| Hotline: 0983.970.780

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Cây bút trẻ vững chãi giữa phong ba

Thứ Bảy 22/06/2024 , 08:52 (GMT+7)

Võ Mạnh Hùng là nhà báo thế hệ 9X. Anh là một cây bút đầy nội lực, và là một thương hiệu lớn trong làng báo lĩnh vực tài nguyên môi trường.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng trong một chuyến tác nghiệp miền núi. Ảnh: Mạnh Hùng.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng trong một chuyến tác nghiệp miền núi. Ảnh: Mạnh Hùng.

“Trái tim nóng” của người làm báo góp phần thức tỉnh xã hội!

Thuộc thế hệ phóng viên 9X nhưng anh là một trong số rất ít những nhà báo đang sở hữu một thành tích làm nghề vô cùng lớn, và hầu hết ở thể loại phóng sự, phóng sự điều tra dài kỳ. Tôi nhận thấy, những đề tài mà anh theo đuổi phần lớn thuộc lĩnh vực môi trường, như bảo vệ rừng, ô nhiễm môi trường… Vì sao lĩnh vực này lại cuốn hút cá nhân anh như vậy?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Đúng là lĩnh vực môi trường có “sức níu kéo” rất mãnh liệt với tôi. Nói đến môi trường là nói đến sự sống. Tiếc rằng môi trường sống trong thời gian qua lại chứa quá nhiều gam màu đen tối và sự đau thương. Điều đó khiến tôi không thể đứng nhìn.

Tôi vẫn nhớ như in kỷ niệm buồn khi chứng kiến cảnh tượng cả con đường mang tên “thuốc bắc tẩm bụi” ở một tỉnh miền Trung, khi tôi mới sinh viên năm thứ nhất, bắt đầu tập tành đi tìm hiểu thực tế để viết báo. Đó là cảnh tượng muôn thứ rễ cây rừng đã chặt thành từng khúc lớn nhỏ được các “con buôn” đi thu gom về, rồi đem phơi tràn lan ven đường quốc lộ, hằng ngày được “tẩm ướp” bằng bụi bẩn.

Những thứ người ta sử dụng làm “thuốc bắc” đó, không cần biết bụi bẩn và nấm mốc, chỉ cần qua vài ba đợt nắng lại được chất vào các bao tải và tuồn tới những cơ sở thuốc bắc ở muôn nơi để chữa bệnh, bất chấp sức khỏe, tính mạng của con người.

Tôi đã chứng kiến cảnh tượng những dòng kênh đen đặc kèm với mùi hôi thối từ những làng nghề, nhà máy ở tỉnh Bắc Ninh chảy thẳng ra sông Ngũ Huyện Khê (tỉnh Bắc Ninh) khiến con sông này bị ô nhiễm nặng nề. Nhức nhối nhất là cảnh tượng cá chết hàng loạt ở ven biển 4 tỉnh miền Trung từ sự cố “thảm họa môi trường biển Fomasa Hà Tĩnh” vào năm 2016.

Hay cảnh tượng hơn 100 hộ dân ở xã Bài Sơn (huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) bị tra tấn bởi tiếng ồn và “sự cố” khói bụi do hoạt động xả thải từ Nhà máy xi măng Sông Lam khiến họ không có giấc ngủ ngon. Quá sức chịu đựng và lo cho tương lai của con cái, họ đã nhiều lần viết đơn cầu cứu tới các cấp thẩm quyền (trong đó có 2 bức tâm thư cầu cứu tới Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường), song một thời gian dài vẫn không được giải quyết, khiến họ mất niềm tin và phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm!

Và còn đó rất nhiều, rất nhiều vấn đề môi trường nhức nhối khác. Những cảnh tượng, sự cố, thảm họa môi trường đó, khiến tôi luôn trăn trở và quyết tâm làm điều tử tế. Vì thế, tôi chọn cách dấn thân, sử dụng ngòi bút trách nhiệm và tử tế của người làm báo để đấu tranh chống lại các hành vi gây hại tới môi trường, với hy vọng để không xảy ra một “Formosa thứ hai”, qua đó góp phần bảo vệ môi trường cho đất nước! 

Những câu chuyện về môi trường, với Võ Mạnh Hùng luôn là trách nhiệm của người cầm bút (Trong ảnh: Người dân cung cấp những hình ảnh về môi trường sống bị hủy hoại tới nhà báo Hùng Võ).

Những câu chuyện về môi trường, với Võ Mạnh Hùng luôn là trách nhiệm của người cầm bút (Trong ảnh: Người dân cung cấp những hình ảnh về môi trường sống bị hủy hoại tới nhà báo Hùng Võ).

Lĩnh vực môi trường rất rộng và môi trường tác nghiệp những đề tài này đều rất gian truân do địa hình miền núi, vùng sâu vùng xa; những nguy hiểm tiềm tàng cũng rất nhiều. Đề tài này cũng có rất nhiều đồng nghiệp tham gia bởi dường như nó có “sức hút” riêng đối với người làm báo, đặc biệt là nghiệp vụ điều tra. Dường như, anh lại có một phong cách riêng?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Tôi quan niệm rằng, để đấu tranh, tuyên truyền hiệu quả, thì tác phẩm báo chí cũng cần phải là “mâm thông tin” đặc biệt, chứ không phải giật tít câu view. Chính vì vậy, mỗi khi trển khai một loạt bài chuyên đề nào đó, tôi luôn đặt mục tiêu sẽ đi đến cùng của vấn đề; quyết tâm tìm ra các giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề hiệu quả nhất cũng như hiệu ứng tích cực, góp một phần nhỏ nhoi để làm cuộc sống tốt đẹp hơn, làm điều có ích cho cộng đồng.

Một yêu cầu khác tôi đặt ra khi đầu tư triển khai các tuyến bài chuyên sâu, là tuyệt đối không thổi phồng vấn đề trong phạm vi hẹp, không được phép hô biến thông tin vấn đề theo kiểu “chuột hóa thành voi” hay “làm to chuyện” vấn đề nhỏ trong một điểm, một huyện - tỉnh bằng cách dùng cây bút (chổi bút) để tô vẽ với các gam màu kinh điển hay phóng đại, miêu tả độ lớn của vấn đề, hình ảnh qua chiếc kính lúp. Bởi như vậy là sai bản chất vấn đề. Bạn đọc bây giờ tinh, sáng lắm!

Thay vào đó, tôi xác định cần phải làm thẳng, khách quan, toàn diện, đúng luật. Đặc biệt là không thỏa hiệp, bởi đó là điều cấm kỵ. Nếu dễ dãi sẽ lệch hướng, mất thông tin hay; quan trọng hơn là sẽ không thể đi tận cùng tới sự thật, không thể giải quyết được vấn đề.

Để có được thông tin đầy đủ, chất lượng cho loạt bài thì cần phải có sự đầu tư bài bản ngay từ đầu từ khâu chuẩn bị. Đơn cử như loạt bài “Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế” được giải A (Giải báo chí Quốc gia năm 2022), tôi đã đã dành thời gian nhiều ngày nghiên cứu, tìm hiểu địa bàn và chuẩn bị gần 40 bộ câu hỏi (mỗi bộ 6-8 câu) để đến nhiều tỉnh liên hệ, làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo Sở TN-MT, chính quyền cấp huyện, xã…

Khi đã có được kho thông tin, nguồn dữ liệu quý trong tay, tôi tiếp tục dành gần 2 tháng nghiên cứu tài liệu và liên hệ phỏng vấn giới chuyên gia, các bộ, ngành, cơ quan quản lý, đại biểu Quốc hội; sau đó trực tiếp xây dựng loạt bài…

Nhà báo Võ Mạnh Hùng nhập vai trong loạt bài xóa sổ địa ngục chim trời ở Long An. Ảnh: Tư liệu.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng nhập vai trong loạt bài xóa sổ địa ngục chim trời ở Long An. Ảnh: Tư liệu.

Tôi có theo dõi nhiều loạt bài của anh và cực kỳ ấn tượng đối với loạt bài về bẫy bắt chim trời ở vùng ĐBSCL. Một tuyến bài như thế, anh chuẩn bị công phu thời gian tính bằng nhiều tháng?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Loạt bài điều tra “Đặc vụ xóa sổ ‘địa ngục chim trời’: Cuộc chiến không khoan nhượng” tôi triển khai từ năm 2020. Tác phẩm này đã tạo ra hiệu ứng rất mạnh, dù đây là loạt bài mà tôi đầu tư ít thời gian nhất trong số các loạt bài chuyên đề công phu mà tôi đã triển khai và được giải báo chí trong suốt hơn 12 năm qua.

Khu vực tôi lựa chọn tìm hiểu là ĐBSCL, mà tâm điểm là khu chợ nông sản huyện Thạnh Hóa, thuộc tỉnh Long An. Đây là khu chợ nông sản trá hình, nơi tập kết, tàng trữ và diễn ra hoạt động giết thịt, mua bán động vật hoang dã, đặc biệt là chim trời lớn nhất cả nước), hoạt động buôn bán muông thú, chim trời đã diễn ra trong suốt hơn 20 năm qua, rất nhiều báo đã phản ánh nhưng thực trạng vẫn không thay đổi.

Tôi đã dành 1 tuần để đi vào thực tế tìm hiểu. Quá trình ghi nhận cho thấy khu chợ nông sản Thạnh Hóa của tỉnh Long An, mỗi ngày có tới hàng trăm nghìn cá thể chim, cò tự nhiên và rùa, rắn các loại bị giam nhốt trong vô số lồng sắt, lần lượt bị lôi ra đập đầu, vặt lông, thui sống... khiến bất cứ ai đi qua cũng không khỏi rùng mình.

Thậm chí, tại khu chợ có một không hai này còn có cả cả những đường dây xuất lậu, tuồn bán một lượng lớn “hàng sống” và “hàng đông lạnh” động vật hoang dã đi các tỉnh, thành phố trên cả nước để tiêu thụ, theo đủ đường vận chuyển từ đường bộ, đường tàu đến cả đường hàng không.

Để hình thành được vùng “đặc khu” buôn bán, sát hại động vật hoang dã quy mô lớn nhất nước và tồn tại suốt hơn chục năm qua, các đầu nậu đã săn bắt, gom “hàng” từ tự nhiên, từ các cơ sở gây nuôi thương mại trá hình. Đây cũng là “khối băng chìm” đang bị các đối tượng xấu lợi dụng để “khai thác,” gây khó khăn cho công tác bảo tồn, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh...

 
Tội ác của con người khi đánh bắt, buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm dưới góc điều tra của nhà báo Võ Mạnh Hùng. Ảnh: Tư liệu.

Tội ác của con người khi đánh bắt, buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm dưới góc điều tra của nhà báo Võ Mạnh Hùng. Ảnh: Tư liệu.

Thực tế ghi nhận đã quá rõ ràng để tôi triển khai ngay loạt bài “nóng” trong thời gian đang là “tâm điểm dịch covid”. Nhưng tôi không chọn cách làm đó, bởi tôi không muốn làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” rồi câu chuyện lại như cũ. Tôi đã lên kế hoạch bài bản là “phối hợp điều tra, truy quét bất ngờ” với sự đồng hành của Đội đặc nhiệm Cục Lâm nghiệp.

Sở dĩ, tôi chọn cách làm này bởi một trong những lý do quan trọng khiến vấn nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép vô tư tồn tại trong suốt hơn 10 năm qua tại huyện Thạnh Hóa là do có sự lơ là, làm ngơ, thiếu trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm địa bàn. Rất may, đề xuất của tôi đã được lãnh đạo Cục Kiểm lâm đồng ý và phối hợp hiệu quả theo tinh thần “đánh chắc, triệt để”.

Một tuần sau đó, lãnh đạo Cục Kiểm lâm đã cử Đội Đặc nhiệm của Cục vào phối hợp điều tra. Trên cơ sở bằng chứng sau 5 ngày chúng tôi ghi nhận được, đoàn công tác đã triển khai “cuộc truy quét bất ngờ” trước sự bị động của lực lượng chức năng địa phương cũng như các con buôn, đầu nậu tại chợ. Nhờ đó, nhiều đối tượng buôn bán động vật hoang dã tại đây đã không thể tẩu tán tang vật. Rất nhiều cá thể động vật hoang dã quý, hiếm không rõ nguồn gốc bị buôn bán trái phép như rái cá, các loài rắn, các loài chim… sau đó đã được giải cứu, tái thả về tự nhiên.

Loạt bài đã gây tác động xã hội mạnh mẽ. Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị địa phương kiểm tra, xử lý dứt điểm; Chủ tịch tỉnh Long An ngay lập tức cũng đã yêu cầu họp khẩn, giao các Sở, ngành, đơn vị liên quan vào cuộc điều tra; xử lý vi phạm hành chính các đối tượng vi phạm; gắn thiết bị camera kiểm soát các hoạt động tại chợ “nông sản trá hình” Thạnh Hóa; gắn biển nghiêm cấm các hoạt động buôn bán động vật hoang dã không rõ nguồn gốc cũng như trái pháp luật.

Không có sự thỏa hiệp khi bảo vệ môi trường sống!

Anh có bao giờ bị mua chuộc, đe doạ? Và anh đối phó, xử lý những tình huống đó như thế nào?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Có chứ. Thẳng thắn mà nói là phần lớn các loạt bài chuyên sâu mà tôi thực hiện và đã được các giải thưởng báo chí cao, đều là những đề tài “nóng” và địa điểm tiếp cận rất phức tạp. Vì thế, việc bị đe dọa hay các đối tượng ngỏ ý “mua sự im lặng” là có xảy ra. Tuy nhiên, một trong những yêu cầu mà tôi đặt ra khi triển khai các loạt bài chuyên đề là sẽ không thỏa hiệp, bởi đó là điều cấm kỵ, không được phép. Tôi cũng luôn nhắc nhớ rằng nếu dễ dãi sẽ lệch hướng, mất thông tin hay; quan trọng hơn là sẽ không thể đi tận cùng tới sự thật, không thể giải quyết được vấn đề.

Một thảm họa phá hủy môi trường bởi khai thác tài nguyên khoáng sản tận diệt tại Thanh Hóa mà nhà báo Hùng Võ vào cuộc phản ánh. Ảnh: Tư liệu.

Một thảm họa phá hủy môi trường bởi khai thác tài nguyên khoáng sản tận diệt tại Thanh Hóa mà nhà báo Hùng Võ vào cuộc phản ánh. Ảnh: Tư liệu.

Vậy những lúc đó xử lý ra sao để trước hết là đảm bảo an toàn cho chính mình? Điều này quả thực rất khó nói, bởi không ai có thể nói tài được rằng mình luôn an toàn trong điểm nóng!

Thực tế, điều tra báo chí cũng khác điều tra của công an và các cơ quan chức năng khác. Nhà báo cũng không phải là công chức thi hành công vụ, được hỗ trợ công cụ bảo vệ và hành lang pháp lý đặc thù để thực hiện nhiệm vụ, khi điều tra nhập vai có dấu hiệu nguy hiểm, liên quan các hành vi vi phạm pháp luật.

Tôi chỉ xin chia sẻ một chút kinh nghiệm đối phó, xử lý khi gặp những tình huống bị mua chuộc, đe dọa mà tôi đã cố gắng vượt qua, đó là cần phải bình tĩnh, tỉnh táo, linh hoạt, tốt nhất là nên “mềm dẻo” với đối phương để tạo niềm tin; tuyệt đối không gây sức ép, hay làm nóng vấn đề.

Một điều quan trọng khác là cần thiết lập được mối quan hệ “bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn” với lãnh đạo, cán bộ cơ quan chức năng địa phương khi tìm hiểu vấn đề nóng ở trên địa bàn chúng ta đến để đề phòng trường hợp ngoài ý muốn…

Đề tài miền núi luôn có sức hấp dẫn đối với người làm báo. Còn lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp… Anh có dự định gì đối với lĩnh vực này?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Như tôi chia sẻ ở trên, trong thực tiễn cuộc sống hiện nay thì lĩnh vực nào cũng là “mỏ đề tài” nếu chúng ta thực sự quan tâm và cũng luôn cần báo chí khai thác, đấu tranh phản biện, tuyên truyền để giúp các ngành phát triển vững mạnh hơn.

Một hình ảnh trong loạt bài của Nhà báo Hùng Võ: 'Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế'. Ảnh: VietnamPlus.

Một hình ảnh trong loạt bài của Nhà báo Hùng Võ: “Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế”. Ảnh: VietnamPlus.

Riêng với nông thôn, nông nghiệp được xem là siêu lĩnh vực ở nước ta hiện nay thì đây là “mỏ vàng đề tài” rất lớn. Tôi là một người sinh ra từ một vùng quê nông thôn, gia đình cũng từng làm nông nghiệp nên tôi rất thích thú lĩnh vực này.

Tôi cũng đã từng được giải A Giải báo chí quốc gia năm 2018 khi viết về vấn đề bảo vệ rừng ở nhiều tỉnh trên cả nước. Đó là loạt bài “Tội ác dưới những tán rừng xanh: Cửa đóng nhưng ruột vẫn rỗng”. Đây là loạt bài tôi thực hiện trong quãng thời gian 8 tháng khi cơ quan phân công hỗ trợ đồng nghiệp (đang trong giai đoạn nghỉ sinh em bé) theo dõi ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Môi trường báo chí đang có nhiều biến đổi. Cách thức tác nghiệp, tư duy làm báo… ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp hơn nhưng cũng vì thế mà đánh mất nhiều cảm xúc hơn khi đi làm nghề. Anh nuôi dưỡng cảm xúc của mình như thế nào để cân bằng trước những yêu cầu của cơ quan báo chí hiện đại?

Nhà báo Võ Mạnh Hùng:  Tôi nghĩ rằng làm nghề gì cũng cần có tình yêu, niềm đam mê và trách nhiệm. Nếu không có “trái tim đủ nóng” thì ắt hẳn hiệu quả công việc cũng sẽ không cao. Và nếu không chăm lo cho “nồi cơm” của mình thì cũng sẽ khó có được cơm ngon được.

Tất nhiên, để duy trì được tình yêu cũng như sự nhiệt huyết của phóng viên với tòa soạn, cơ quan báo chí thì sự quan tâm, động viên, hỗ trợ của ban lãnh đạo tòa soạn, cơ quan báo chí là rất quan trọng. Không chỉ với bản thân tôi mà chắc chắn rằng với phần lớn phóng viên, nhà báo làm chuyên môn trong bối cảnh hiện nay, thì sự quan tâm, hỏi han của lãnh đạo cơ quan là điều đáng quý nhất, hơn cả tiền bạc. Cơ quan nơi tôi đang công tác, lãnh đạo, Ban biên tập của chúng tôi luôn là những người sâu sát, động viên, theo dõi từng bước đi của phóng viên, động viên chia sẻ đối với những “lính chiến” ngoài “chiến trường”.

Xin cảm ơn Nhà báo Võ Mạnh Hùng!

Nhà báo Võ Mạnh Hùng (bút danh Hùng Võ) hiện đang công tác tại Báo điện tử VietnamPlus, trực thuộc TTXVN. Hơn 12 năm làm báo, anh đã nhận được hơn 40 giải thưởng báo chí cấp quốc gia và toàn quốc. Trong số đó, ấn tượng nhất là “bộ sưu tập” giải thưởng danh giá với 9 lần nhận Giải Báo chí Quốc gia (bao gồm 5 giải A, 2 giải B và 2 giải C).

2 lần nhận Giải Báo chí về xây dựng Đảng (Búa Liềm vàng) trong đó có 1 Giải A và 1 giải C; 3 lần nhận Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại, trong đó có 1 giải Nhất và 2 giải Ba; 2 lần nhận giải B Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; và các giải thưởng báo chí khác về phát triển bền vững, tài nguyên môi trường, phòng chống thiên tai, và giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam.

Xem thêm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến La Habana, bắt đầu thăm Cuba

Tối 25/9 theo giờ địa phương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã đến Sân bay quốc tế Jose Marti, Cuba.

Đại hội đại biểu lần thứ V Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam

Sáng 27/9, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V nhiệm kỳ 2024 - 2029; kỷ niệm 20 năm xây dựng và phát triển.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Cách chức Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình vì lùm xùm vụ điểm thi lớp 10

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình Nguyễn Viết Hiển bị cách chức vì liên quan vụ lùm xùm thi đầu vào lớp 10 năm học 2024 – 2025.

Bình luận mới nhất