| Hotline: 0983.970.780

Nguyên tắc 'không hối tiếc' khi đầu tư công trình thủy lợi ở ĐBSCL

Thứ Hai 27/05/2024 , 14:51 (GMT+7)

Việc đầu tư thủy lợi cho vùng ĐBSCL là cần thiết, nhưng phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển của toàn vùng.

Thời gian qua, đã có nhiều ý kiến bàn luận xoay quanh vấn đề đầu tư công trình thủy lợi để kiểm soát mặn, ngọt vùng ĐBSCL. Mặc dù có nhiều ý kiến trái ngược nhau, nhưng tựu chung đều hướng tới sự phát triển ổn định, bền vững cho người dân ĐBSCL.

Và tất nhiên không thể phủ nhận, những tháng đầu mùa khô 2023 - 2024, với diễn biến gay gắt của hạn mặn, các công trình thủy lợi đã được đầu tư đang phát huy hiệu quả rõ nét trong việc kiểm soát mặn, ngọt, đảm bảo an toàn cho các vùng sản xuất.

Giữa tâm điểm hạn mặn năm 2024, những công trình thủy lợi đã phát huy hiệu quả rõ nét trong việc đảm bảo an toàn cho diện tích sản xuất nông nghiệp của các địa phương vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Giữa tâm điểm hạn mặn năm 2024, những công trình thủy lợi đã phát huy hiệu quả rõ nét trong việc đảm bảo an toàn cho diện tích sản xuất nông nghiệp của các địa phương vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Tuy nhiên, để quản lý cũng như có cơ chế vận hành nghiêm ngặt, phù hợp cho các công trình thủy lợi, chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp đã chia sẻ quan điểm về giải pháp đầu tư theo nguyên tắc “không hối tiếc”.

Nguyên tắc này được ông Hiệp lý giải, với những thay đổi nhanh chóng từ điều kiện tự nhiên cho đến sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, biến động của thị trường, nhiều vấn đề sẽ dần trở nên lạc hậu.

Vì thế, tất cả các công trình đầu tư xây dựng, trong đó có những công trình thủy lợi phải hết sức cân nhắc, vừa đáp ứng nhu cầu của hiện tại, nhưng phải nhìn tới xu hướng phát triển của tương lai.

Những năm gần đây, các nhà môi trường trên thế giới, đặc biệt là các chuyên gia trong và ngoài nước khi thực hiện tham vấn cho Quy hoạch vùng ĐBSCL đã đề cập rất nhiều đến nguyên tắc “không hối tiếc” hay ít hối tiếc nhất khi đầu tư các công trình thủy lợi ở đồng bằng. Ông Hiệp cho rằng, nguyên tắc này cần được hiểu là cách thức quản trị về rủi ro.

“Những điều chúng ta chưa chắc chắn, cần phải có những giải pháp để ít rủi ro nhất. Như vậy, khi quyết định đầu tư những công trình lớn, có tính biến động nhanh, phải hết sức cân nhắc, tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau”, chuyên gia Trần Hữu Hiệp phân tích.

Chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp chia sẻ về nguyên tắc 'không hối tiếc' khi đầu tư các công trình thủy lợi ở vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp chia sẻ về nguyên tắc “không hối tiếc” khi đầu tư các công trình thủy lợi ở vùng ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Đứng trước nhiều ý kiến của chuyên gia cho rằng giải pháp công trình kiểm soát mặn, ngọt hiện nay chưa hợp lý, cần phải thay đổi, theo ông Hiệp, thủy lợi ngoài mang lại những lợi ích về tài nguyên nước, sẽ kèm theo yếu tố “thủy hại”.

Đồng nghĩa, nếu quá trình đầu tư đi ngược lại với quy luật tự nhiên hay làm thay đổi điều kiện tự nhiên và nhu cầu phát triển, hiệu quả của công trình sẽ trở nên đối nghịch. Do đó, những ý kiến trái chiều về việc đầu tư một số công trình thủy lợi cần được ghi nhận và đánh giá kỹ lưỡng.

Ông Hiệp cho rằng, trước đây việc đầu tư công trình thủy lợi hướng đến phục vụ cho mục tiêu lớn là ngăn mặn, giữ ngọt. Điển hình, một số dự án đầu tư ở vùng ngọt hóa như bán đảo Cà Mau, huyện Gò Công (tỉnh Tiền Giang)… Điều này không sai với yêu cầu phát triển ở thời điểm đó, khi các địa phương vùng ĐBSCL hướng đến một chương trình lương thực quốc gia và xuất khẩu.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, sự phát triển của tự nhiên và kinh tế xã hội đã có sự thay đổi. Cơ cấu phát triển nông nghiệp ĐBSCL được dịch chuyển từ lúa gạo, trái cây, thủy sản sang thủy sản, trái cây, lúa gạo.

Nhất là từ thời điểm Quy hoạch vùng ĐBSCL và Quy hoạch của 13 tỉnh, thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã hình thành rất rõ 3 vùng nước ngọt, nước lợ, nước mặn. Tương ứng với các vùng là những kịch bản phát triển khác nhau. Không chỉ trồng lúa, các địa phương đều ưu tiên phát triển mặt hàng cây ăn trái và tận dụng lợi thế nguồn nước để nuôi trồng thủy sản.

Tình trạng sụt lún, sạt lở đã ảnh hưởng chia cắt một số tuyến đường tại vùng đệm U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang trong mùa khô 2023 - 2024. Ảnh: Kim Anh.

Tình trạng sụt lún, sạt lở đã ảnh hưởng chia cắt một số tuyến đường tại vùng đệm U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang trong mùa khô 2023 - 2024. Ảnh: Kim Anh.

Thực tế chứng minh, trong mùa khô 2023 - 2024, tại các vùng ngọt hóa đã xuất hiện tình trạng sụt lún các tuyến đường giao thông. Do đó, ông Hiệp bày tỏ quan điểm, cần phải xem xét, rà soát lại vấn đề ngọt hóa với những công trình thủy lợi.

Ông Hiệp nhấn mạnh, đầu tư cho thủy lợi là cần thiết, nhưng phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương. Không chỉ nhìn ở góc độ một tỉnh, thành mà tôn trọng quy luật vận hành của tự nhiên và yêu cầu phát triển của toàn vùng ĐBSCL. Như thế mới đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời gian tới.

Xem thêm
Kim ngạch song phương Việt Nam - Dominicana có thể đạt 500 triệu USD

Sáng 26/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc với đoàn đại biểu cấp cao Bộ Nông nghiệp nước CH Dominicana, do Bộ trưởng Limber Cruz dẫn đầu.

Đồng Tháp xây dựng Đề án tiên phong về 'tam nông'

Mục tiêu đề án nhằm đưa Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh đến năm 2030.

VinFast VF 3 - 'chân ái' sang xịn mịn của dân văn phòng

Với mức giá chỉ từ 240 triệu đồng, chính sách trả góp hơn 2 triệu đồng/tháng, thiết kế nhỏ gọn và phong cách, VF 3 đang là cái tên 'hot rần rần' với người dùng Việt, đặc biệt là giới văn phòng, công sở.

Tác giả của 'quả bom bán bản quyền giống' nói về truyền thông chân chính

Lúc tôi sang trường, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm tất tả từ đồng về, mặt lo âu: 'Cô đang cho gặt dòng mẹ đóng bao chờ chở về nhưng gặp mưa sẽ phải hong đây'.

Bình luận mới nhất