| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ 'đói' tôm nguyên liệu cuối năm

Thứ Tư 01/09/2021 , 16:53 (GMT+7)

Hiện người nuôi tôm không thả giống nên dự kiến 3 tháng cuối năm sẽ thiếu nguyên liệu. Nếu sau dịch, các nhà máy hoạt động lại bình thường sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Ngày 1/9, Diễn đàn tôm Việt Nam lần thứ 6 năm 2021 do Tổng cục Thủy sản và Hội Nghề cá Việt Nam được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của gần 1.000 đầu cầu.

Diễn đàn tôm Việt Nam lần thứ 6 năm 2021 do Tổng cục Thủy sản và Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của gần 1.000 đầu cầu. Ảnh: Tùng Đinh.

Diễn đàn tôm Việt Nam lần thứ 6 năm 2021 do Tổng cục Thủy sản và Hội Nghề cá Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của gần 1.000 đầu cầu. Ảnh: Tùng Đinh.

Giá tôm giảm mạnh

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, trước nguy cơ xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng tôm, diễn đàn được tổ chức để thảo luận về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành tôm trong tình hình dịch Covid-19 xoay quanh các vấn đề thu hoạch, vận chuyển cũng như các vật tư đầu vào, con giống.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, mặc dù sản lượng tôm nước lợ 8 tháng đầu năm 2021 tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng giá tôm thương phẩm hiện nay giảm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với năm ngoái, thậm chí có vùng giảm hơn 20.000 đồng/kg.

Hiện nay, nhiều nơi nông dân đang tạm ngừng sản xuất do một số doanh nghiệp thu mua, chế biến tôm và các dịch vụ cung cấp vật tư đầu vào phải ngừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19.

Đại diện Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, là tỉnh trọng điểm về nuôi tôm nhưng giãn cách xã hội đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất trong lĩnh vực này.

Đặc biệt, Cà Mau thiết lập "vùng xanh" toàn tỉnh nên phòng chống dịch rất gắt gao. Về hoạt động chế biến thuỷ sản, khi thực hiện giãn cách và triển khai phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến", các doanh nghiệp và nhà máy gần như đứng im. Do đó, Cà Mau mong muốn được hỗ trợ, dự báo tình hình trong chỉ đạo sản xuất.

Gía cả hạ thấp nên người nuôi tôm đang không mặn mà thả giống. Ảnh: TL.

Gía cả hạ thấp nên người nuôi tôm đang không mặn mà thả giống. Ảnh: TL.

Theo Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn, hiện nay có 2 vấn đề vướng mắc là giao thông và lao động, nếu tháo gỡ được sẽ thích ứng được với dịch bệnh, mở ra cơ hội tiếp tục sản xuất.

“Ở từng địa phương, các doanh nghiệp phải chủ động đề xuất cụ thể với chính quyền về những vấn đề của mình, cả về giao thông lẫn lao động. Dựa trên cơ sở đó, Tổng cục Thủy sản có thể đưa ra những kiến nghị chung ở tầm cao hơn. Từ đó, giúp Chính phủ và các địa phương có hướng xử lý phù hợp hơn vì đôi khi chính quyền không nắm rõ được vấn đề chuyên môn”, ông Phạm Anh Tuấn nêu giải pháp.

Đại diện Hội Nghề cá còn cho rằng, Tổng cục Thủy sản có thể thành lập đường dây nóng để tổng hợp, lắng nghe những vướng mắc của các doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, từ đó hỗ trợ giải quyết sớm.

Nguy cơ thiếu nguyên liệu cuối năm

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (Minh Phú) cho biết, hiện nay lượng công nhân đi sản xuất chỉ đạt 25% nhưng sản lượng của nhà máy vẫn đạt 50% do đẩy mạnh mua tôm size lớn (10 - 45 con/kg).

Đây là yếu tố quan trọng, giúp nhà máy đảm bảo sản lượng, nông dân bán được hàng và đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đặt biệt trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.

Các doanh nghiệp lo ngại sau dịch bệnh Covid-19, sẽ đối diện với nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu trầm trọng. Ảnh: LHV.

Các doanh nghiệp lo ngại sau dịch bệnh Covid-19, sẽ đối diện với nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu trầm trọng. Ảnh: LHV.

“Hiện nay, nhà máy không sản xuất được nên không mua được tôm cho bà con, ngoài ra khâu vận chuyển từ vùng nuôi về nhà máy cũng rất khó khăn. Trước tình hình này, bà con lại không thả giống, dự kiến 3 tháng cuối năm là thời điểm tiêu thụ lớn sẽ thiếu nguyên liệu. Thậm chí, nếu sau dịch, các nhà máy hoạt động lại bình thường thì sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng”, ông Quang dự báo.

Đại diện Minh Phú cho rằng, hiện nay giá tôm cỡ lớn đang tốt, có nhu cầu lớn nên khuyến cáo bà con thả thưa. Nếu bình thường 250 - 350 con/m2 thì bây giờ chỉ nên thả 100 - 120 con/m2 để nuôi cỡ lớn, đạt từ 10 - 45 con/kg sẽ bán rất tốt, giá tốt.

“Khi tình hình ổn định trở lại, Minh Phú sẽ nâng giá mua cho bà con”, ông Quang khẳng định.

Đồng ý với quan điểm của ông Lê Văn Quang, ông Phạm Anh Tuấn nhận định, nếu nhìn vào góc độ nhu cầu, có thể thấy thị trường đang cần và từ giờ đến cuối năm nhu cầu tiêu thụ tôm sẽ quay trở lại.

Do đó, Phó chủ tịch Hội Nghề cá cho rằng cần khuyến cáo người dân nuôi, phải có quy trình nuôi thích hợp để phù hợp với tình hình, ví dụ như trong thâm canh cần thả thưa hơn để giảm rủi ro, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Xem thêm
Thu tiền tỷ mỗi năm từ mô hình nuôi tảo xoắn

Đà Nẵng Sản phẩm từ tảo xoắn của cô gái trẻ ở TP Đà Nẵng hiện không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành lớn trong nước mà còn xuất khẩu.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.