| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ châu chấu sa mạc xâm nhập Việt Nam gây hại rất thấp

Thứ Sáu 13/03/2020 , 21:29 (GMT+7)

Bộ NN-PTNT ngày 13/3 báo cáo Thủ tướng tình hình dịch châu chấu sa mạc tại một số quốc gia và đề xuất kế hoạch ứng phó tại Việt Nam.

Châu chấu sa mạc đang gây hại nghiêm trọng tại Trung Đông, Châu Phi và Tây Á. Ảnh: IT.

Châu chấu sa mạc đang gây hại nghiêm trọng tại Trung Đông, Châu Phi và Tây Á. Ảnh: IT.

Trong báo cáo số 1882 gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ NN-PTNT cho biết, thời gian vừa qua có một số thông tin trong và ngoài nước về đại dịch châu chấu phá hại sản xuất nông nghiệp tại phía đông châu Phi, Pakistan và Ấn Độ và cảnh báo của một số chuyên gia Trung Quốc về nguy cơ dịch châu chấu có khả năng lây lan sang Trung Quốc và đến các nước Đông Nam Á khác.

Tình hình châu chấu sa mạc ở Trung Đông, Châu Phi, Tây Á

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) dịch châu chấu sa mạc Schitocera gregaria bắt nguồn từ tháng 5 và tháng 6 năm 2019 tại Yemen, Ả Rập Xê Út và phía Tây Nam Iran sau đó di cư đến phía Bắc Somalia, Ethiopia, Kenya và khu vực biên giới Ấn Độ - Pakistan từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2019.

Dịch nhanh chóng bùng phát, lan rộng sang hầu hết các quốc gia châu Phi gồm Somalia, Ethiopia, Kenya, Djibout, Eritrea, Uganda và Tanzania; châu chấu sa mạc phát triển nhanh bất thường tại một số quốc gia Trung Đông như Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Yemen, Oman, Qatar, Iran,... và các nước Nam Á như Pakistan, Ấn Độ từ tháng 1 đến giữa tháng 2 năm 2020 đe dọa đến an ninh lương thực của nhiều quốc gia trực thuộc khu vực này, nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Kenya, Ethiopia, Somalia.

Theo FAO, dịch châu chấu tại Đông Phi hiện ở tình trạng tồi tệ nhất trong 25 năm qua, đàn châu chấu với số lượng ước tính hàng trăm triệu con di chuyển giữa các quốc gia Đông Phi với tốc độ lên đến 13 km/giờ, tàn phá cây trồng và các nguồn thực phẩm khác tại mỗi nơi chúng dừng chân cũng như đe dọa nghiêm trọng tới an ninh hàng không, nếu không được kiểm soát, nó có thể đe dọa an ninh lương thực cho khoảng 13 triệu người.

Ngày 8/2/2020, phát biểu bên lề phiên họp thường kỳ lần thứ 33 của Hội đồng điều hành Liên minh châu Phi diễn ra ở Ethiopia, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, các đàn châu chấu đang gây ra những tác động tiêu cực tới nhiều vùng ở châu Phi ở phạm vi và cường độ chưa từng thấy, trong khi tình trạng biến đổi khí hậu càng làm tăng sự khủng hoảng ở châu lục này và ông đã kêu gọi tăng cường các nỗ lực quốc tế để đối phó với nạn dịch châu chấu đang hoành hành ở nhiều khu vực của châu Phi.

Theo dự báo của Trung Quốc, châu chấu sa mạc có khả năng xâm nhập và gây hại tới Trung Quốc và các nước Đông Nam Á thấp. Ảnh: IT.

Theo dự báo của Trung Quốc, châu chấu sa mạc có khả năng xâm nhập và gây hại tới Trung Quốc và các nước Đông Nam Á thấp. Ảnh: IT.

Tình hình châu chấu sa mạc xâm nhập vào Trung Quốc

Ngày 22/2/2020, báo South China Morning Post dẫn lời Ma Wenfeng, chuyên gia phân tích nông nghiệp thuộc Công ty Nông nghiệp tổng hợp Bắc Kinh cho rằng khu vực biên giới giữa Tây Tạng, Pakistan, Ấn Độ, Nepan đang là những điểm bùng phát nạn dịch châu chấu và trong thời gian tới có khả năng đàn châu chấu tại khu vực này có thể di cư đến các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây qua bán đảo Đông Nam Á tương tự như con đường sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại năm 2019.

Để kiểm chứng thông tin trên, ngày 24/2/2020, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã liên hệ với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông quốc gia Trung Quốc (NATESC) thuộc Bộ Nông nghiệp và Thương mại Trung Quốc (MARA) để tìm hiểu thông tin về tình hình phát sinh gây hại của loài châu chấu hiện nay tại Trung Quốc.

Phòng Dự tính dự báo dịch hại quốc gia - NATESC cho biết châu chấu sa mạc từ các quốc gia đang có dịch chưa xâm nhập vào Trung Quốc. Theo nhận định của các chuyên gia dự tính dự báo ở Trung Quốc thì trong thời gian tới khả năng loài châu chấu sa mạc xâm nhập và gây hại nặng ở Trung Quốc, Việt Nam và các nước lân cận trong khu vực là rất thấp vì các nguyên nhân sau:

Hiện tại dịch châu chấu tại Ấn Độ, khu vực tiếp giáp với Trung Quốc đã được dập. Nguy cơ đàn châu chấu di cư từ khu vực biên giới Pakistan - Ấn Độ tới Trung Quốc cũng thấp do gặp rào cản tự nhiên là dãy núi Hymalaya với độ cao và nhiệt độ không khí lạnh. Hướng gió tại các khu vực có dịch trong tháng 1, 2 chủ yếu là gió Đông và Đông Bắc cũng không thuận lợi cho việc di cư của châu chấu vào các nước Đông Á và Đông Nam Á.

Châu chấu sa mạc là loài chủ yếu sinh sống tại các khu vực khô hạn ở châu Phi, Trung Đông và Tây Nam Á, chúng phát triển mạnh nhất khi nhiệt độ khoảng 40 độ C và ẩm độ khoảng 60-70%, với điều kiện thời tiết khí hậu tại Trung Quốc và Việt Nam trong khoảng thời gian hiện nay cũng không thuận lợi cho sự sinh tồn và phát triển của loài châu chấu sa mạc.

Bài học lịch sử các loại sâu bệnh hại mới tại Việt Nam như sâu keo mùa thu và châu chấu lưng vàng, Bộ NN-PTNT vẫn hết sức cảnh giác và chủ động đề phòng với châu chấu sa mạc. Ảnh: IT.

Bài học lịch sử các loại sâu bệnh hại mới tại Việt Nam như sâu keo mùa thu và châu chấu lưng vàng, Bộ NN-PTNT vẫn hết sức cảnh giác và chủ động đề phòng với châu chấu sa mạc. Ảnh: IT.

Kế hoạch ứng phó của Việt Nam

Mặc dù các chuyên gia dự tính dự báo của FAO và Trung Quốc nhận định nguy cơ châu chấu sa mạc xâm nhập và gây hại tại Việt Nam là tương đối thấp, nhưng trước sự bùng phát, lây lan như hiện nay của chúng tại các nước Châu Phi và Tây Á và với sự thay đổi khó lường của khí hậu trong những năm gần đây, giống như sự xâm nhập, lây lan nhanh chóng và gây hại nặng của một số đối tượng dịch hại di cư tại Việt Nam trong thời gian qua là châu chấu tre lưng vàng và sâu keo mùa thu, chúng ta cần có kế hoạch sẵn sàng ứng phó châu chấu sa mạc.

Các thông tin trong lịch sử và hiện tại chứng minh rằng việc đối phó với những đàn châu chấu sa mạc khổng lồ rất khó khăn, khác hoàn toàn việc phòng chống các sinh vật gây hại thông thường. 

Trước tình hình đó, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Tây Bắc, nơi có khả năng, dự kiến đàn châu chấu có thể di chuyển qua theo dõi sát về tình hình phát sinh gây hại, phát hành tài liệu hướng dẫn các Chi cục nhận diện đối với châu sa mạc và biện pháp phòng chống.

Mặc dù nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là rất thấp, tuy nhiên trong trường hợp xấu nhất chúng có thể di cư vào Việt Nam vào khoảng tháng 6 do nền nhiệt độ cao và hướng gió phù hợp để chúng di cư (theo nhận định của FAO và Trung Quốc).

Để chủ động có phương án phòng chống không để bất ngờ trước tình hình dịch bệnh xảy ra, Bộ NN-PTNT đề xuất Thủ tướng Chính phủ kế hoạch tổng thể ứng phó cụ thể như sau:

Chủ động giám sát từ xa, cảnh báo sớm, theo dõi sát tình hình và các cảnh báo về hướng di chuyển và gây hại của châu chấu sa mạc của FAO trên website www.fao.org/ag/locusts để chủ động các phương án phòng, chống dịch kịp thời và hiệu quả.

Tăng cường hợp tác quốc tế với FAO và các quốc gia có chung đường biên giới (Trung Quốc, Lào, Camphuchia) để trao đổi thông tin, kinh nghiệm và phối hợp đối phó với dịch châu chấu sa mạc (bao gồm cả châu chấu tre lưng vàng, sâu keo mùa thu).

Thu thập thông tin, tài liệu của quốc tế về châu chấu sa mạc và các biện pháp phòng trừ để tổng hợp, xây dựng thành tài liệu tiếng Việt gửi các địa phương nắm rõ, chủ động các biện pháp phòng chống nếu bị dịch hại xâm nhập.

Trao đổi với Bộ Quốc phòng xác định khả năng sử dụng rađa quân sự phát hiện, xác định hướng và đo kích thước đàn châu chấu khi chúng di chuyển và sử dụng dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong trường hợp dịch trên diện rộng, Thủ tướng chỉ đạo chống dịch.

Bộ NN-PTNT trình Chính phủ nhiều kịch bản, phương án để đối phó với châu chấu sa mạc nếu trong trường hợp dịch này xâm nhập vào Việt Nam và gây hại mùa màng. Ảnh: IT.

Bộ NN-PTNT trình Chính phủ nhiều kịch bản, phương án để đối phó với châu chấu sa mạc nếu trong trường hợp dịch này xâm nhập vào Việt Nam và gây hại mùa màng. Ảnh: IT.

Về tổ chức chống dịch mặt kỹ thuật và nguyên tắc phòng chống, khi đàn châu chấu mới xâm nhập là châu chấu trưởng thành, di chuyển nhanh và gây hại mạnh nên áp dụng biện pháp phun bao vây bằng máy bay, nhất là các khu vực xa khu dân cư, chuồng trại, nguồn nước. Những diện tích còn lại huy động nhân lực, các loại bình phun, máy phun để phun thuốc BVTV hóa học.

Trường hợp châu chấu xâm nhập, đẻ trứng, xử lý thuốc sinh học hoặc hóa học trong trường hợp châu chấu non mới nở (tuổi 1-2) còn co cụm và chưa bay nhảy mạnh (biện pháp phòng chống tương tự châu chấu tre lưng vàng).

Về tổ chức thực hiện, Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn kinh phí trong nguồn kinh phí địa phương được cấp hàng năm cho công tác phòng, chống dịch trong trường hợp khẩn cấp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, tham khảo hướng dẫn của FAO và các quốc gia đã dập dịch. Trên cơ sở Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam, để chọn thuốc dập dịch châu chấu. Xây dựng kế hoạch dự trữ quốc gia thuốc trừ châu chấu.

Giao Bộ Quốc phòng xây dựng phương án hỗ trợ, tạo điều kiện sử dụng máy bay phun thuốc BVTV dập dịch trong trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định và giao Bộ Tài chính cấp kinh phí kịp thời để dập dịch.

Xem thêm
Phân bón Đầu Trâu cải thiện chất lượng đất trồng cà phê vùng Tây Nguyên

Phân bón Bình Điền xây dựng quy trình canh tác cà phê thông minh cho từng tỉnh vùng Tây Nguyên để sản xuất cà phê bền vững, giảm giá thành, tăng thu nhập nhà nông.

Mavin được vinh danh tại giải thưởng Saigon Times CSR 2024

Ngày 14/11/2024, tại GEM Center, TP.HCM, Tập đoàn Mavin đã vinh dự nhận giải thưởng Saigon Times CSR 2024 do The Saigon Times, thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?