| Hotline: 0983.970.780

Cấp mã số vùng trồng, sẵn sàng xuất khẩu trái cây

Thứ Năm 10/06/2021 , 04:44 (GMT+7)

Tỉnh Hòa Bình đang từng bước tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, nâng giá trị các sản phẩm trái cây chủ lực của tỉnh hướng tới xuất khẩu.

Thành quả bước đầu

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Hòa Bình, từ năm 2019 đến nay, hoạt động hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trái cây đã được Chi cục chú trọng triển khai. Bước đầu, Hòa Bình tập trung cho một số cây có tiềm năng xuất khẩu như nhãn, chuối, thanh long.

Đến tháng 5/2021, toàn tỉnh đã được Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) cấp 8 mã số vùng trồng với diện tích 76,3 ha và 6 mã số cơ sở đóng gói. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 6 mã số bao gồm: Nhãn (01 mã), thanh long (02 mã), chuối (03 mã); xuất sang thị trường Úc có 02 mã trên cây nhãn.

Từ những vùng trồng được cấp mã số, trong năm 2020, đã có 120 tấn nhãn Sơn Thủy của huyện Kim Bôi và 180 tấn chuối của thành phố Hòa Bình được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Tháng 3/2021, HTX Sản xuất, Chế biến nông thuỷ sản Phú Cường - Sông Đà (xã Thịnh Minh,TP Hoà Bình) đã xuất khẩu 20 tấn chuối được cấp mã số vùng trồng sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: HTX.

Tháng 3/2021, HTX Sản xuất, Chế biến nông thuỷ sản Phú Cường - Sông Đà (xã Thịnh Minh,TP Hoà Bình) đã xuất khẩu 20 tấn chuối được cấp mã số vùng trồng sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: HTX.

Bà Hoàng Thị Bích Huệ, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa Hòa Bình cho biết: Hòa Bình có dư địa rất lớn về cây ăn quả, đặc biệt là cây ăn quả có múi để hình thành các vùng sản xuất tập trung.

Bên cạnh đó, các địa phương, doanh nghiệp, HTX cũng như các hộ dân qua những lớp tập huấn và tài liệu đã có hiểu biết và nhận thức rõ hơn về những yêu cầu đối với cơ sở được cấp mã số vùng trồng. Từ đó, hình thành ý thức nâng cao giá trị cho các mặt hàng nông sản, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu.

Ông Bùi Văn Lực, xóm Khoang, xã Xuân Thủy (Kim Bôi) có 2,5 ha diện tích nhãn được cấp mã số vùng trồng chia sẻ: Trước đây, việc chăm bón chủ yếu dựa trên kinh nghiệm nên việc bón phân và sử dụng thuốc BVTV một cách tràn lan, không có quy trình kỹ thuật chăm sóc nên năng suất chất lượng không cao.

Từ khi đăng ký tham gia trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, nhất là khi được cấp mã số vùng trồng, gia đình luôn tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn, quy định từ cơ quan chuyên môn cũng như yêu cầu từ các bạn hàng.

Trong quá trình trồng, các hộ chỉ sử dụng những thuốc BVTV trong danh mục cho phép, phun thuốc có thời gian nhất định, có nhật ký ghi lại. Tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ, chỉ sử dụng công lao động bằng tay hoặc máy cắt cỏ. Hạn chế tối đa phân hóa học, sử dụng nhiều phân bón hữu cơ bằng cách tận dụng phân chăn nuôi, cỏ dại… ngâm ủ với men vi sinh và đảm bảo đủ thời gian cách ly trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Còn nhiều hạn chế

Mặc dù tiềm năng rất lớn về cây ăn quả, nhưng việc cấp mã số vùng trồng ở Hòa Bình còn rất khiêm tốn. Công tác tiêu thụ gặp vẫn nhiều bất cập khi chưa có giải pháp cụ thể cho từng loại cây trồng.

Ông Bùi Văn Miển, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy (huyện Kim Bôi) cho biết: Hiện, HTX có 41 thành viên, với tổng diện tích là 34 ha theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó được cấp 2 mã số vùng trồng tương đương 18,8 ha. Năm 2020, HTX đã xuất bán 120 tấn nhãn với giá 12.000/kg, cao hơn hẳn so với những diện tích ngoài vùng được cấp mã chỉ bán cho thương lái trong nước với giá 7000-8.000 đ/kg.

Theo ông Miển, quả nhãn được cả thị trường trong nước và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên, khả năng tiêu thụ trong nước lại rất hạn chế. Hàng năm, có nhiều cửa hàng nông sản sạch, các siêu thị trong tỉnh cũng như các tỉnh khác đến đặt vấn đề thu mua, nhưng lượng thu mua không đáng kể.

Đối với thị trường xuất khẩu, đến nay việc tiêu thụ của HTX vẫn phải thông qua một đơn vị trung gian ở tỉnh Bắc Giang. Đơn vị này thu mua rồi đóng gói sản phẩm vào bao bì, nhãn mác của họ rồi xuất sang Trung Quốc. Điều này tạo nên một bất cập rất lớn khi chính các chủ vườn không được tiếp cận trực tiếp với thương lái nước bạn. Thương hiệu nhãn Hòa Bình cũng như lợi nhuận của các hộ trồng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Vườn nhãn được cấp mã số vùng trồng của ông Bùi Văn Lực, xóm Khoang, xã Xuân Thủy (Kim Bôi) luôn tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn, quy định từ cơ quan chuyên môn cũng như yêu cầu từ các bạn hàng. Ảnh: Trung Quân.

Vườn nhãn được cấp mã số vùng trồng của ông Bùi Văn Lực, xóm Khoang, xã Xuân Thủy (Kim Bôi) luôn tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn, quy định từ cơ quan chuyên môn cũng như yêu cầu từ các bạn hàng. Ảnh: Trung Quân.

Tương tự các hộ trồng nhãn, những hộ trồng thanh long cũng đang gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm của mình.

Ông Vũ Ngọc Quang, khu Quyết Tiến, Thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) cho biết: Gia đình có 7,8 ha trồng thanh long trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Năm 2020, ông xuất bán được 100 tấn, chủ yếu bán ở thị trường trong nước tại các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch như: BigC, mediamart, siêu thị Lan Chi…

Theo ông Quang, bản thân các hộ trồng rất mong muốn sản phẩm của mình được đưa đi xuất khẩu vì nó sẽ mang lại giá trị cao hơn. Từ khi được cấp mã số vùng trồng, các cơ quan quản lý cũng tạo điều kiện liên hệ với các bạn hàng để đưa sản phẩm xuất khẩu.

Tuy nhiên, yêu cầu về sản lượng khi xuất khẩu là rất lớn trong khi diện tích trồng đạt tiêu chuẩn của khu vực chưa nhiều. Mặt khác, các quy định, thủ tục, kế hoạch thu mua lại không phù hợp với khung thời vụ của thanh long.

Thời gian thu hoạch thanh long diễn ra liên tục trong thời gian rất ngắn, trung bình một năm thu từ 8 đến 9 lứa, mỗi lứa từ 2 đến 3 ngày là phải thu hoạch xong, nếu đợi đủ số lượng cho xuất khẩu thì vượt khung thời vụ, thanh long sẽ hỏng.

Ngoài ra, công tác sơ chế, đóng gói sản phẩm theo đúng quy định mới chỉ thực hiện được ở một số ít doanh nghiệp với một số sản phẩm rau, chuối, chè... Đối với những diện tích cấp mã số vùng trồng, hầu hết các sản phẩm do các doanh nghiệp ngoài tỉnh thực hiện sơ chế, đóng gói và xuất khẩu.

Tổ chức lại sản xuất

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hòa Bình, việc cấp mã số vùng trồng vừa là động lực, đồng thời là công cụ giám sát vùng sản xuất. Việc áp dụng các tiêu chuẩn về cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói giúp người sản xuất thực hiện theo đúng quy trình canh tác, kiểm soát các loài sinh vật hại, bảo tồn thiên địch. Từ đó, hạn chế thấp nhất việc ô nhiễm môi trường, giúp cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp.

Thời gian thu hoạch thanh long diễn ra trong thời gian ngắn từ 2-3 ngày/lứa. Vì vậy, nếu công tác thu mua, sơ chế, bảo quản không tốt sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng quả. Ảnh: Trung Quân.

Thời gian thu hoạch thanh long diễn ra trong thời gian ngắn từ 2-3 ngày/lứa. Vì vậy, nếu công tác thu mua, sơ chế, bảo quản không tốt sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng quả. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hòa Bình cho biết: Yếu tố cốt lõi để có thể xây dựng, quản lý và đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng là khâu tổ chức sản xuất. Mã số vùng trồng là giai đoạn sau của tổ chức sản xuất nên việc phải thực hiện đầu tiên là hình thành được những vùng trồng tập trung.

Hiện nay, có một thực tế là trên cùng một diện tích nhưng mỗi nhà trồng một giống, thời gian sinh trưởng các loại cây khác nhau, dẫn đến sự thống nhất trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại gặp không ít khó khăn.

Cũng theo ông Yến, hiện nay tỉnh đang tiến hành tái tổ chức sản xuất theo từng vùng, từng khu vực gắn với việc quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm và dịch bệnh.

Hiện, tỉnh đang xem xét để ban hành Đề án Hỗ trợ cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm trồng trọt chủ lực, lợi thế phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước của tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và xây dựng Đề án tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, tập trung tái canh cam Cao Phong với quy mô khoảng 1.500 ha.

Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ cấp và quản lý khoảng 300 - 500 mã số vùng trồng, tương đương khoảng 3.000 - 5.000 ha cây trồng và 100 cơ sở đóng gói, trong đó ít nhất 10 cơ sở có đủ năng lực đóng gói hàng xuất khẩu với công suất tối thiểu 25 tấn/đơn hàng.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất