| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ khó xuất khẩu rau quả đi Trung Quốc trong Tết Nguyên đán

Chủ Nhật 05/12/2021 , 16:26 (GMT+7)

Việc xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán, do những thay đổi về chính sách nhập khẩu của nước này.

Tại diễn đàn trực tuyến "Kết nối cung cầu cây ăn trái ", ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Từ nay đến hết tháng 12/2021, sản lượng trái cây của các tỉnh phía Nam ước đạt trên 700.000 tấn, dự báo trong quý I năm 2022, sẽ có thêm 1,6 triệu tấn. Vì vậy, sản lượng trái cây có nhu cầu tiêu thụ rất lớn.

Dây chuyền chế biến thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: TL.

Dây chuyền chế biến thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: TL.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đang đứng trước tình hình hết sức nan giải về sản xuất như ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá vật tư đầu vào tăng cao, mối liên kết chuỗi còn lỏng lẻo… Vấn đề xuất khẩu cũng dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, khi yêu cầu về chất lượng, hàng rào kỹ thuật, quy định…của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ, nhất là thị trường Trung Quốc.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết: Hiện nay, khó khăn mà mặt hàng rau quả đang phải đối mặt là tác động tiêu cực của dịch Covid-19, khiến quá trình xuất khẩu bị ách tắc, tăng trưởng chững lại so với trước đây. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn khi thuê tàu, container, giá cước vận chuyển tăng cao… Dẫn tới, lượng hàng hóa thu mua cho người dân rất hạn chế, gây ra tình trạng ứ đọng rau quả.

Cũng theo ông Nguyên, trong giai đoạn cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, mặt hàng rau quả sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Do nước này dự định sẽ ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên đán, điều này có thể làm gia tăng tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hình thức vận tải bằng tàu biển sẽ dịch chuyển nhiều sang vận chuyển bằng đường bộ, trong khi đường bộ vẫn đang gặp những ách tắc nhất định. Vì vậy, nguy cơ tình trạng ách tác có thể gia tăng thêm, điều này ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa, nhất là rau quả của người dân. Do đó, các đơn vị cần có chủ động xây dựng phương án sẵn sàng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.

Một khó khăn nữa được ông Nguyên nêu ra, là công nghệ bảo quản rau quả của chúng ta chưa cao, dẫn tới việc xuất khẩu đi những thị trường xa gặp nhiều khó khăn, tốn kém chi phí. Bên cạnh đó, khung thời vụ nhiều loại hoa quả trùng với Trung Quốc, nên việc xuất khẩu sang thị trường này sẽ có những trở ngại. Ngoài ra, số lượng vườn trồng đạt tiêu chuẩn GAP còn khá khiêm tốn, gây khó khăn cho các doanh nghiệp tìm đủ nguồn cung nguyên liệu xuất đi nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Nguyên cũng cho rằng: Không vì những khó khăn trước mắt đó mà hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng. Vẫn có những tín hiệu tích cực từ các thị trường nhập khẩu trong thời gian tới như: Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi khi giáp thị trường lớn Trung Quốc, giúp giảm được chi phí vận chuyển. Đồng thời, nước này cũng đang có chủ trương tăng cường sản lượng tiêu thụ rau quả của khu vực ASEAN từ 2-3 lần trong vài năm tới.

Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam kiến nghị: Cần đẩy mạnh tuyên truyền để sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP, liên kết hợp tác xã nâng cao hiệu quả sản xuất. Cùng với đó, tăng cường đàm phán để mở rộng danh sách các mặt hàng nhập khẩu vào Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…

Các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT cần nghiên cứu, chuyển giao thêm các loại giống cây ăn quả mới có chất lượng cao, dễ canh tác… Bên cạnh đó, để hạn chế việc sử dụng các vật tư có nguồn gốc vô cơ, có thể tăng thuế của nhóm hàng này. Dùng số tiền đó hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất hữu cơ nhằm giảm giá thành cho các sản phẩm hữu cơ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong giai đoạn cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, mặt hàng rau quả sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: TL.

Trong giai đoạn cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, mặt hàng rau quả sẽ gặp khó khăn khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: TL.

Cũng bày tỏ sự quan ngại khi có thông tin thời gian tới Trung Quốc sẽ dừng nhập khẩu sản phẩm cây ăn quả, đúng vào mùa vụ thu hoạch trái cây rộ nhất tại Việt Nam, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ: Trung Quốc là thị trường nhập khẩu trái cây quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Do đó, hoạt động sản xuất cần tuân thủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn mà thị trường này yêu cầu, như tiêu chuẩn GlobalGAP được thị trường này chấp nhận.

“Hiện, Việt Nam đang có một tiêu chuẩn trung chuyển giữa VietGAP và GlobalGAP, là LocalGAP. Tiêu chuẩn LocalGAP thể hiện được hầu hết những đặc điểm của tiêu chuẩn GlobalGAP, tuy nhiên chi phí cũng như thời gian thực hiện thấp hơn 1/3”, bà Vũ Kim Hạnh thông tin.

Cũng theo bà Hạnh, đến nay đã có 170 doanh nghiệp, trong đó có 120 doanh nghiệp nông sản được trao chứng nhận LocalGAP. Các địa phương Bến Tre, Lâm Đồng, Nghệ An đã kí hợp đồng để Hiệp hội tư vấn về tiêu chuẩn LocalGAP cho các HTX trái cây của tỉnh.

“Chúng tôi đang xây dựng những chương trình tư vấn cho các HTX về LocalGAP với mức phí thấp, thậm chí là miễn phí cho các hộ kinh doanh khó khăn. Mục tiêu của Hiệp hội là tạo dựng một 'chìa khóa', 'tấm giấy thông hành' để trái cây Việt Nam bước những bước chân vững chắc ra thị trường xuất khẩu quốc tế với tiêu chuẩn LocalGAP”, bà Hạnh cho hay.

Xem thêm
Xuất khẩu cà phê Việt Nam quý II sẽ tăng do nhu cầu thế giới tăng?

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 756.000 tấn cà phê, trị giá 2,57 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng và 57,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.