến thành muối gia vị chấm trái cây hay bán dưới dạng có đóng gói, bao bì thật đẹp, có thương hiệu muối hồng Bạc Liêu và phải nói rõ sự khác biệt về mặt dinh dưỡng với các loại muối khác.

Bên cạnh muối ăn còn có muối dược liệu, muối mỹ phẩm. Ngoài ra còn có tắm nước muối hồng, tắm nuy (tắm truồng) đắp muối hồng để hút chất độc tồn đọng trong cơ thể, cải thiện hệ hô hấp và làn da”, anh Xuyên nêu ý tưởng.

Một ý tưởng rất độc đáo nữa của anh Xuyên là làm quà lưu niệm 12 con giáp hay các loại hình bằng muối. Ý tưởng đó khởi nguồn từ hồi ức xưa anh cùng các bạn từng làm các khung đèn trung thu để xuống ô kết muối rồi đợi hết đợt, nhấc lên sẽ được một chiếc đèn lung linh giống như được làm bằng khung thủy tinh vậy, sáng lấp lánh và trưng được rất lâu sau rằm.

Muối hồng Bạc Liêu nhiều tiềm năng nhưng chưa biết khai thác. Ảnh: Dương Đình Tường.

Muối hồng Bạc Liêu nhiều tiềm năng nhưng chưa biết khai thác. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không chỉ dừng lại ở đó, anh còn định làm nhà trưng bày các dụng cụ làm muối như cây cày, cây tống, cây trù bế, cây chang, hủ lô, cần xé, ki…, ảnh các tiền bối trong nghề, làm sơ đồ quy trình sản xuất muối. Cùng dân làng bàn cách chỉnh trang lại cảnh quan của ấp, của nhà, cùng nhau làm homestay, trong đó ăn những món kết hợp với gia vị là muối như cá lóc rang muối, ba khía rang muối, cua rang muối, cùng với bánh khọt, bánh xèo…

“Với đà giảm rất nhanh này, nếu không có giải pháp thì tôi sợ chỉ 5 - 10 năm nữa sẽ không ai làm muối hồng. Bởi thế, đầu tiên năm nay tôi quyết định làm trở lại 2ha muối hồng, làm nhà kho, nhà trưng bày sát đó. Và trên ruộng muối tôi sẽ dành một sân kết tinh để làm quà lưu niệm là những con giáp, hình thù các loại bọc muối để bán cho du khách…”, anh Xuyên chia sẻ kế hoạch.

Người Pakistan đã rất thành công trong việc kể một câu chuyện hay, quảng bá khắp thế giới về hạt muối hồng Himalaya, chẳng lẽ người Việt Nam lại chịu thua sao? Trời đã về khuya mà anh Xuyên vẫn không chịu ngủ, vẫn muốn nói hết những dự định còn ngồn ngộn trong lòng như những con sóng đục ngầu phù sa ngoài cửa biển Cái Cùng. Tiếng con tắc kè hoa trên vách búng lưỡi, đớp tanh tách lũ côn trùng như ru tôi vào cõi mộng lúc nào không hay.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Dưa chuột nếp Hà Trung giòn, thơm, ngọt mát

THANH HÓA Giống dưa chuột nếp Hà Trung trồng theo hướng VietGAP giòn, thơm, ngọt mát, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất bên ngoài từ 18 - 20%.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.