| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ đổ vỡ chuỗi cung ứng ngành tôm

Thứ Hai 13/09/2021 , 14:20 (GMT+7)

Người nuôi đã bán tháo tôm và không tiếp tục thả tôm giống. Vì vậy nguy cơ đổ vỡ chuỗi cung ứng ngành tôm đã hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết.

Đứt gãy toàn chuỗi

Hiện nay, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại 19 tỉnh, thành phía Nam đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, việc thực hiện giãn cách xã hội đã tác động tiêu cực đến ngành sản xuất, chế biến thủy sản, đặc biệt là chuỗi cung ứng tôm.

Theo phản ánh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú, hiện doanh nghiệp chế biến tôm đang chịu tác động lớn nhất. Những nhà máy không đáp ứng được yêu cầu "3 tại chỗ" sẽ phải dừng hoạt động.

Giá tôm xuống thấp, khó tiêu thụ nên người nuôi tôm hiện không mặn mà thả giống. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giá tôm xuống thấp, khó tiêu thụ nên người nuôi tôm hiện không mặn mà thả giống. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Số nhà máy còn lại có thể triển khai phương án "3 tại chỗ" cũng chỉ sản xuất được khoảng 25 - 50% công suất với chi phí sản xuất tăng thêm đến 70%, không kể chi phí tôm nguyên liệu. Chính vì thế lượng tôm thu mua để chế biến đã giảm sút nghiêm trọng, dẫn đến giá tôm nguyên liệu giảm 20-30%.

"Trước tình trạng đó, người nuôi tôm đã bán tháo tôm và không tiếp tục thả tôm giống. Vì vậy nguy cơ đổ vỡ chuỗi cung ứng ngành tôm đã hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết", ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng con giống, thức ăn, hóa chất, vi sinh và dịch vụ bảo hành, sửa chữa thiết bị nuôi tôm đã bị đứt gãy, gây nhiều khó khăn cho người nuôi tôm.

Do giãn cách xã hội, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân công kéo lưới thu hoạch tôm cũng như vận chuyển tôm từ ao nuôi đến nhà máy. Thậm chí có nhiều ao tôm không được thu hoạch nên xuất hiện tình trạng tôm chết trắng ao nuôi.

Trong khi đó thời gian qua, các nhà sản xuất bao bì, hóa chất, gia vị, phụ liệu nằm chủ yếu ở TP. HCM không thể sản xuất. Tuy các nhà máy chế biến tôm đã có kế hoạch dự trữ từ trước nhưng do thời gian giãn cách quá dài nên đến nay cũng không còn đủ vật tư để tiếp tục lưu trữ và sản xuất.

Theo ông Lê Văn Quang, hiện kho đông lạnh của Minh Phú đã đầy nên cũng không thể tiếp tục cấp đông tôm nguyên liệu trong thời gian tới.

Ngành tôm trễ nhịp thị trường

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), mặc dù sản lượng tôm nước lợ 8 tháng đầu năm 2021 tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng giá tôm thương phẩm hiện nay giảm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với năm ngoái, thậm chí có vùng giảm hơn 20.000 đồng/kg.

Các doanh nghiệp cho rằng ngành tôm Việt Nam đã trễ nhịp so với cơ hội thị trường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các doanh nghiệp cho rằng ngành tôm Việt Nam đã trễ nhịp so với cơ hội thị trường. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Các doanh nghiệp chế biến tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu (3 địa phương dẫn đầu về sản lượng tôm của cả nước) phán ánh rằng diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp và các tỉnh đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên không chỉ việc lưu thông hàng hóa, mua bán con giống, thu hoạch tôm gặp khó khăn mà các nhà máy cũng đã phải giảm công suất chế biến 60 - 70%.

Tại Hậu Giang, hầu hết nhà máy thủy sản đã đóng cửa do không đáp ứng được “3 tại chỗ”, thiếu công nhân, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Nhiều nhà máy chế biến nằm trong “vùng đỏ” nên toàn bộ lao động từ “vùng xanh” không tới làm việc được.

Một số nhà máy thời gian đầu cố gắng thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì công ăn việc làm cho người lao động, trả hợp đồng các đơn hàng đã ký. Tuy nhiên, những nhà máy này cũng buộc phải ngưng hoạt động do phát sinh chi phí quá lớn như tiền thuê khách sạn, ký túc xá, nhà ở, lương, tiền ăn, chăm sóc y tế, thuê cán bộ y tế xét nghiệm...

Tại Đà Nẵng, sau khi tiến hành giãn cách xã hội, toàn bộ doanh nghiệp chế biến thủy sản đã đóng cửa. Một số doanh nghiệp dự kiến thực hiện “3 tại chỗ” để sản xuất cầm cự nhưng thiếu trầm trọng công nhân chế biến sâu.

Một số doanh nghiệp tôm ở Đà Nẵng xác định mở cửa hoạt động trở lại nhưng chỉ thu mua tôm nguyên liệu để làm hàng tôm PD đơn giản. Nhưng giá tôm loại này của Việt Nam cũng không thể cạnh tranh được với tôm Ấn Độ và Ecuador trên nhiều thị trường.

Theo nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm, do dịch bệnh Covid-19, ngành tôm Việt Nam đã trễ nhịp so với cơ hội thị trường.

Từ tháng 9 cho đến cuối năm là thời điểm các nhà máy tôm bước vào cao điểm thu mua nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu. Nhưng với tình hình hiện tại, chắc chắn nguồn cung tôm sẽ bị đảo lộn, thiếu hụt cho tới cuối năm, thậm chí kéo dài sang năm 2022.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.