Lát sau, bà trở xuống, có Hải theo sau. Mặt bà tái nhợt. Là cán bộ của Cục Thuế tỉnh. Nhưng từ ngày mới vào học lớp 6, bắt đầu hiểu biết, Hải đã nhận thấy mỗi lần bố cáu giận, to tiếng, mẹ đều như vậy. Tuy mới về hưu được một năm nay, nhưng sức khỏe của bà xuống khá nhanh, trong khi ông Quỳnh thì càng ngày càng phát tướng ở tuổi 56. Vừa thấy con, ông Quỳnh đập tay xuống bàn:
- Con đã thấy hậu quả việc làm của mình chưa? Thường vụ đã chấp nhận hình thức kỷ luật do chi bộ của con đề xuất rồi. Con sẽ bị khai trừ khỏi đảng. Hiểu chưa. Nhục. Nhục ơi là nhục.
Vừa nghe vậy, bà Hoa ôm mặt, khóc tu lên:
- Trời ơi. Làm sao để đến nỗi này hả con. Con làm xấu hổ cả bố, cả mẹ, cả đại gia đình này rồi. Ông... ông là Phó Bí thư mà không đỡ được cho con hay sao.
- Đỡ làm sao được. Mình tôi chống làm sao được hơn chục người. Tôi đã xin họ, nhưng không được. Chưa hết đâu, vì tôi ký quyết định đưa nó về tỉnh theo diện “trải thảm đón nhân tài”, nên tới đây tôi phải ký quyết định sa thải nó.
Thấy mẹ vẫn rền rĩ khóc, Hải dìu bà ngồi xuống:
- Chẳng sao đâu bố mẹ ạ. Con thấy vô cùng thanh thản.
Lát sau, ông Quỳnh mở cặp, lấy một văn bản bằng chữ nước ngoài trao cho con:
- Đây. Đây là quyết định của quốc gia mà con đã làm tiến sĩ ở bên đó cho con nhập quốc tịch. Vừa hay bố đã lo xong. Con nên trở lại đó kiếm việc làm, hoặc là nếu điều kiện cho phép thì thành lập doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh. Vốn thì bố sẽ bơm sang, không sợ thiếu. Ổn định rồi thì con lo việc bảo lãnh cho mẹ con sang đó. Bên ấy khí hậu tốt, trong lành, sẽ tốt cho bệnh của mẹ. Ký xong quyết định cấp phép cho dự án dệt-nhuộm của Tập đoàn Thành Hưng, bố sẽ chạy vào một vị trí công tác khác trên Trung ương, không chờ hết nhiệm kỳ nữa.
- Không, thưa bố mẹ. Con sẽ không sang nước ngoài định cư đâu.
- Tại sao lại không? Con vẫn quyết ngăn cản dự án dệt-nhuộm của Tập đoàn Thành Hưng à? Hay con không muốn xa con Dung? Nếu không muốn xa nó, thì bố sẽ nói với bác Mô xin tổ chức đám cưới. Cưới xong, con hoàn toàn có thể bảo lãnh cho nó sang đó, và lo nhập quốc tịch cho nó.
- Con vì cả hai. Nhưng con nói rõ cho bố biết là con không ngăn cản dự án dệt-nhuộm, mà chỉ tác động để buộc nó phải đánh giá lại tác động môi trường, và cam kết đầu tư công nghệ tiên tiến nhất để xử lý chất thải trước khi xả ra môi trường thôi.
- Thế con không đọc bài trả lời phỏng vấn của bố trên báo à? Tập đoàn Thành Hưng đã cam kết với tỉnh là sẽ đầu tư công nghệ hóa lý kết hợp với sinh học, là một trong bốn công nghệ xử lý nước thải tiên tiến nhất hiện nay, để xử lý nước thải của dự án dệt-nhuộm. Cũng nhờ thế mà dư luận đã dịu đi. Thế vẫn chưa vừa ý con à? Con còn muốn gì nữa?
- Chính vì thế mà con càng kiên quyết không đi nước ngoài. Xin lỗi bố, con đã nghe hết câu chuyện giữa bố với người đại diện cho chủ Tập đoàn Thành Hưng tại phòng khách nhà mình tối hôm nọ rồi. Đó chỉ là một chiêu trò của bố. Chính bố đã bật đèn xanh cho Tập đoàn Thành Hưng gian dối, dù chuyện nói một đằng làm một nẻo, vốn đã là bản chất của các doanh nghiệp của nước làng giềng rồi.
Ông Quỳnh thu lại tờ quyết định cho nhập tịch của Hải, bỏ vào cặp:
- Được. Mày đã chó đen giữ mực, thì từ nay, đời mày, mày tự liệu lấy. Tao sẽ không cho mày một xu. Xem rồi mất việc, không lương, mày sống bằng cách nào, đi đâu mà kêu được.
- Con không có ý định ăn bám bố. Con cũng không ở nhà này nữa. Con sẽ lên Thủ đô kiếm việc làm.
Bà Hoa vừa khóc vừa ngăn con:
- Con. Hãy nghe lời bố đi con, đừng dính dáng đến dự án dự iếc gì nữa. Mọi chuyện cứ mặc kệ bố con lo liệu. Để mai mẹ sang mẹ nói với bác Mô cho tổ chức đám cưới. Khi con thành con rể chính thức của bác ấy rồi, thì bác ấy sẽ can thiệp để con được làm việc trở lại, hai vợ chồng sống một cuộc đời yên ấm đến già, được không con?
- Mẹ đừng lo, mẹ ạ. Ý con đã quyết rồi. Không ai che giấu, vùi dập nổi sự thật cả. Dù có gian nan đến đâu, con cũng quyết theo đuổi việc này đến cùng.
Trong lúc bố con ông Quỳnh to tiếng, thì ở nhà ông Mô, người lãnh đạo cao nhất của tỉnh, sóng gió cũng nổi lên. Nhìn Dung một cách vô cùng nghiêm khắc, ông Mô dằn giọng:
- Con có biết, không nhờ có uy tín của bố, thì con đã bị xử lý như Nguyễn Xuân Hải, là khai trừ khỏi đảng, sa thải khỏi đội ngũ công chức của tỉnh, rồi không. May mà đa số trong Thường vụ thấy con chỉ là người trẻ tuổi, bị thằng Hải rủ rê, nên mới nương nhẹ với con. Ai bảo con đi theo nó làm chuyện dại dột, bậy bạ ấy?
- Chẳng ai bảo con cả. Thấy lẽ phải thì con theo.
- Phải. Phải gì cái việc đem lửa, đem bão về đốt quê hương mình. Con có biết cái dự án dệt-nhuộm của Tập đoàn Thành Hưng ấy, nó sẽ đóng góp bao nhiêu cho GDP của tỉnh này không?
- Nó đóng góp bao nhiêu con không biết. Nhưng điều con biết chắc chắn nhất là nó sẽ tàn phá, hủy hoại môi trường của quê hương mình.
- Đúng là cái giọng điệu láo lếu, lăng nhăng, bất mãn, chống đối của thằng Hải. Con ăn phải bùa mê thuốc lú của nó rồi. Hãy tỉnh lại đi. Bố cấm con từ nay không được giao thiệp, gặp gỡ với nó nữa. Để rồi bố mẹ sẽ nói chuyện người lớn với nhà nó, hủy bỏ cuộc hôn nhân này.
- Không. Dù bố mẹ có thế nào thì con vẫn chỉ yêu anh Hải, vẫn chỉ lấy anh ấy.
- Bao nhiêu người theo đuổi, trong đó có rất nhiều con nhà đại gia, thì không lấy. Tại sao con lại cứ mê muội cái thằng mất dạy ấy?
- Con ngưỡng mộ và yêu anh ấy vì nhân cách của anh ấy. Anh ấy khác hẳn với bọn thanh niên phàm phu tục tử và bọn công tử bột con nhà đại gia.
- Nhân cách. Nhân cách gì mà đến nỗi bị khai trừ ra khỏi đảng. Lại còn bị đuổi việc nữa. Bao nhiêu công lao nuôi ăn nuôi học của bố mẹ thế là đổ xuống sông xuống biển, hổ nhục cho cái bằng tiến sĩ. Rồi thì trở thành thằng thất nghiệp, lêu lổng, rạc rài, chỉ có nghề bị gậy. Thôi, không dài dòng. Bố nói một là một, hai là hai. Kể từ giờ phút này, con tuyệt đối không được gặp gỡ, giao thiệp với nó nữa. Bố mẹ không có thằng con rể như thế.