| Hotline: 0983.970.780

Nhà máy xi măng ngày càng gây ô nhiễm, di dời dân hay di dời nhà máy?

Thứ Năm 09/03/2017 , 07:30 (GMT+7)

Nhà máy Xi măng Đại Việt- Dung Quất (thuộc Công ty CP Xi măng Miền Trung) đi vào vận hành từ giữa năm 2012 và chính thức hoạt động hết công suất 500 ngàn tấn/năm vào tháng 3/2015. Nhưng càng hoạt động, nhà máy càng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh, khiến họ rất bức xúc.

* Dân không tin kết quả quan trắc môi trường?

15-04-42_1
Nhà máy Xi măng Đại Việt – Dung Quất đã gây ô nhiễm nghiêm trọng
 

Nhà máy Xi măng Đại Việt- Dung Quất có diện tích 6 hecta, với tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng, công suất 500 ngàn tấn/năm. Từ khi nhà máy bắt đầu chạy thử đến giữa năm 2016 đã gây ô nhiễm môi trường liên tục, cuộc sống của người dân xung quanh nhà máy bị đảo lộn.

Nhiều hộ dân đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng yêu cầu di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư hoặc di chuyển dân ra sinh sống ở nơi khác cách xa nhà máy để đảm bảo an toàn sức khỏe. Nhiều lần, hàng chục hộ dân các thôn Sơn Trà và Tân Hy (xã Bình Đông) kéo đến vây nhà máy phản ứng, dùng tre chắn ngang cổng ra vào nhà máy này để phản đối, yêu cầu xử lý vụ việc.

Theo phản ánh của người dân, nhà máy xây dựng quá gần khu dân cư ở thôn Tân Hy và thôn Sơn Trà (xã Bình Đông), nên quá trình vận hành đã gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Không chỉ gây tiếng ồn, nhà máy còn phát sinh bụi mù mịt, người dân trong khu vực phải đóng cửa cả ngày lẫn đêm.

15-04-42_2
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng chủ trì buổi đối thoại

 

Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế (KKT) Dung Quất và các Khu công nghiệp (KCN) Quảng Ngãi, trong quá trình chạy thử, Nhà máy Xi măng Đại Việt - Dung Quất đã 2 lần bị sự cố làm bụi phát tán ra môi trường, trong khi xung quanh nhà máy mật độ dân cư sinh sống rất đông. Đến tháng 3/2015, khi nhà máy hoạt động hết công suất thì tiếp tục bị sự cố và phát tán bụi ra xung quanh. Vì thế, người dân sống xung quanh đã nhiều lần tụ tập trước cổng nhà máy đòi ngăn cản hoạt động sản xuất.

Để giải quyết vấn đề, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Ban quản lý KKT Dung Quất đã di dời 107 hộ dân nằm trong vùng ô nhiễm cách nhà máy 50m ra nơi ở mới, với chi phí trên 36 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều hộ dân sống xung quanh bị ảnh hưởng và tiếp tục yêu cầu nhà máy dừng hoạt động.

​Trong năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các Sở Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, UBND huyện Bình Sơn, UBND xã Bình Đông có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ và cử cán bộ tham gia hỗ trợ, giám sát việc thực hiện quan trắc môi trường tại Nhà máy Xi măng Ðại Việt - Dung Quất từ ngày 19/7-10/8/2016.

15-04-42_3
Đông đảo người dân xã Bình Đông tham dự đối thoại

 

Theo lãnh đạo nhà máy, kết quả quan trắc môi truờng của cơ quan chuyên môn cho thấy bụi và tiếng ồn đều nằm trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, đông đảo người dân địa phương không thống nhất với kết quả nói trên. Vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đồng ý sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập quan trắc môi trường lần nữa trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với dân

Sáng 7/3 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có buổi đối thoại với bà con nhân dân xã Bình Đông. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng chủ trì buổi đối thoại. Tham dự có Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh, Thanh tra tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan của tỉnh và huyện Bình Sơn.

Tại buổi đối thoại, đa số người dân cho rằng 427 hộ dân ở thôn Tân Hy và thôn Sơn Trà ở xung quanh nhà máy cần sớm được di dời đến nơi ở mới, xa nhà máy hoặc di dời nhà máy đi xa nơi khác.

Còn lãnh đạo nhà máy cho biết, hiện trong nhà máy còn tồn hơn 2.000 tấn xi măng đã nghiền trong các xyclo, nhà máy cần thời gian 60 ngày để thực hiện việc rút hết xi măng đã nghiền trong các xyclo di chuyển ra ngoài và hoạt động 100% công suất trong suốt thời gian quan trắc tại nhà máy. Lãnh đạo nhà máy cũng mong muốn được ổn định để sản xuất kinh doanh, nhưng nếu phải di dời nhà máy thì chi phí lên đến 722 tỷ đồng.

 Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã xin lỗi bà con 2 thôn của xã Bình Đông là trước đây tỉnh (lãnh đạo tiền nhiệm) giới thiệu địa điểm chưa đúng, bố trí nhà máy trong khu dân cư, gây ô nhiễm. Chủ tịch tỉnh cho rằng theo đề nghị của bà con, để di dời 427 hộ dân thì phải chi phí cả ngàn tỷ đồng, ngân sách tỉnh không đảm bảo được. Vì vậy tỉnh không đặt vấn đề di dời dân.

Tỉnh gia hạn nhà máy 2 tháng để rút hết 2.000 tấn xi măng đã nghiền tồn trong các xyclo. Nhà máy phải hoàn thiện các hệ thống bảo vệ môi trường. Kết quả quan trắc môi trường trong năm 2016 bà con không đồng ý, tỉnh sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập quan trắc môi trường lần nữa trong thời gian tới, có giám sát của dân.

Sau khi có kết quả sẽ công khai cho dân biết. Nếu kết quả không đạt chuẩn sẽ phải di dời nhà máy. Nếu kết quả đảm bảo môi trường thì nhà máy mới được hoạt động trở lại. Nếu nhà máy hoạt động trở lại mà vẫn gây ô nhiễm môi trường thì dân có thể kiện ra tòa.

 

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank  trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn

50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa được nhận quà từ Agribank.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.