Sản phẩm chất lượng, tự tin chinh phục thị trường thế giới
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam, Tập đoàn Lộc Trời đã xây dựng chiến lược về sản xuất lúa gạo bền vững để chinh phục thị trường thế giới. Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, gạo là mặt hàng lương thực quan trọng, tuy nhiên quá trình sản xuất lúa cũng tạo ra nhiều khí nhà kính.
Do đó, Lộc Trời đã thay đổi thói quen sản xuất lúa bằng cách áp dụng SRP (các tiêu chuẩn trồng lúa bền vững) của thế giới vào vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, và là đơn vị duy nhất trên thế giới đạt điểm SRP100, được chứng nhận bởi Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI).
"Chứng nhận SRP100 này cũng mang đến cơ hội có tín chỉ các bon được xác nhận có thể giao dịch trên thị trường tín chỉ các bon quốc tế. Sản phẩm gạo của Lộc Trời có khả năng truy xuất nguồn gốc. Hiện tại Lộc Trời có thể chứng minh cho tất cả các bên liên quan trong kinh doanh lúa gạo rằng trồng trọt và chế biến gạo có thể là một trong những ngành kinh doanh có lợi nhuận và bền vững nhất trên thế giới", ông Thuận cho hay.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu rau quả, ông Phan Quốc Nam, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần XNK thương mại Blue Ocean cho biết, thế mạnh hiện nay của doanh nghiệp là xuất khẩu trái cây tươi như nhãn, xoài, bưởi, vú sữa… vào các thị trường Mỹ và Úc với sản lượng khoảng 50 tấn/tháng.
Theo ông Nam, hiện nay nhu cầu của thị trường thế giới với rau quả nhiệt đới rất cao. Việt Nam là nước có thế mạnh trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, chất lượng trái cây nhiệt đới của Việt Nam không thua bất cứ nơi nào. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bà con nông dân đã cải thiện rất lớn trong quy trình sản xuất để bảo bảo an toàn, không tồn dư hóa chất. Đặc biệt là người dân ngày càng mở rộng các diện tích sản xuất đạt chuẩn cao như GlobalGAP, hữu cơ nên sản phẩm tiêu thụ rất thuận lợi.
Để chinh phục nhiều thị trường xuất khẩu hơn nữa, ông Nam cho biết, doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến rau quả đông lạnh với công suất 300 tấn thành phấm/tháng và dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầu quý II/2024. "Nhà máy sẽ tập trung chế biến các sản phẩm như bơ, chanh dây, rau củ, khoai lang… để xuất khẩu.
Ông Đinh Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May cho biết, doanh nghiệp chuyên về gạo chất lượng cao, gạo thơm xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU và Hồng Kông. Để chinh phục được các thị trường này, đòi hỏi doanh nghiệp phải tự chuẩn hóa về chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo nguồn cung ổn định.
"Chúng tôi xuất khẩu chủ yếu gạo ST25 với đúng thương hiệu Cỏ May của mình. Mỗi thị trường chỉ hợp tác với 1 hoặc vài đại lý độc quyền (tùy từng thị trường - PV), đồng thời đăng ký bản quyền thương hiệu khi xuất khẩu", ông Tâm nói và cho biết thêm, tại thị trường Hồng Kông giá gạo xuất khẩu của Cỏ May từ 1.200 - 1.250 USD/tấn.
"Trước đây, gạo Hom Mali Thái Lan xuất khẩu qua Hồng Kông nhiều, nhưng những năm gần đây gạo ST25 của Việt Nam đã chiếm lĩnh được thị trường. Họ chọn các sản phẩm được gieo trồng theo quy trình canh tác sinh thái ở vùng ven biển", ông Tâm cho hay.
Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, trong 8 tháng của năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 435,23 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 227,7 tỷ USD giúp Việt Nam đạt xuất siêu 20,19 tỷ USD. Tuy xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng cũng thể hiện sự nỗ lực cố gắng của các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp.
Trong đó, có sự đóng góp quan trọng, tích cực của các hoạt động phát triển thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ ngoại thương, áp dụng nhiều hình thức xúc tiến mới, phù hợp, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu và đẩy mạnh xuất nhập khẩu.
Để hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cũng như thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước, Bộ Công thương và UBND TP.HCM tổ chức chuỗi sự kiện Diễn đàn xuất khẩu “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” - Viet Nam International Sourcing Expo 2023 với sự tham dự của hơn 300 doanh nghiệp đại diện cho các lĩnh vực khác nhau trong chuỗi cung ứng quốc tế.
“Chuỗi sự kiện không chỉ giúp thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường quan trọng mà còn là nơi gặp gỡ giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của các doanh nghiệp. Hy vọng nhiều thỏa thuận, giao dịch thương mại sẽ được ký kết thành công tại sự kiện, các đơn vị tham dự sẽ gặp gỡ được nhiều đối tác, khách hàng và có thêm nhiều ý tưởng kinh doanh được gợi mở... góp phần đưa hàng hóa, sản phẩm Việt Nam vươn xa trên thị trường toàn cầu”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nói.
Nhà mua hàng quốc tế tìm kiếm gì ở Việt Nam
Ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong phát triển sản xuất từ nguyên liệu thô thành các sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao. Các sản phẩm xuất xứ Việt Nam chất lượng ngày càng tốt, có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trên toàn thế giới.
Nông sản, thực phẩm sẽ là lĩnh vực trọng tâm mà Central Retail tích cực tìm kiếm đối tác bền vững tại Việt Nam. Những sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm mới, tốt cho sức khỏe, có nguồn từ tự nhiên, canh tác hữu cơ; sản phẩm được quản lý, truy vết chất lượng sản phẩm qua công nghệ blockchain; sản phẩm thuộc chương trình trọng điểm, kinh tế tuần hoàn… sẽ là những sản phẩm được đặc biệt quan tâm tìm kiếm", ông Olivier Langlet nhấn mạnh và cho biết thêm, trong những năm gần đây, lượng hàng hóa thu mua hàng từ Việt Nam đạt giá trị trên 100 triệu USD/năm.
Ông Avaneesh Gupta, đại diện Tập đoàn bán lẻ Walmart cho rằng, Việt Nam là một trong những thị trường có nguồn cung ứng quan trọng nhất của Walmart và cũng là trung tâm tìm nguồn cung ứng trên khắp Đông Nam Á. Đội ngũ tìm nguồn cung ứng của hệ thống tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam trên toàn cầu, bao gồm sang Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Chile và Trung Quốc.
Theo đó, các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam bao gồm may mặc, các thiết bị phần cứng và đồ da dụng là sản phẩm được tập đoàn này tìm kiếm; đồng thời đơn vị cũng tích cực tìm kiếm/ thu mua các sản phẩm thực phẩm, bao gồm hải sản, hạt điều, sữa đậu nành, cà phê, trái cây tươi và đồ ăn nhẹ từ trái cây.
"Chúng tôi mong muốn được tiếp xúc với nhiều nhà sản xuất nhằm khám phá các cơ hội tìm nguồn cung ứng nhiều sản phẩm hơn từ Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu ra toàn thế giới. Chúng tôi đánh giá cao người dân, người lao động, doanh nghiệp, nguồn tài nguyên Việt Nam đã giúp xuất khẩu các sản phẩm được sản xuất một cách có trách nhiệm trên toàn cầu”, ông Avaneesh Gupta nhấn mạnh và cho biết thêm, bên cạnh các nhà cung cấp truyền thống, doanh nghiệp không ngừng tìm kiếm các nhà cung cấp mới nhằm đa dạng chuỗi cung ứng.
"Tập đoàn Aeon đã, đang và sẽ có nhiều kế hoạch hoạt động đối với sản phẩm của Việt Nam và kỳ vọng những sản phẩm Việt Nam sẽ đến được tay các khách hàng của Aeon trên khắp các nước và trở thành sản phẩm không thể thiếu đối với khách hàng", ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam nói và cho biết thêm, Aeon là nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, với hơn 18,000 cửa hàng, có mặt ở 14 nước trên thế giới, bao gồm Việt Nam.
Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) diễn ra từ ngày 13 - 15/9 tại TP.HCM, do Bộ Công Thương và UBND TP.HCM đồng tổ chức.