| Hotline: 0983.970.780

Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ Tư

Chủ Nhật 21/11/2021 , 10:12 (GMT+7)

‘Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa’ là sự thấu hiểu và sự cảm thông của nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu hướng về những người nông dân chất phác.

Nhà văn - nhà báo Đỗ Bảo Châu.

Nhà văn - nhà báo Đỗ Bảo Châu.

Nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu (12/1/1946 – 4/11/2021) là một cây bút gắn bó mấy mươi năm với sự tồn tại và phát triển của báo Nông Nghiệp Việt Nam. Ông không chỉ mang đến cho bạn đọc những bài điều tra sắc sảo và cẩn trọng, mà ông còn tạo ra dấu ấn riêng trên báo Nông Nghiệp Việt Nam bằng thiên truyện dài kỳ “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” đáo để và hài hước.

“Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” được nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu ký hai bút danh Tú Sườn và La Quán Gió, có ngầm ý trào lộng bản thân là hậu sinh của Tú Xương và La Quán Trung. Mà sự thật thì “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” đã chứng minh điều ấy, vì ông viết với điệu cười chua cay kiểu Tú Xương và tình tiết chương hồi kiểu La Quán Trung.

“Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” từng được độc giả báo Nông Nghiệp Việt Nam theo dõi hào hứng và say mê. Thậm chí, nhiều bà con vùng sâu, vùng xa còn lưu trữ để dành đọc cho nhau nghe sau những buổi lên nương lên rẫy, như một món quà tinh thần thú vị. Yếu tố nào đã làm nên giá trị hấp dẫn kỳ lạ của “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa”? Đó là sự thấu hiểu và sự cảm thông của nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu hướng về những người nông dân chất phác.

Thông qua hình tượng nhân vật Cả Tĩn, “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” phơi bày bi hài kịch của những kẻ nhẹ dạ và cả tin, khi va chạm với thực tế xô bồ đô thị đầy chiêu trò tinh quái và bịp bợm. Cả Tĩn nhẹ dạ vì lương thiện, cả tin vì nhân hậu. Cả Tĩn bị lừa gạt nhiều lần, nhưng không oán hận tình đời và không chối bỏ tình người. Những trớ trêu mà Cả Tĩn nếm trải, khiến độc giả cười ra nước mắt, nhưng dứt tiếng cười lại thấy đồng cảm xót xa và trìu mến gần gũi.

Nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu cả đời luôn giữ quan niệm về nghề cầm bút “để lại nhân cách, cũng là tác phẩm”. Và khi ông đã rời xa cõi nhân gian này, đồng nghiệp và công chúng đều nhận ra, ông không chỉ để lại nhân cách mà còn để lại tác phẩm. Chỉ riêng “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa”, đã khẳng định tấm lòng của ông với những người nông dân cần cù và thua thiệt. Ông bao dung sự yếu đuối của họ, ông cổ vũ sự hăm hở của họ và ông nâng đỡ sự trong sáng của họ.

Để tưởng nhớ nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu, báo Nông Nghiệp Việt Nam xin giới thiệu lại một số trích đoạn đáng nhớ từ thiên truyện dài kỳ “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa”.

HỒI THỨ TƯ

Già chơi trống bỏi – Đức ông lên tiên

Tiền mất tật mang – Cụ bà niệm Phật

Như bạn đọc đã rõ, bao phen bác Cả Tĩn nhà ta ra tỉnh bị lừa, bị bỏ bùa… vừa hại người vừa hại của. Bởi vậy mà bác Cả gái đã thề độc là từ giờ giở đi, không cho bác Cả ra tỉnh nữa. Hiệu lực của lời thề được đến bao giờ, thì hồi sau bạn đọc sẽ rõ. Duy người chép chuyện bắt đầu cảm thấy lo, bởi nếu bác Cả không ra tỉnh, lấy gì để chép chuyện hầu bạn đọc!

May sao, đúng trong thời gian bác Cả giai bị “quản thúc” ở quê, thì lại bị một vố đau như… hoạn. Lần này, tuy không ra đến tỉnh, bác Cả vẫn bị dân ở tỉnh lừa. Thật là “trăm đường tránh chẳng khỏi số”. Câu chuyện như sau:

Bác Cả gái, tuy rất quê mùa, nhưng lại là người cấp tiến. Khi cơ chế mới mở ra, bác Cả gái bèn dựng ngay một cái quán ở ven đường, gần chợ. Dẫu rằng chỉ có đặc sản nhà quê, nhưng cũng kiếm được đồng ra đồng vào. Nói quả đáng tội, mấy chầu bác Cả giai ra tỉnh, một phần kinh phí cũng từ cái quán này mà ra.

Cái quán tuy gần nhà, nhưng cứ sáng dọn ra tối bưng vào thì cũng lích kích. Vả lại, có gì nhiều nhặn, đáng tiền? Tuy vậy, nếu tối về khóa cửa, hẳn là không yên tâm. Mái gianh phên rách trộm nó chui chỗ nào chả được? Và tuy là thứ ít giá trị, nhưng ở nhà quê dẫu sao cũng là một món tiền. Bởi vậy, bác Cả gái bèn kê luôn cái chõng tre để tối ngả lưng tại chỗ. Đỡ lích kích mà được việc. Người già vốn thích ngủ, nên bọn trộm cũng kiềng mặt.

Ấy chính là lai lịch của cái quán. Kể ra nếu không có lệnh “quản thúc” của cụ bà (bác Cả gái) thì người cheap chuyện không muốn dài dòng về cái quán làm gì. Chính vì cái lệnh ấy, mà cái quán boing biến thành “tòng phạm” đắc lực cho quân “mất dạy” kia.

Cụ bà vốn là người “ăn chay niệm Phật” và rất thành tâm trong việc lễ bái ở cửa thiền. Hôm mười bốn âm lịch vừa rồi, hội các cụ bà trong làng tổ chức đi vãn cảnh chùa và đưa đồ phúng lễ. Các cụ đi từ chiều mười bốn, để kịp lễ vào ngày rằm. Bởi vậy nên cái quán không có người trông. Cụ bà bèn nghĩ ra sáng kiến bắt cụ ông ra trông quán. Vừa đỡ dọn đồ lích kích, vừa “quản lý” được cụ ông khi cụ bà vắng nhà. Thật nhất cử lưỡng tiện.

Thực ra thì bác Cả không khoái gì cái cảnh ngồi bó gối rót nước hầu thiên hạ. Tuy vậy, sự chu đáo của cụ bà đã khiến bác mãn nguyện: một chái “cuốc lủi” nút lá chuối đàng hoàng đã giành sẵn cho bác nhâm nhi đỡ buồn. Quả là mầu nhiệm, bác Cả đã chịu trận một cách vui vẻ trọn một ngày. Thậm chí bác còn mở hàng phục vụ khách cho tới 9 giờ đêm mới chịu hạ liếp đóng hàng, lúc ngồi soạn tiền, bác khấp khởi mừng thầm vì cái duyên bán quán của mình. Tính ra, bác đã bán được tới hơn trăm ngàn tiền hàng. Ngày mai, cụ bà hẳn là phải tròn xoe mắt vì gói tiền này mất. Chà! Bác khoan khoái tự thưởng cho mình chén rượu trước khi cuộn tiền vào cạp quần và ngả lưng…

Đang lúc mơ màng, bác Cả bỗng giật nẩy mình vì như có ai đập tay vào vách liếp. Bác nhỏm dậy, nghe ngóng, tay không quên vớ cái gậy gỗ dưới chân giường.

- Ông ơi! Bố ơi! Cụ ơi!...

Hình như có tiếng phụ nữ. Mà nghe giọng còn trẻ lắm. Còn hình như gì nữa. Đích thị. Lại gọi đúng bác. Bởi vậy, bác hắng giọng:

- Ai thế? Đêm khuya khoắt đến có việc gì?

Tiếng bên ngoài mừng rỡ:

- May quá! Con biết bố vẫn thức. Bố ơi! Con nhỡ chuyến xe đò, phải đi bộ về, đói lả người. Bố làm ơn có gì bán cho con ăn tạm. Phiền bố.

À, thì ra là người nhỡ độ đường, lại là đàn bà con gái. Tội nghiệp. Bác Cả châm vội cái đèn. Ồ! Còn đến hai cặp bánh chưng. Thôi thì, bán được hàng mà lại ra người làm phúc. Nghĩ vậy, bác Cả bèn hé cánh liếp. Tuy vậy, vẫn không quên bài học cảnh giác như đã ngấm vào trong máu, bác nhòm qua kẽ liếp mở hé để quan sát. Sự cảnh giác quá thừa. Đúng là chỉ có một người phụ nữ, đeo một cái tay nải, mà dáng điệu thì đặc nhà quê…

Ngọn đèn dầu tuy leo lét, bác Cả vẫn nhận ra một khuôn mặt còn khá trẻ. Ồ! Mà lại khá xinh nữa. Cô gái (thôi thì cứ gọi cô gái cho tiện) có vẻ vừa mệt mỏi vừa rét, ngồi co ro trên ghế. Bác Cả thương hại hỏi:

- Nhà chị uống chén nước cho ấm bụng.

- Cảm ơn bố. Nhưng con đang đói…

Chợt trông thấy bánh chưng, cô gái reo lên, cầm vội một chiếc, bóc ăn. Tuy nói rằng đói ngấu, nhưng cô ta ăn có vẻ rất khảnh. Ăn mãi mới hết một cái. Bác Cả vội giục:

- Nhà chị ăn nữa đi.

Cô gái lắc đầu:

- Con là quá đói, nên chỉ thấy mệt. Xin bố chén nước.

- Hay chị… không đủ tiền?

- Dạ, không! Chả nói giấu gì bố, con có bọc tiền tướng trong này. Ấy! Lúc nay cũng vì sợ kẻ gian cướp của, mới phải liều gõ cửa bố đấy ạ!

- Thế đi dâu mà vội vàng… sao không nghỉ lại sáng mai?

- Nó là thế này… chứ con đâu muốn đi đêm về khuya…

Cô gái vừa uống nước, vừa kể lể dài dòng, thì ra là một cô gái đi buôn. Chỉ vì ở quê ít ruộng nhiều người… mà cũng tội nghiệp… thân gái.

Bác Cả đang mủi lòng về cô gái, bỗng nghe tiếng gà gay canh một. Có dễ đã đến giờ Tí. Bác Cả vội nhắc khéo:

- Khuya rồi! Nhà chị không tranh thủ đi, lại nhỡ việc… Cô gái nhăn nhó:

- Chả nói giấu gì bố, con là phận gái, trong túi lại có bọc tiền, nên con đi ra đường giờ này, có khi không chỉ mất của mà còn thiệt người. Bởi vậy, thôi thì bố thông cảm… Hết bao nhiêu tiền, con…

- Không phải chuyện tiền…

- Con biết! Bố sợ tai tiếng. Nhưng bố thì già, chả ai nỡ đặt điều. Vả lại, con cũng là bất đắc dĩ…

Thì đúng là bất đắc dĩ thật. Bác Cả cảm thấy mủi lòng. Với lại cô gái chỉ xin ngủ ở cái ghế. Tóm lại là chỉ trú nhờ cho qua đêm. Thôi thì… đã chót phải chét. Bác Cả đành đồng ý…

Rồi đang lúc ngủ mệt, bác Cả bỗng giật nẩy mình lần nữa. Bác nhận ra hơi thở nóng hổi phả vào mặt, giọng nói thì êm như nhung:

- Bố ơi! Muỗi quá, bố cho con nhờ cái chân vào màn của bố.

Bác Cả chưa kịp phản ứng thì không chỉ cái chân mà cả cái đùi, cái bụng, cái ngực… nó đã chiếm lĩnh trên cái chõng trẻ ọp ẹp của bác. Bác Cả chống cự yếu ớt:

- Ơ hay nhỉ? Có… ra… không… tao kêu lên bây giờ…

Cô gái cười khúc khích:

- Bố buồn cười nhỉ? Con đố bố dám kêu. À! Hay bố để con kêu thay bố nhé! Ối giời ơi…

Bác Cả hốt hoảng bịt tay vào mồm cô gái, gắt:

- Đồ nỡm!

Sau câu mắng có phần âu yếm của bác Cả, thì chỉ còn là tiếng cười khúc khích nho nhỏ và sau cùng là tiếng thở phì phò của “cụ ông”. Ôi! Cái tuổi già khốn khổ. Sự sung sướng đâu có kéo được dài, mà cái sự mệt nhọc thì… quá xá!

*   *

Khi bác Cả tỉnh dậy (và giật mình), thì trời đã sáng bạch. Cô “tiên” đêm qua đã biến mất. Cũng biến mất luôn cái bọc tiền bác đã lận rất kỹ trong cạp quần. Nghe nói là vì sự cố quá đau, bác Cả đã phải kêu giời, và cực chẳng đã, đi báo công an xã. Công an xã, sau khi nghe cặn kẽ câu chuyện, bèn rất “hữu nghị” phạt bác Cả năm ngàn đồng với lý do chứa chấp người lạ không khai báo. Đồng thời họ còn nói nhỏ với bác, đó chính là một loại “điếm” đóng giả quê mùa, đang từ ngoài tỉnh tràn về các vùng nông thôn kiếm ăn. Bác nên mau đến trạm y tế mà “kiểm tra sức khỏe”.

Điều đáng buồn nhất với bác Cả, là chính vì mạng lưới thông tin ở nông thôn thật tuyệt hảo, nên câu chuyện “tiền mất tật mang” của bác Cả đã nhanh chóng đến tai cụ bà. Không biết khi về tới nhà, thì cơn thịnh nộ của cụ bà ra sao, chỉ biết rằng, nghe xong chuyện, cụ vẫn kiên nhẫn lần tràng hạt mà nam mô niệm Phật. Thế mới thực là:

Một phút lên tiên, ai bảo khổ?

Đụng vào hang quay, có sướng gì!

Muốn biết số phận bác Cả của chúng ta ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ.

LA QUÁN GIÓ

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ Bảy
    Truyện dài kỳ 04/12/2021 - 07:48

    'Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa' là sự thấu hiểu và sự cảm thông của nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu hướng về những người nông dân chất phác.

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ Sáu
    Truyện dài kỳ 26/11/2021 - 15:59

    ‘Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa’ phơi bày bi hài kịch của những kẻ nhẹ dạ và cả tin, khi va chạm với thực tế xô bồ đô thị đầy chiêu trò tinh quái

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ Năm
    Truyện dài kỳ 22/11/2021 - 14:46

    ‘Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa’ được độc giả để dành đọc cho nhau nghe sau những buổi lên nương lên rẫy, như một món quà tinh thần thú vị.

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ Ba
    Truyện dài kỳ 19/11/2021 - 11:04

    ‘Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa’, đã khẳng định tấm lòng của nhà văn – nhà báo với những người nông dân cần cù và thua thiệt.

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ hai
    Truyện dài kỳ 17/11/2021 - 20:59

    ‘Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa’ phơi bày bi hài kịch của những kẻ nhẹ dạ và cả tin, khi va chạm với thực tế xô bồ đô thị đầy chiêu trò tinh quái

  • 'Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa' và tiếng cười nâng đỡ kẻ nhẹ dạ
    Truyện dài kỳ 16/11/2021 - 16:48

    'Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa' được nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu ký hai bút danh Tú Sườn và La Quán Gió, từng khiến bạn đọc hào hứng và say mê.

  • Vỡ lẽ
    Truyện dài kỳ 19/08/2016 - 08:37

    Lên Thủ đô, hôm đầu Hải và Dung tá túc trong một nhà nghỉ. Hôm sau, họ tìm nhà, và thật may mắn, thuê được một căn hộ tập thể trên tầng 10 của một chung cư, với giá rất hợp lý, chỉ 5 triệu đồng một tháng.

  • Sát cánh
    Truyện dài kỳ 18/08/2016 - 08:55

    Vừa gặp nhau trong quán cà phê, Dung gục đầu vào vai Hải, khóc òa lên. Hải ôm lấy người yêu, vuốt ve, an ủi cô: Em đừng buồn. Sóng gió rồi sẽ qua thôi.

  • Chia rẽ
    Truyện dài kỳ 17/08/2016 - 09:57

    Ông Quỳnh gầm lên: "Hải. Thằng Hải đâu. Xuống gặp bố ngay". Nghe tiếng chồng, bà Hoa, vợ ông, hớt hải chạy ra: "Con nó ở trên phòng nó. Để tôi lên tôi gọi nó xuống."

  • Bão táp
    Truyện dài kỳ 16/08/2016 - 09:06

    Cả tỉnh như một chảo nước sôi sùng sục trước cơn “bão” dư luận. Báo chí đã “săn” được đích danh ông Quỳnh để phỏng vấn.

  • Tình yêu
    Truyện dài kỳ 15/08/2016 - 09:18

    18 giờ, Hải và Dung mới rời Thủ đô, dự định 22 giờ sẽ về đến nhà. Nhưng mới đi được chừng hơn 20 km, đến thị trấn Liên Khê thì bất ngờ trời nổi cơn dông, rồi mưa như trút.

Xem thêm
Trưng bày 70 tác phẩm mỹ thuật về lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ

Ngày 26/4, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai mạc triển lãm ‘Đường lên Điện Biên’ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm