Hàng ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp dọc theo tuyến đê biển Tây dài hơn 92 km từ Kiên Giang đến Cà Mau đang bị sóng biển cuốn trôi hằng ngày.
Đứng trên đoạn đê Rạch Dinh - Lung Ranh ấp 1, xã Khánh Tiến, huyện U Minh (Cà Mau) dài trên 650m mới thấy hết mối nguy hiểm khi sóng biển đã cuốn trôi hoàn toàn rừng phòng hộ ven biển và đang ăn sâu vào chân đê. Ông Nguyễn Văn Hùng có trên 20 năm sinh sống ở đây cho biết: "Cách đây một năm biển vẫn còn rất xa, từ đê ra biển ngăn cách bởi tán rừng đước dài trên 200 m, nhưng nay chẳng còn một cây nào".
Chính quyền cũng đã nỗ lực gia cố đê ngăn sóng, tuy nhiên theo ông Huỳnh Công Hiệu, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Tiến, thì "công tác vận chuyển vật tư vô cùng khó khăn. Hàng trăm người dầm mình trong mưa gió để bảo vệ đê, tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tạm thời".
Cùng chung nhận định trên, ông Phạm Văn Sóng, Trưởng phòng NN - PTNT huyện U Minh cho biết: Những đoạn gia cố này rất tạm bợ, khó có thể bảo vệ đê trong mùa mưa bão. Hiện tại, những đoạn đê vừa mới gia cố thì nhiều cừ tràm đã bị sóng đánh sạt. Rừng phòng hộ từ chân đê ra biển trên 100 m đã bị sóng "nuốt" mất từ lâu. Toàn bộ khu vực này có hơn 10 hộ sống ngoài đê, địa phương nhiều lần vận động vào nơi an toàn nhưng hầu hết đều không có đất sản xuất nên cứ bám biển mà sinh sống.
Còn tại khu du lịch sinh thái ven biển Mũi Cà Mau và bãi Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) cũng đang bị sóng "xẻ thịt" từng ngày, nhất là vào lúc gió mùa Tây Nam hoạt động. Từ Nhà hàng Đất Mũi đến biểu tượng Mũi Cà Mau dài gần 200 m đã bị lở mất từ 5 – 20 m.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi Cục trưởng Chi Cục thủy lợi Cà Mau cho biết: “Hai ba năm trở lại đây sạt lở do sóng biển càng lúc càng nghiêm trọng. Tuy chưa có đánh giá cụ thể nhưng theo quan sát của chúng tôi, chủ yếu do sự biến đổi khí hậu. Để đảm tính mạng và tài sản của nhân dân thì việc thi công làm mới đoạn đê dài 680 m tại U Minh là việc làm cấp thiết.