Nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu (12/1/1946 – 4/11/2021) là một cây bút gắn bó mấy mươi năm với sự tồn tại và phát triển của báo Nông Nghiệp Việt Nam. Ông không chỉ mang đến cho bạn đọc những bài điều tra sắc sảo và cẩn trọng, mà ông còn tạo ra dấu ấn riêng trên báo Nông Nghiệp Việt Nam bằng thiên truyện dài kỳ “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” đáo để và hài hước.
“Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” được nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu ký hai bút danh Tú Sườn và La Quán Gió, có ngầm ý trào lộng bản thân là hậu sinh của Tú Xương và La Quán Trung. Mà sự thật thì “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” đã chứng minh điều ấy, vì ông viết với điệu cười chua cay kiểu Tú Xương và tình tiết chương hồi kiểu La Quán Trung.
“Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” từng được độc giả báo Nông Nghiệp Việt Nam theo dõi hào hứng và say mê. Thậm chí, nhiều bà con vùng sâu, vùng xa còn lưu trữ để dành đọc cho nhau nghe sau những buổi lên nương lên rẫy, như một món quà tinh thần thú vị. Yếu tố nào đã làm nên giá trị hấp dẫn kỳ lạ của “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa”? Đó là sự thấu hiểu và sự cảm thông của nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu hướng về những người nông dân chất phác.
Thông qua hình tượng nhân vật Cả Tĩn, “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” phơi bày bi hài kịch của những kẻ nhẹ dạ và cả tin, khi va chạm với thực tế xô bồ đô thị đầy chiêu trò tinh quái và bịp bợm. Cả Tĩn nhẹ dạ vì lương thiện, cả tin vì nhân hậu. Cả Tĩn bị lừa gạt nhiều lần, nhưng không oán hận tình đời và không chối bỏ tình người. Những trớ trêu mà Cả Tĩn nếm trải, khiến độc giả cười ra nước mắt, nhưng dứt tiếng cười lại thấy đồng cảm xót xa và trìu mến gần gũi.
Nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu cả đời luôn giữ quan niệm về nghề cầm bút “để lại nhân cách, cũng là tác phẩm”. Và khi ông đã rời xa cõi nhân gian này, đồng nghiệp và công chúng đều nhận ra, ông không chỉ để lại nhân cách mà còn để lại tác phẩm. Chỉ riêng “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa”, đã khẳng định tấm lòng của ông với những người nông dân cần cù và thua thiệt. Ông bao dung sự yếu đuối của họ, ông cổ vũ sự hăm hở của họ và ông nâng đỡ sự trong sáng của họ.
Để tưởng nhớ nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu, báo Nông Nghiệp Việt Nam xin giới thiệu lại một số trích đoạn đáng nhớ từ thiên truyện dài kỳ “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa”.
HỒI THỨ BA
Dửng mỡ gặp ngứa nghề: Ăn chơi phải nghiến răng
Nhà ngói như nhà gianh: Biết điều câm miệng hến
Chúng ta đã từng nghe những chuyện bác Cả Tín bị lừa, và bị lừa khá đậm. Nhưng dù sao, điều an ủi duy nhất đối với bác Cả, là còn được kể lại (dĩ nhiên một cách tức tối) những việc bị lừa ấy. Duy chỉ có câu chuyện này, “bị” một vố đau hơn hoạn, nhưng tuyệt nhiên bác Cả không dám kể cho ai nghe. Ngoại trừ tôi (người chép chuyện này).
Thực ra thì cũng là cực chẳng đã, bác Cả mới kể. Nhưng trước khi kể, bác còn bắt tôi thề độc, là cấm được kể lại cho ai. Tôi đã ngậm tăm suốt một năm giời vì lời thề độc ấy. Đến hôm nay, nhân việc nhận được nguồn tin, là bác Cả Tín cũng vừa thề độc, không bao giờ đọc Báo Nông nghiệp nữa, chỉ vì Báo Nông Nghiệp Việt Nam đã “dám” kể xấu bác. Bởi vậy, tôi coi như được giải lời thề. Bởi vì, bác Cả không đọc Báo Nông Nghiệp Việt Nam, ắt câu chuyện của tôi đăng trên bản báo, sẽ không tới tai bác Cả.
Câu chuyện như sau:
Khi ở các vùng quê mở ra khoán 10, thì gia đình bác Cả bắt đầu khấm khá. Mảnh vườn “năm phần trăm” trước kia của bác không chỉ trồng các loại “cây nhà lá vườn” mà quy hoạch thành công “hàng hóa”. Chỉ riêng vụ bán cây giống vừa qua, bác Cả thu tới hơn 2 triệu đồng. Rủng rỉnh có tiền, bác Cả tính chuyện làm ăn lớn. Bác bèn giắt kỹ tiền trong hầu bao, ra tỉnh sắm một cái bơm nước “Ka Ma” (chả là quê bác Cả đã có điện) về tưới vườn theo kiểu công nghiệp.
Nguyên việc này, ai dám chê bác Cả không có đầu óc của ông chủ?
Trước khi ra tỉnh, bác Cả đã hỏi dò mấy anh kỹ sư cơ khí, được mấy anh bày cho kinh nghiệm quý. Bác Cả bèn nhớ nhập tâm cái loại máy bơm “Ka Ma 8 đầu đen” để ra “mà cả mà hai” với dân đô thị. Quả nhiên, khi đến hàng cơ khí, nghe bác nói đến loại “đầu đen” mấy anh bán hàng đã lác mắt, khen bác là sành sỏi và giàu kinh nghiệm. Có thế chứ!.
Đang lúc cò kè, bác Cả bỗng giật mình có giọng oanh thỏ thẻ bên cạnh:
-Chứ anh mua máy bơm phải không? Anh làm ơn mua hộ cho em một cái. Em vừa ở quê lên, chả biết loại gì, sợ sợ là.
Bác Cả quay phắt lại. Một cô gái trông dáng nhà quê mà xinh giòn! Nhưng điều ngạc nhiên hơn cả, là cô ta chỉ nhỉnh hơn tuổi con bác một chút, ấy vậy mà cứ “anh anh em em” ngọt xớt. Bác Cả bỗng thấy mình trẻ ra đến hai chục tuổi. Đã vậy, lại ngầm tự hào vì sự sành sỏi của mình.
-Thế… cô cũng ra mua máy bơm hẳn?
Cô gái bỗng đảo mắt, rồi khẽ bấm vào đùi bác đánh nhói một cái (cái nhói thật dễ chịu), đoạn bảo:
-Em ưng cái máy bên hàng kia, bác sang xem cho em với.
Hiểu ý, bác Cả đứng dậy. Cô gái dẫn bác Cả đi một đoạn, rồi rỉ tai:
-Thế anh giả cái bơm ấy bao nhiêu?
-Tôi chưa giả, nhưng nó đòi năm trăm ngàn.
-Chết! Tí nữa em không đến thì anh hố to. Anh sẵn tiền lắm phỏng?
-Đâu có! Trong túi tôi chỉ tròn bốn trăm. Đang sợ không đủ tiền.
-Em nói anh nghe, cái bơm ấy giá bây giờ chỉ có ba trăm rưỡi. Em nói dối anh, em chết. Và vì em có người quen. Họ đồng ý bán, nhưng phải mua cả hai cái. Em chỉ cần một. Bởi vậy, thấy anh mua bơm, lại thật thà, em mới ra hiệu cho anh…
Bác Cả cảm tình ngay với cô gái vì hai lẽ. Lẽ thứ nhất, đã giúp bác khỏi bị hớ ngót trăm bạc. Lẽ thứ hai, là cô gái đáng ra phải gọi bác là bác, thì lại cứ “anh anh em em”. Bác Cả hí hửng đi theo cô gái…
Lúc ấy đã xế chiều, nên đi một đoạn, cô gái bảo:
-Ta vào đây ăn tạm cái gì, mua xong là về luôn đỡ mất việc.
Giá như đi một mình, thì bác Cả chỉ làm cái bánh mì là xong. Khốn nỗi lại đi cạnh người đẹp. Thôi thì…
Vào quán, cô gái gọi bia và phở. Bác Cả giật nảy mình. Bác sực nhớ đến bữa thịt chó bất đắc dĩ mà thấy lo ngay ngáy. Vậy mà “ở hiền gặp lành”, ăn uống no nê xong, cô gái khăng khăng đòi thanh toán tiền. Tuy bác làm mặt giận nhưng trong bụng thì hỉ hả lắm lắm. Đã vậy, men bia còn làm bác Cả chếnh choáng. Đã vậy, trời lại tối sập xuống rồi. Đã vậy, cô gái cứ đi sát vào người bác, cái cặp “oản bụt” cứ tì vào vai bác. Đã vậy thì… đã vậy…
** *
Chỉ có trời mới biết, làm sao bác Cả lại có thể tán tỉnh được cô nàng vào cái vườn hoa tối om om ấy. Đi vòng vèo thế nào, cô nàng bèn dẫn bác Cả vào một căn hầm trú ẩn thời chống Mỹ chưa kịp lắp. Cô gái nũng nịu:
-Em sợ lắm! Nhỡ … làm sao?
-Nhỡ nhỡ cái con khỉ, vào đi.
-Dưng mà em có chồng rồi, Em…
Bác Cả phì cười:
-Có chồng rồi càng tốt chứ sao? Ở đây vắng vẻ …
Mà quả vắng vẻ thật. Bác Cả cẩn thận quan sát rất kỹ trước khi đẩy cô gái vào trong hầm. Nói trộm bóng chúa, chứ “cái khoản ấy”, bác Cả nhà ta còn mạnh mẽ đáo để. Vả lại, bà xã thì vừa xấu vừa già. Chả mấy khi vớ món bở.
Vào sâu trong hầm, bác Cả mới lột bỏ hết cái vỏ đạo mạo, nhà quê của bác. Đúng theo cả nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng. Cô gái thì vừa thích vừa sợ. Khi cầm được cái quần của bác Cả (trong đó có cái hầu bao bốn trăm ngàn) cô gái bỗng thì thầm:
-Khoan đã! Nghe như có người. Anh cứ đứng yên đây, để em ra ngoài quan sát.
Mặt dù là kẻ đã liều, nghe thấy vậy bác Cả cũng hơi sờ sợ, bác thì không thể ra (vì không có quần) bèn ưng cho cô gái ra ngoài để xem xét. Bác Cả cứ đứng, chờ, và tưởng tượng ra cái giây phút thần tiên sắp tới. Nhưng chờ… chờ mãi… chờ mãi. Chả thấy động tĩnh gì. Bác Cả giật mình lò dò đi ra cửa hầm. Than ôi! Cô gái tuy không có cánh nhưng đã bay mất từ lúc nào.
Cực chẳng đã, bác Cả bèn cởi áo quấn xuống làm quần, lò dò đi ra và lò dò đi về. Nhưng về làm sao được khi không có một xu dính túi với cái áo quấn thay quần như thằng điên. Bởi vậy nên bác Cả mới tìm đến nhà tôi, bắt tôi đóng chặt cửa, không cho ai vào, để kể lại hết cái nông nỗi “nhà quê ra tỉnh” của bác.
Bây giờ thì hẳn bạn đọc đã hiểu vì sao bác Cả bắt tôi phải thề độc trước khi nghe câu chuyện vừa thương tâm vừa… buồn cười của bác Cả.
LA QUÁN GIÓ
(Nhà văn trào phúng Tú Sườn (chắt ruột của Tú Xương) vừa lâm bệnh, phải đi điều trị. Bởi vậy phóng sự “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” từ số này trở đi, sẽ do nhà văn La Quán Gió đảm nhiệm).