| Hotline: 0983.970.780

'Nhà báo hỏi đào rừng à? Đi chỗ khác đi...'

Thứ Năm 04/02/2021 , 08:09 (GMT+7)

'Người Mông bọn ta ít học, bụng không nhiều chữ như nhà báo đâu. Đi chỗ khác đi...', người Mông bán đào dọc Quốc lộ 6, Sơn La tỏ ý xua đuổi người lạ.

Xồng A Túa, người Mông ở xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La mang đào đi bán. Ảnh: Bảo Thắng.

Xồng A Túa, người Mông ở xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La mang đào đi bán. Ảnh: Bảo Thắng.

Cháo loãng, thịt chuột

Gác con chuột rừng vừa nướng chín vào góc lều, Xồng A Túa khệ nệ bưng chiếc nồi gang lớn đặt lên bếp củi, chậm rãi khuấy đều. Bữa trưa của Túa cùng 6 người ở xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La chỉ là nồi cháo loãng cùng con chuột nướng bé bằng bàn tay. Bản của Túa cách đó chừng chục km.

Bữa trưa gồm nồi cháo loãng và thịt chuột rừng nướng. Ảnh: Bảo Thắng.

Bữa trưa gồm nồi cháo loãng và thịt chuột rừng nướng. Ảnh: Bảo Thắng.

Sáng sớm, Túa cùng mấy người ở bản vác đào ra dọc Quốc lộ 6 bán. Mặt nhăn nhúm. Mắt buồn thiu. Nhìn Túa như 50 tuổi, dù tuổi thực chưa đầy 30. “Nhà báo à, hỏi đào rừng chứ gì. Đi chỗ khác đi”, Túa gắt khi được hỏi. Mắt chỉ thoáng nhìn người đối diện rồi lại cắm cúi quấy nồi cháo.

Những người đi cùng Túa bảo, năm nay sợ nhất cái Tết nghèo, bởi trồng ngô, trồng dong chỉ đủ qua bữa. Cả Tết, bản của Túa trông chờ vào mấy cành đào, để trẻ con có manh áo mới, nhà có chút không khí xuân về.

Chừng 70 người bán đào dọc đoạn Quốc lộ 6 qua huyện Vân Hồ đều có phản ứng như Túa, khi gặp những người cầm máy ảnh, máy quay phim. Họ bảo, năm ngoái có một đài truyền hình về đây phỏng vấn, rồi gán cho họ cái tội “bán đào rừng”.

“Bộp”, cành đào dựng ven núi đá rung bần bật khi Túa vỗ mạnh, gằn giọng bảo để có cành đào to bằng cẳng tay người lớn, nhà Túa đã trồng cả chục năm. Nhiều cành khác, được lấy từ những gốc đào 30-50 năm. Cá biệt, những cành đẹp, có địa y bám quanh, tạo dáng vẻ đặc trưng của đào rừng, được lấy từ những gốc bằng tuổi ông nội Túa, ngoài 70 năm.

“Người Mông bọn ta ít học, bụng không nhiều chữ như nhà báo. Đi chỗ khác đi”, Túa nói. Rồi người đàn ông này bỏ đi. Dáng nhỏ thó, lầm lũi. “Nhà báo”, Túa nói với mấy người trong lều. 2 thanh niên trong lều vội lấy chăn trùm kín mặt.

Cách đó chừng 100m, Mùa A Dồ, cũng ở xã Lóng Luông, đồng ý trả lời nhưng không cho quay phim, bảo: “Nhà báo hay lừa lắm. Lại bảo bọn tôi ôm cả cây đào trong rừng ra bán phải không?”.

Dồ cũng kể câu chuyện giống Túa, về việc bị một đài truyền hình “cài bẫy” hồi năm ngoái. “Cành thế này là 500 nghìn, như năm ngoái thì được 1 triệu. Mà bí quá thì 300 nghìn chắc cũng phải bán”, Dồ nói, tay lắc lắc cành đào cao tầm mét rưỡi, mắt ánh lên hy vọng.

Những người Mông ở đây như Dồ, Túa, hầu như đều ném cho chúng tôi cái nhìn đầy nghi kỵ, thậm chí căm ghét. Họ bảo mọi năm có thể kiếm được 15-20 triệu từ những cành đào rừng, năm nay thì “thảm lắm, đi xin người ta mua”. Không còn cảnh xe cộ tấp nập ghé ven đường tranh mua đào như mọi năm.

Cứ tầm 10 cành đào, sẽ có 1 cành được dán tem. Số lượng tem, theo công bố, là rất nhiều. Nhưng hỏi bất kỳ người bán nào, họ đều cho biết, khi nào chốt mua cây, họ mới về ủy ban xã lấy tem. Khi được hỏi tại sao phải mất công như vậy, chủ vườn bảo thảng hoặc có những hôm bán được, họ phải trả 10.000 đồng/tem, thay vì giá 2.000 đồng như huyện Vân Hồ công bố.

Lãnh đạo huyện thờ ơ

Chúng tôi đã phản ánh với ông Vũ Văn Dũng, Chánh văn phòng UBND huyện Vân Hồ về việc người Mông bán đào bị ép giá mua tem cao gấp 5 lần mức công bố. Ngoài ra, việc huyện Vân Hồ làm tem sơ sài, rất dễ bị làm giả cũng được người dân nêu ý kiến.

“Chúng tôi sẽ lập đoàn kiểm tra, xã nào xảy ra sẽ bị xử lý nghiêm”, song xử lý thế nào thì ông Dũng từ chối cho biết.

Một người Mông bán đào dọc Quốc lộ 6, đoạn qua huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Ảnh: Bảo Thắng.

Một người Mông bán đào dọc Quốc lộ 6, đoạn qua huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Ảnh: Bảo Thắng.

Lãnh đạo huyện mau mắn kể về thành tích, “sáng kiến” dán những chiếc tem có thể được làm nhái từ bất cứ cơ sở in thủ công nào. Ông Dũng cũng nói đã cung cấp 30.000 tem kiểu này cho các xã ở huyện Vân Hồ. Ông Dũng còn bảo, dân năm nay “bán được giá lắm”, song khi chúng tôi cho biết việc giá đào rớt hơn nửa so với năm ngoái, ông chánh văn phòng im lặng.

Năm nay đào Sơn La được dán tem để phân biệt với đào rừng. Sơn La hiện có 2 loại tem: Một loại do UBND huyện Vân Hồ phát hành, loại còn lại do tỉnh Sơn La cấp, có thể quét mã QR Code để truy xuất thông tin sản phẩm cây đào, địa chỉ, hộ trồng, năm trồng. Từ ngày 20/1, UBND huyện Vân Hồ đã thống nhất và đưa vào sử dụng 2 mẫu tem.

Ông Dũng không lý giải vì sao huyện Vân Hồ không sử dụng tem có QR Code, mà sử dụng loại tem do huyện này in và bán cho dân.

Tại nơi bán đào, cũng xuất hiện những đối tượng cò mồi, tỏ ý sẽ mua tem dán vào cho khách. Những việc này, chúng tôi đã đề nghị cung cấp ghi âm, ghi hình để huyện Vân Hồ xử lý sớm, song ông Dũng nói: “Chúng tôi đang họp cuối năm, đề nghị các anh có việc gì thì gửi công văn. Ngồi tiếp thế này là thiện chí lắm rồi”.

Trong lúc ông Dũng và các cán bộ huyện còn đang ngồi phòng điều hòa để họp, thì ngoài quốc lộ, rất nhiều người Mông đang phải ăn cháo loãng với thịt chuột, trông chờ có khách mua đào. Bán được đào, họ lại phải đi xe máy vào xã xin tem. Và nếu vội, buộc phải nhờ đối tượng cò mồi mua với giá cao.

Chỉ tầm 10 ngày nữa là Tết. Người Mông ở Vân Hồ vẫn đang phải chật vật với những con tem, chỉ để chứng minh đó là cành đào trồng ở vườn nhà, không phải cây đào rừng.

Chấp nhận nhưng không đăng ký mua

Từ ngày 20/1, UBND huyện Vân Hồ đã thống nhất và đưa vào sử dụng 2 mẫu tem. Trong đó, mẫu tem của huyện có khoảng 10.000 chiếc. Tùy nhu cầu có thể phát hành thêm. Còn với tem QR Code, tỉnh Sơn La đã phát hết từ ngày 25/1.

Riêng huyện Mộc Châu đã phát gần 100.000 tem, còn 3 huyện Vân Hồ, Mường La, Phù Yên không đăng ký nhận loại tem này. Với trường hợp cụ thể tại Vân Hồ, có thể hiểu huyện này chấp nhận giá trị pháp lý của tem QR Code, song không đăng ký nhận để cung cấp cho người dân.

Một tài xế container mang biển số xe miền Trung, cho biết có thể lấy được 100 tem theo mẫu huyện Vân Hồ, song không tiết lộ cụ thể. Theo quy định của huyện này, chỉ có những người dân đăng ký thường trú ở huyện, được bản và xã xác nhận mới được mua tem. 

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.