Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, việc giảm xả thủy điện Trung Quốc với thời gian kéo dài trong tháng 1, đến nay đã ảnh hưởng đến nguồn nước ĐBSCL và mặn lên cao nhất đợt 1 từ 8/2-16/2/2021, đúng dịp Tết Tân Sửu. Mặn sẽ tiếp tục lên đợt 2 vào dịp rằm tháng giêng.
Trước tình hình đó, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam khuyến nghị: nước về thấp ngay từ đầu mùa khô, mặn bất thường có thể xảy ra sớm ngay từ các tháng đầu mùa khô, và kéo dài tới tháng 5, có thể còn xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào theo vận hành thủy điện và các thời tiết cực đoan, triều cường, gió Chướng. Vì vậy, các địa phương chủ động các giải pháp ứng phó, phòng chống hạn mặn nặng ngay từ bây giờ.
Vùng ven biển ĐBSCL: nguy cơ thiếu nước ngọt ở mức cao vào giữa mùa khô, xâm nhập mặn dự báo tại các cửa sông Cửu Long cao trong tháng 2, duy trì cao trong tháng 3, giảm dần ở tháng 6.
Các địa phương vùng ven biển ĐBSCL cần chủ động các giải pháp bơm trữ nước và cấp nước sinh hoạt; kiểm soát chặt chẽ các cống kiểm soát mặn và tích trữ nước phục vụ sản xuất, giảm thiểu thiệt hại mặn lên cao ở tháng 2.
Vùng giữa ĐBSCL: đề phòng ảnh hưởng mặn xâm nhập cao trong năm nay, chủ động giảm diện tích vụ đông xuân các vùng đã bị ảnh hưởng ở năm 2020; tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn nước, tích trữ nước và bơm hút khi cần. Khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả. Trong các kỳ triều kém ở tháng 2, các địa phương chủ động tích nước ngay khi có thể để ứng phó với những tác động từ việc giảm xả thủy điện ở Trung Quốc.
Vùng thượng ĐBSCL: nguồn nước đảm bảo cho sản xuất, các địa phương cần chủ động sản xuất sớm vụ đông xuân nhằm giảm sử dụng nước các tháng kiệt. Tăng cường các giải pháp cấp nước cho các vùng núi cao thuộc Tri Tôn, Tịnh Biên đề phòng hạn ở các vùng này.