Một người đàn ông 41 tuổi ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc đã được xác nhận là trường hợp đầu tiên nhiễm một loại cúm gia cầm hiếm gặp có tên H10N3, Ủy ban Y tế Quốc gia Bắc Kinh (NHC) cho biết.
Người đàn ông, cư dân của thành phố Trấn Giang, nhập viện vào ngày 28/4 và được chẩn đoán nhiễm H10N3 vào ngày 28/5, NHC cho biết hôm 1/6, và nói thêm rằng tình trạng của người này đã ổn định.
NHC không cho biết chi tiết về việc người đàn ông bị nhiễm bệnh như thế nào nhưng cho biết cuộc kiểm tra về những người thân cận của anh ta không tìm thấy trường hợp bị lây nhiễm nào khác và nguy cơ lây lan là rất thấp.
Thế giới biết những gì về H10N3?
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), con người còn biết rất ít về loại virus này, có vẻ như loại virus rất hiếm thấy ở các loài chim và không gây bệnh nặng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết mặc dù không xác định được nguồn gốc khiến bệnh nhân phơi nhiễm với virú H10N3 và không có trường hợp nào khác được tìm thấy trong người dân địa phương, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu về sự lây truyền từ người sang người.
Tuy nhiên, virus cúm gia cầm có thể ít ảnh hưởng đến chim nhưng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều ở người, chẳng hạn như chủng H7N9 đã giết chết gần 300 người ở Trung Quốc trong mùa đông năm 2016-2017. WHO cho biết chỉ có một số trường hợp hiếm hoi về sự lây lan từ người sang người của virú H7N9.
Nhiễm H10N3 sẽ gặp nguy cơ gì?
Nguy cơ lây nhiễm thêm H10N3 hiện được cho là rất thấp, với các chuyên gia mô tả trường hợp này là "lẻ tẻ".
Những trường hợp như vậy thỉnh thoảng xảy ra ở Trung Quốc, nơi có số lượng lớn các loài chim nuôi và chim hoang dã thuộc nhiều loài.
Và với việc giám sát ngày càng tăng về bệnh cúm gia cầm trong người dân, ngày càng có nhiều trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm hơn.
Vào tháng 2, Nga đã báo cáo trường hợp người đầu tiên nhiễm virus H5N8 gây thiệt hại lớn tại các trang trại gia cầm trên khắp châu Âu, Nga và Đông Á vào mùa đông năm ngoái.
Nhà chức trách cho biết 7 người bị nhiễm virus không có triệu chứng.
Các chuyên gia sẽ cảnh giác với bất kỳ cụm trường hợp lây nhiễm H10N3 nào, nhưng hiện tại, một trường hợp đơn lẻ không phải là điều đáng lo ngại.
WHO nói với Reuters trong một tuyên bố: “Chừng nào virus cúm gia cầm còn lây lan trong gia cầm, thì việc lây nhiễm lẻ tẻ cúm gia cầm ở người là điều không có gì đáng ngạc nhiên, đó là một lời nhắc nhở sống động rằng mối đe dọa của đại dịch cúm vẫn còn dai dẳng”.
Theo Filip Claes, điều phối viên phòng thí nghiệm khu vực của Trung tâm Khẩn cấp về Bệnh động vật Xuyên biên giới của FAO tại văn phòng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chỉ có khoảng 160 trường hợp virus phân lập được báo cáo trong vòng 40 năm đến 2018.
Tuy nhiên, virus cúm có thể biến đổi nhanh chóng và trộn lẫn với các chủng khác lưu hành trong các trang trại hoặc giữa các loài chim di cư, được gọi là “tái phân loại”, có nghĩa là chúng có thể tạo ra những thay đổi di truyền gây ra mối đe dọa lây truyền cho con người.
Thế giới sẽ cần biết thêm những gì?
Trình tự gen của virus lây nhiễm cho bệnh nhân vẫn chưa được công bố và sẽ cần thiết để đánh giá đầy đủ nguy cơ của nó.
Các nhà khoa học sẽ muốn biết H10N3 có thể lây nhiễm vào tế bào người dễ dàng như thế nào để xác định xem liệu nó có thể trở thành một nguy cơ lớn hơn hay không.
Ví dụ, biến thể H5N1 lây nhiễm cho người đầu tiên vào năm 1997 là loại gây chết người nhiều nhất, giết chết 455 người trên toàn cầu cho đến nay.
Ben Cowling, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Hồng Kông, cho biết chỉ mất một vài đột biến trước khi biến thể H5N1 có khả năng lây lan dễ dàng từ người sang người.
Ông nói, có thông tin di truyền của biến thể H10N3 sẽ giúp đánh giá xem nó có “gần giống với loại virus mà chúng ta nên lo lắng hay không”.