Kỷ luật để hãm hại?
Quyết định kỷ luật do ông Diệp Tuấn Anh, PGĐ phụ trách Trung tâm Quan trắc TN-MT tỉnh Sóc Trăng, ký ngày 27/11. Lý do chính kỷ luật, hầu như nhắc lại lý do đã kỷ luật khiển trách Đảng bà Mai Thi ngày 22/8 mà bà đang khiếu nại. Đó là, phối hợp tổ chức hội thảo, hướng dẫn kinh nghiệm nuôi tôm ứng dụng chế phẩm sinh học ST Bacilli MT; ký biên bản thỏa thuận cung cấp chế phẩm sinh học ST Bacilli MT trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Bên cạnh, vài lý do khác như bà Mai Thi không cầu thị để sửa chữa khuyết điểm khi được tập thể chỉ ra và nhắn tin xúc phạm đến uy tín lãnh đạo.
Bà Mai Thi với hồ sơ kêu cứu Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng |
Phóng viên gặp bà Mai Thi hỏi, tại sao phải kêu cứu tới Chủ tịch UBND tỉnh? Bà trả lời: “Vì quyết định đóng dấu “mật” đã cản trở tôi khiếu nại khi thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính năm 2015. Trong lúc, Trung tâm là đơn vị dịch vụ công, việc đóng dấu “mật” trên quyết định là hoàn toàn sai quy định và còn có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Tôi kêu cứu đến Chủ tịch UBND tỉnh vì quyết định kỷ luật nhằm hãm hại tôi và gây thiệt hại cho tỉnh.
Bởi vì, ngày 12/12/2016, tôi đã bảo vệ luận án tiến sĩ cấp cơ sở và vừa được Trường Đại học Cần Thơ đồng ý cho bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường để nhận bằng. Nhưng bị cảnh cáo thì theo quy chế đào tạo, tôi sẽ bị đình chỉ học tập 12 tháng. Mà tôi đi học theo quyết định ngày 28/8/2012, của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, đào tạo cán bộ nguồn thuộc Đề án 150, niên khóa 2012 - 2017. Nay ngăn cản tôi hoàn thành luận án tiến sỹ thì cũng gây thiệt hại cho ngân sách của tỉnh. Việc hãm hại này có cả một phe nhóm, nên tôi phải kêu cứu Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện”.
Quyết định kỷ luật bà Mai Thi còn có nhiều dấu hiệu chưa đúng luật. Đó là, vào ngày 10/10, ông Diệp Tuấn Anh ký quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật và họp ngày 3/11, nhưng kết quả bỏ phiếu không như mong muốn. Sau đó, ông Diệp Tuấn Anh hủy Hội đồng kỷ luật cũ để ngày 16/11, ký quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật mới, họp ngày 21/11, thống nhất được kỷ luật cảnh cáo bà Mai Thi. Trong Hội đồng kỷ luật mới, bên cạnh ông Diệp Tuấn Anh có hai người không đủ tư cách: bà Huỳnh Thảo Vy là nhân viên hợp đồng và ông Dương Hoàng Vân đã có quyết định của Sở Nội vụ ngày 2/10, điều chuyển sang Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh.
Nghiên cứu chế phẩm được tôn vinh
Trong lúc đó, việc nghiên cứu hoàn thiện chế phẩm ST Bacilli MT lại tiếp tục được tôn vinh. Trước đây, bà Mai Thi và cộng sự ở Trung tâm Quan trắc TNMT dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn Hữu Hiệp ở Trường Đại học Cần Thơ, nghiên cứu ra ST Bacilli MT từ ao nuôi tôm của Hiệp hội tôm Mỹ Thanh. Kết quả nghiên cứu đoạt giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng năm 2014 - 2015, được UBND tỉnh tặng bằng khen. Cá nhân bà Mai Thi được Tổng LĐLĐ tặng bằng Lao động Sáng tạo.
Tuy nhiên, vì việc giúp người nuôi tôm mà cuối năm 2016 và đầu 2017, bà Mai Thi bị kiểm điểm, mất chức GĐ Trung tâm, việc nghiên cứu ở Sóc Trăng chững lại. Vì thế, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiệp là Phó trưởng Bộ môn Công nghệ Sinh học Vi sinh vật ở Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học của Trường Đại học Cần Thơ, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện ST Bacilli MT. Với kết quả nghiên cứu này, giữa tháng 11, tại hội nghị sơ kết phong trào thi đua lao động sáng tạo của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Hiệp được trao tặng bằng Lao động Sáng tạo của Tổng LĐLĐ.
Nghiên cứu từ bà Mai Thi đến PGS.TS Hiệp đã xây dựng được quy trình phân lập, tuyển chọn và định danh vi khuẩn bản địa để sản xuất chế phẩm sinh học xử lý ô nhiễm môi trường; ứng dụng nhiều nơi đạt kết quả tốt. Cụ thể, theo PGS.TS Hiệp: “Ứng dụng thực tiễn ở các ao nuôi tôm, tập huấn hướng dẫn người nuôi tôm cách sử dụng chế phẩm một cách hiệu quả kết hợp quản lý chặt chẽ các nguồn dịch bệnh cho tôm nhằm bảo đảm hiệu quả của chế phẩm trong xử lý nước ô nhiễm. Giải pháp đã được áp dụng rộng rãi tại Cty Chế biến Thủy sản Út Xi ở tỉnh Sóc Trăng; Cty TNHH Nuôi trồng Thủy sản Minh Phú, Lộc An ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Giá thành chế phẩm rẻ chỉ bằng 10% so với giá chế phẩm nhập”.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hữu Hiệp: “Chế phẩm là kết quả phân lập, chọn lọc và khai thác nguồn tài nguyên giống vi khuẩn bản địa. Đây là nguồn vi sinh vật bản địa nên bảo đảm độ an toàn sinh học cao, thân thiện với môi trường. Bởi vi khuẩn bản địa thích nghi với môi trường nên có khả năng hoạt động tốt cũng như tiếp tục sinh sản kéo dài vòng đời, lại có thể phục tráng dễ dàng khi giống vi sinh bị giảm hoạt tính hay bị thoái hóa”.
PGS.TS Nguyễn Hữu Hiệp (bìa phải) nhận bằng Lao động Sáng tạo của Tổng LĐLĐ |
Trước đây, ông Diệp Tuấn Anh là cộng sự của bà Mai Thi nghiên cứu ra ST Bacilli MT, trong nhóm tác giả được UBND tỉnh tặng bằng khen năm 2015. Cuối năm 2016, bà Mai Thi có mẹ qua đời nên nhiều việc đưa ST Bacilli MT xuống ao nuôi tôm do ông Diệp Tuấn Anh trực tiếp làm. Chẳng hạn, ngày 16/10/2016, ông xuống xã Gia Hòa 2 (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cùng cán bộ nông nghiệp và các hộ dân bàn việc đưa chế phẩm ST Bacilli MT vào ao tôm. Sau đó, Trung tâm cung cấp ST Bacilli MT cho hộ nuôi tôm, chịu trách nhiệm kiểm tra nước và bùn ao nuôi để đánh giá hiệu quả. Nhiều phiếu kiểm nghiệm nước ao nuôi tôm do bà Huỳnh Thảo Vy thực hiện trong phòng thí nghiệm được ông Diệp Tuấn Anh ký tên, đóng dấu Trung tâm.
Hiện có nhiều ý kiến trong ngành TN-MT tỉnh Sóc Trăng cho rằng, nếu vì lý do đưa chế phẩm ST Bacilli MT giúp người nuôi tôm mà bị kỷ luật thì cũng phải kỷ luật ông Diệp Tuấn Anh và bà Huỳnh Thảo Vy.