Qua quá trình điều tra tại Vườn Quốc gia Tam Đảo đã phát hiện và thống kê được có 16 loài trà hoa vàng, thuộc chi chè trong họ chè. Trà hoa vàng có dạng thân bụi đến gỗ nhỏ, cao từ 2 - 15 m, mùa hoa từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Phân bố rải rác từ độ cao 100 - 1.000 m so với mực nước biển, trong các khu vực rừng tự nhiên, ven khe suối...
Màu vàng của cây trà rất đặc trưng, khó có thể tạo được bằng phương pháp lai tạo. Ngoài ra, khả năng làm thuốc của các loài Trà hoa vàng đã được nghiên cứu tại nhiều nước trên thế giới và đạt được một số kết quả, cụ thể như: Có khả năng kiềm chế sự sinh trưởng của các khối u đến 33,80%, giảm đến 35,00% lượng cholesterol, 36,10% lượng lipoprotein trong máu...
Trong nhiều năm gần đây hoạt động khai thác trà hoa vàng để buôn bán sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, diễn ra từ độ cao 100 m cho đến các đỉnh núi cao, tại tất cả các kiểu thảm thực vật của Vườn Quốc gia Tam Đảo. Phương pháp khai thác chính là chặt hạ cây để lấy nụ, hoa và đào, nhổ cả cây với các công cụ thô sơ là dao, cuốc, bao tải...
Nếu như tại thời điểm năm 2010 giá của nụ và hoa trà hoa vàng là 500.000 đ/kg thì đến năm 2012 đã lên tới 2,5 triệu đ/kg. Hiện nay, người dân vùng đệm còn đào cả cây tươi để bán với giá từ 7.000 - 25.000 đ/kg. Cây con tái sinh tự nhiên trong rừng có chiều cao từ 20 - 30 cm thì được bán với giá 10.000 - 15.000 đ/cây. Có thể nói, các hoạt động khai thác mang tính triệt hạ, không chú ý đến tái sinh như trên đã dẫn đến nguy cơ biến mất của các loài trà hoa vàng tại vùng núi Tam Đảo.
Trước tình hình thực tế trên, các cán bộ tâm huyết của Vườn Quốc gia Tam Đảo đã tiến hành thử nghiệm nhân giống thành công một số loài trà hoa vàng để phục vụ công tác bảo tồn tại vùng lõi và các mô hình SX trà hoa vàng tại vùng đệm.