Kết quả sau những chuyến khảo sát thực địa gần đây cùng với những số liệu từ các Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (BĐKH) được các nhà khoa học, chuyên gia chia sẻ cho thấy, ĐBSCL đang đứng trước tác động kép bởi BĐKH cùng với các dự án phát triển hệ thống đập thủy điện trên dòng sông Mekong. Người dân ĐBSCL bắt đầu hứng chịu những thiệt hại trực tiếp, ảnh hưởng đến SX nông nghiệp và đời sống dân sinh. Từ đó cho thấy sự cần thiết các bên liên quan phải xem xét lại tính cân bằng giữa lợi ích kinh tế và giá trị môi trường bền vững trong khai thác dòng Mekong.
Công trình đập Ba Lai ngăn mặn, giữ ngọt khi ĐBSCL thiếu nước vào mùa khô. |
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (Đại học Cần Thơ), quanh lưu vực sông Mekong có 60 triệu người sinh cư. Dòng Mekong chảy qua 6 quốc gia, với sự đa dạng sắc thái văn hóa và đời sống SX của nhiều dân tộc khác nhau, trong đó có 85% dân nghèo sống ven sông, rạch, ao hồ, đầm lầy…, và cá là nguồn dinh dưỡng chủ yếu, gạo là thức ăn chính trong bữa ăn hằng ngày của họ.
Đặc biệt sông Mekong còn là lưu vực rộng lớn có hệ sinh thái đa dạng, độc đáo bậc nhất trên thế giới. Riêng ĐBSCL với hơn 18 triệu dân sinh cư là vùng SX nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam, chiếm 53% sản lượng lúa gạo, 80% sản lượng thủy sản và 75% sản lượng trái cây xuất khẩu. Tuy nhiên sự trù phú và sinh cư của hàng triệu người dân vùng ĐBSCL đang bị đe dọa, thách thức nghiêm trọng về an ninh nguồn nước từ dòng sông mẹ Mekong.
Dự báo mối lo ngại không còn xa trước những dự án xây dựng đập thủy điện khổng lồ và dày đặc trên vùng thượng nguồn, tuy một số dự án chưa đưa vào vận hành nhưng đã thấy rõ 2 thách thức lớn đe dọa: Nguồn nước và lượng phù sa đổ về vùng hạ lưu suy giảm đáng kể. Tất cả khiến ĐBSCL, vùng đất cuối cùng thường được dòng Mekong tưới tắm nay bắt đầu thay đổi theo hướng tiêu cực.
“Diện tích canh tác lúa có thể bị thu hẹp do xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền. Suốt 90 năm qua, từ năm 1926 đến những năm gần đây, lũ trên sông Mekong giảm dần. Theo số liệu từ Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) thì vào năm 1994, dòng sông cung cấp lượng phù sa 160 triệu tấn/năm ra cửa biển nhưng đến năm 2014 chỉ còn lại 75 triệu tấn, tức là giảm gần 2/3. Cùng với những tác động sạt lở vùng ven biển do giảm sút phù sa, các hoạt động kinh tế- xã hội và việc khai thác cát gây ra thì tính ra bình quân ĐBSCL mất khoảng 500 ha đất/năm”, PGS.TS Tuấn dẫn chứng.
Mặt khác, trong những năm trở lại đây ĐBSCL được các chuyên gia đánh giá ngày càng trở nên mong manh và dễ tổn thương trước các tác động từ hiệu ứng thời tiết cực đoan gây ra bởi BĐKH. Sự thay đổi mạnh mẽ chế độ mưa hàng năm, gia tăng triều cường vùng cửa sông và ven biển, cùng với gia tăng nhiệt độ đã mau chóng tạo ra sự thiếu hụt nguồn nước mặt, sụt giảm lượng nước ngầm và tăng diện tích “mặn hóa” do xâm nhập mặn.
Trong bối cảnh các nước thượng nguồn tiếp tục xúc tiến xây đập thủy điện và diễn biến thời tiết bất thường, nguy cơ khan hiếm nguồn nước mặt và sụt giảm trữ lượng nước ngầm ở ĐBSCL đã đến hồi báo động: Nguồn nước suy giảm cả về số lượng, chất lượng; Mất phù sa dinh dưỡng đe dọa mất nguồn cá; Đa dạng sinh học bị đe dọa nghiêm trọng, nhiều loài động-thực vật có thể mất đi; Khả năng xảy ra di dân do xáo trộn đời sống SX và sinh cư trong vùng là rất lớn.
Lúc đó tình hình sẽ ra sao? Các chuyên gia cảnh báo, một kịch bản xấu nhất trong tương lai là sụt lún làm tan rã vùng đồng bằng rộng lớn nhất Việt Nam là khó tránh khỏi. Vì vậy nhiều ý kiến tham luận của cộng đồng, báo chí, nhà khoa học yêu cầu các quốc gia trong lưu vực có trách nhiệm chia sẻ lợi ích hài hòa, phát huy tiềm năng tối ưu và các giải pháp giảm thiểu thiệt hại do tác động từ các dự án khai thác nguồn lợi từ sông Mekong - Một lưu vực rộng lớn với tài nguyên trù phú và những nền văn hóa đa dạng, chứa đựng nhiều tiềm năng lớn cho sự thịnh vượng chung của hàng chục triệu người dân.
+ Bà Maureen Harris, Giám đốc khu vực Đông Nam Á - Tổ chức Sông ngòi Quốc tế: "Cập nhật tiến độ các dự án xây dựng đập thủy điện tại Lào đến nay cho thấy, đập Xayyaburi đã hoàn thiện 75%, dự kiến hoàn thành và vận hành thương mại vào năm 2019. Dự án này đang đầu tư thêm 400 triệu USD vào thiết kế dự án, bao gồm cải thiện lưu thông trầm tích, đường cá đi, giám sát cá, thang cá. Đập Don Sahong khởi công tháng 1/2016, hoàn tất xây dựng đập bao, kênh Hou Sahong cũng đã bị chặn vào tháng 6/2016, bắt đầu xây dựng nhà máy phát điện vào tháng 8/2016 và dự kiến hoàn thành, vận hành thương mại vào năm 2019. Đập Pak Beng do chủ đầu tư Cty Datang Corporation (Trung Quốc) xây dựng". + TS. Dương Văn Ni, ĐH Cần Thơ, chuyên gia nông nghiệp ĐBSCL: "Nguồn nước đang thay đổi. Dù nguyên nhân gì khiến nguồn nước thay đổi thì các quốc gia trong lưu vực đều chịu chung tác động: Thiệt hại! Tác động của đập thủy điện với trầm tích quan trọng hơn lượng nước. Có thể ví lưu vực sông Mekong là một thực thể sống, hồ Tonle Sap là trái tim và các dòng sông là mạch máu. Nó không cần trái tim lớn hơn mà cần một trái tim biết đập. Nó không cần thêm máu mà cần dòng máu chảy. Do đó bất kỳ sự phát triển nào ở lưu vực sông Mekong đều phải quan tâm tới sự thay đổi nguồn nước” + Ông Nguyễn Nhân Quảng, chuyên gia về quản lý lưu vực sông: "Xu hướng sử dụng nước cho tưới của các nước trong hạ lưu vực Mekong cho thấy: Thái Lan có kế hoạch xây dựng mới và cải tạo hệ thống tưới tiêu, dẫn nước, chuyển nước trên quy mô lớn. Thái Lan hiện có nhiều công trình tưới nhất (6.388 công trình), nằm dọc hành lang các sông và các cánh đồng ngập lũ ở vùng đông bắc, quanh các hồ chứa nước dung tích lớn và các đập dâng nhỏ. Thái Lan dự kiến có 990 dự án ở vùng này, chủ yếu là chuyển/bơm nước từ sông Mekong. Lào hiện có diện tích tưới là 166.476 ha, theo kịch bản phát triển đến năm 2030 sẽ mở rộng thêm 213.062 ha. Campuchia với 75% trong tổng diện tích 3,7 triệu ha canh tác là trồng lúa. Việc tưới vẫn chủ yếu là nhờ trời mưa. Campuchia đang đầu tư và hợp tác với nước ngoài xây dựng các hệ thống đầu mối và kênh mương, đa số thuộc lưu vực Mekong. Diện tích tưới hiện tại hơn 504.000 ha, đến 2030 sẽ mở rộng thêm 772.500 ha và xây mới cho 6.000 ha". |