| Hotline: 0983.970.780

Không chủ quan trong phòng, chống bệnh dại

Nguy cơ chính xuất phát từ ý thức chủ nuôi chó, mèo

Thứ Tư 08/11/2023 , 06:00 (GMT+7)

Bệnh dại trên cả nước đang có diễn biến phức tạp, tại Quảng Ninh mới có một người tử vong dương tính với virus dại tại thành phố Uông Bí.

Cán bộ Thú y xã Liên Hòa (Quảng Yên, Quảng Ninh) tiêm vacxin phòng bệnh dại chó, mèo. Ảnh: VC.

Cán bộ Thú y xã Liên Hòa (Quảng Yên, Quảng Ninh) tiêm vacxin phòng bệnh dại chó, mèo. Ảnh: VC.

Sự việc đau lòng tại Quảng Ninh

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có 11 ổ dịch dại trên chó, ghi nhận trên 5.000 trường hợp bị chó cắn. Tổng số người điều trị dự phòng sau phơi nhiễm do bị chó cắn là 1.330 người, tăng gần 70% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong tháng 10, liên tục thêm 2 ổ dịch chó dại tại TP Hạ Long và TP Uông Bí. Toàn tỉnh Quảng Ninh ghi nhận thêm 23 người nghi bị chó dại cắn. Qua xét nghiệm, có 3 mẫu chó dương tính với virus dại, đã có một người tử vong dương tính với virus dại tại TP. Uông Bí.

Bệnh nhân là cháu V.Đ.T. (7 tuổi, trú tại phường Trưng Vương, Uông Bí) bị chó nhà hàng xóm cắn vào tay trái, ngày 25/6. Thời điểm cắn cháu T., con chó chưa được tiêm phòng bệnh dại.

Sau khi xảy ra sự việc, ngày 26/9, gia đình đưa cháu bé đi tiêm phòng bệnh dại tại cơ sở tiêm dịch vụ. Đồng thời đưa cháu T. đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để khám và điều trị.

Tại đây, bệnh nhi phải khâu 5 mũi và đến ngày 1/10 được ra viện, đi học trở lại bình thường. Ngày 6/10, vết thương đã khô nên cháu T. được đưa đến Trung tâm Y tế Điền Công gần nhà để cắt chỉ.

Tuy nhiên, đến ngày 10/10, cháu T. bất ngờ lên cơn sốt và phải vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để cấp cứu. Tình hình tiếp tục diễn biến nặng lên, cháu bé được chuyển tiếp lên Hà Nội trong tình trạng nguy kịch, sùi bọt mép.

Cháu T. được tiên lượng xấu, đội ngũ y bác sĩ không còn khả năng can thiệp nên gia đình đã xin được đưa cháu về nhà.

Qua sự việc đau lòng của cháu T., căn cứ kết quả của Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương, Chủ tịch UBND TP Uông Bí đã ban hành Quyết định số 5288/QĐ-UBND về việc công bố bệnh dại động vật tại khu Đền Công 1, phường Trưng Vương, TP Uông Bí.

Bà Nguyễn Thị Thanh Đoàn, Trưởng phòng Y tế TP Uông Bí cho biết, tình hình bệnh dại đang diễn biến phức tạp, mặc dù đây là thời điểm không trong mùa nắng nóng, dễ phát sinh bệnh dại trên đàn chó nuôi.

Các cấp chính quyền và phòng, ban, ngành chức năng TP Uông Bí đang tích cực vào cuộc triển khai các biện pháp ứng phó, phòng chống bệnh dại phát sinh và lan rộng. Tuy nhiên, theo bà Đoàn, nhiều người nuôi chó mèo vẫn còn chủ quan với bệnh dại, vẫn còn tình trạng chó mèo thả rông hoặc chưa được tiêm phòng.

Những con chó không có rọ mõm thả rông trong khu dân cư. Ảnh: VC.

Những con chó không có rọ mõm thả rông trong khu dân cư. Ảnh: VC.

Cần có chế tài mạnh trong việc xử lý chó thả rông

Dù là đường đô thị hay ngõ hẻm khu dân cư của thành phố, rất dễ để bắt gặp những con chó không có rọ mõm chạy nhảy tung tăng.

Bà N.T.D trú tại khu 3, phường Vàng Danh, TP Uông Bí lo lắng nói: "Nhà tôi trong xóm, mặc dù không nuôi chó nhưng các hộ dân trong xóm nhà nào cũng nuôi từ một đến vài con. Chó nuôi thường không được quản lý nhốt chặt, không đeo rọ mõm chạy nhảy khắp xóm, phóng uế bừa bãi rất mất vệ sinh. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, tôi rất lo sợ mỗi khi di chuyển trong ngõ xóm nhưng làng xóm với nhau, nhắc mãi sợ mất lòng mà có nhắc họ cũng ì ra chẳng thay đổi gì".

Mặc dù đã được tuyên truyền về các quy định khi nuôi thả chó, mèo trong khu dân cư, tuy nhiên hiện chưa có chế tài mạnh trong việc xử lý chó mèo thả rông. Việc thả rông chó ra đường khi không có biện pháp phòng hộ đang diễn ra phổ biến ở nhiều khu dân cư.

Bà N.T.D ở khu 2, phường Thanh Sơn, TP Uông Bí, bày tỏ: "Nghe thông tin về tình hình bệnh dại đang phức tạp mà ra ngoài đường vẫn gặp chó thả rông không đeo rọ mõm, nhìn thật bức xúc, không biết chủ của chúng có biết nghĩ cho mọi người không".

Theo báo cáo kết quả công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn TP Uông Bí, kết quả công tác tiêm phòng bệnh dại từ đầu năm đến nay đạt 6.783/9.350 con bằng 72,5% (theo số Kế hoạch Thành phố giao), đạt 100,3% số chó mèo nuôi xã, phường thống kê và bằng 95% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, qua đánh giá của cơ quan chức năng, con số thống kê chó mèo nuôi tại các khu dân cư trên địa bàn là chưa đầy đủ, vì lí do các chủ nuôi giấu diếm không khai báo khi được thông báo tiêm cho chó, mèo.

Ngay như trên địa bàn phường Trưng Vương, địa phương đang công bố có bệnh dại, năm 2023, UBND phường đã thực hiện tiêm 580/580 con đạt 100% số chó mèo trong diện thống kê tiêm phòng, theo báo cáo. Khi dịch bệnh xảy ra, UBND phường tiến hành rà soát thống kê được thêm 473 con/3 khu (Đền Công 1, 2, 3) trong vùng dịch bệnh, còn 7 khu thuộc địa bàn phường chưa có số liệu rà soát thống kê.

Điều này cho thấy công tác rà soát thống kê để thực hiện tiêm phòng trên địa bàn của phường Trưng Vương nói chung và toàn TP Uông Bí nói riêng chưa đầy đủ, khó khăn cho công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Đoàn, Trưởng phòng Y tế TP Uông Bí, hiện nay nhu cầu nuôi chó, mèo không còn chỉ là nhu cầu trông giữ nhà, mà còn là nhu cầu nuôi thú cưng của nhiều gia đình. Tuy nhiên, nhiều chủ nuôi lại thiếu kiến thức về tiêm phòng dại cho chó mèo.

Nghĩ rằng chó, mèo nuôi trong nhà luôn khỏe mạnh, đảm bảo vệ sinh an toàn không lo dịch và do không có sự tiếp xúc với chó mèo lạ ở bên ngoài. Một số người còn nhầm lẫn rằng bệnh dại là bệnh của chó thả rông ngoài đường phố hoặc chó đang đến kỳ phối giống mang thai nên sợ khi tiêm, thai sẽ hỏng…

Để khắc phục dịch bệnh dại trên vật nuôi, bà Đoàn nhấn mạnh việc quan trọng nhất là phải quản lý, tiêm phòng dại được đàn chó trên cả nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cần nghiên cứu vacxin cho ăn sẽ thuận tiện hơn trong việc phòng bệnh dại. Trước mắt chưa nghiên cứu được thì có thể làm quy trình thủ tục để nhập khẩu vacxin cho ăn.

Đặc biệt, cần sửa đổi nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi cũng như thú y. Cụ thể, trường hợp nuôi chó thả rông, chó cắn người, cắn chết người, cắn trọng thương, không tiêm vacxin thì phải có giải pháp xử lý mạnh hơn, quyết liệt hơn. Với quy định hiện nay, xử phạt từ 1 đến 2 triệu đồng thì không đủ sức răn đe.

"Tình hình bệnh dại đang diễn biến phức tạp, trước nguy cơ bệnh dại trên đàn chó nuôi có thể phát sinh bất cứ lúc nào, đề nghị nhân dân cần thực hiện đúng các quy định phòng chống dịch bệnh dại; thực hiện việc nhốt, xích chó, không thả rông; theo dõi chặt chẽ chó, mèo nuôi. Nếu có biểu hiện bất thường, ốm, cần báo ngay cơ quan thú y biết để kịp thời xử lý. Chủ động trong tiêm chủng cho đàn chó, mèo nuôi để chung tay cùng thành phố đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân", bà Nguyễn Thị Thanh Đoàn nhấn mạnh.

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9/2023 của Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, từ đầu năm đến nay phát hiện hơn 270 con chó, mèo mắc bệnh dại, tăng gấp đôi so với năm 2022. Về người chết do bệnh dại từ đầu năm đến nay có 64 người, tăng 18% so với năm 2022. Trong đó, tỉnh Gia Lai có 11 người chết do bệnh dại, nhiều nhất cả nước.

Theo số liệu của Cục Thú y, hiện ở Việt Nam tình trạng chó thả rông rất phố biến, vào khoảng 50% tổng đàn. Tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng dại cho đàn chó thấp, mới đạt chưa tới 50%. Trong khi theo yêu cầu của WHO phải đạt trên 70%.

Mỗi năm ở Việt Nam có khoảng hơn 500.000 người bị phơi nhiễm bệnh dại do chó cắn. Riêng năm 2022, 76 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Điều này cho thấy tình trạng chó thả rông nếu không có biện pháp ngăn chặn sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy nguy hiểm cho cộng đồng.

Xem thêm
Khẳng định vị thế trung tâm chăn nuôi vùng Việt Bắc

Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi với nhiều chính sách và bước đi đúng đắn.

Nữ kỹ sư giúp người dân thoát nghèo nhờ cây tía tô bản địa

Lào Cai Với hơn 30ha tía tô cùng 20 sản phẩm đa dạng, chị Trần Anh Xuân đã tiên phong đưa cây tía tô bản địa thành cây giúp bà con thoát nghèo.

Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá

Qua quá trình chọn tạo, một số giống cho năng suất vượt 70 tấn/ha, phù hợp với đồng đất phía Bắc và chống chịu cao với virus xoắn vàng lá.