| Hotline: 0983.970.780

Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ Năm

Thứ Hai 22/11/2021 , 14:46 (GMT+7)

‘Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa’ được độc giả để dành đọc cho nhau nghe sau những buổi lên nương lên rẫy, như một món quà tinh thần thú vị.

Nhà văn - nhà báo Đỗ Bảo Châu.

Nhà văn - nhà báo Đỗ Bảo Châu.

Nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu (12/1/1946 – 4/11/2021) là một cây bút gắn bó mấy mươi năm với sự tồn tại và phát triển của báo Nông Nghiệp Việt Nam. Ông không chỉ mang đến cho bạn đọc những bài điều tra sắc sảo và cẩn trọng, mà ông còn tạo ra dấu ấn riêng trên báo Nông Nghiệp Việt Nam bằng thiên truyện dài kỳ “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” đáo để và hài hước.

“Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” được nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu ký hai bút danh Tú Sườn và La Quán Gió, có ngầm ý trào lộng bản thân là hậu sinh của Tú Xương và La Quán Trung. Mà sự thật thì “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” đã chứng minh điều ấy, vì ông viết với điệu cười chua cay kiểu Tú Xương và tình tiết chương hồi kiểu La Quán Trung.

“Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” từng được độc giả báo Nông Nghiệp Việt Nam theo dõi hào hứng và say mê. Thậm chí, nhiều bà con vùng sâu, vùng xa còn lưu trữ để dành đọc cho nhau nghe sau những buổi lên nương lên rẫy, như một món quà tinh thần thú vị. Yếu tố nào đã làm nên giá trị hấp dẫn kỳ lạ của “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa”? Đó là sự thấu hiểu và sự cảm thông của nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu hướng về những người nông dân chất phác.

Thông qua hình tượng nhân vật Cả Tĩn, “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” phơi bày bi hài kịch của những kẻ nhẹ dạ và cả tin, khi va chạm với thực tế xô bồ đô thị đầy chiêu trò tinh quái và bịp bợm. Cả Tĩn nhẹ dạ vì lương thiện, cả tin vì nhân hậu. Cả Tĩn bị lừa gạt nhiều lần, nhưng không oán hận tình đời và không chối bỏ tình người. Những trớ trêu mà Cả Tĩn nếm trải, khiến độc giả cười ra nước mắt, nhưng dứt tiếng cười lại thấy đồng cảm xót xa và trìu mến gần gũi.

Nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu cả đời luôn giữ quan niệm về nghề cầm bút “để lại nhân cách, cũng là tác phẩm”. Và khi ông đã rời xa cõi nhân gian này, đồng nghiệp và công chúng đều nhận ra, ông không chỉ để lại nhân cách mà còn để lại tác phẩm. Chỉ riêng “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa”, đã khẳng định tấm lòng của ông với những người nông dân cần cù và thua thiệt. Ông bao dung sự yếu đuối của họ, ông cổ vũ sự hăm hở của họ và ông nâng đỡ sự trong sáng của họ.

Để tưởng nhớ nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu, báo Nông Nghiệp Việt Nam xin giới thiệu lại một số trích đoạn đáng nhớ từ thiên truyện dài kỳ “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa”.

HỒI THỨ 5

Giữ thuyết “trời sinh voi”- Ba lần vỡ kế hoạch

Chủ trương “người vốn quý”- Một bận lên tỉnh thành

Như bạn đọc đã biết, nhiều lần ra tỉnh, bác Cả Tĩn của chúng ta bị những quả “lừa” đậm, đã bị bác Cả gái điên tiết “quản thúc tại gia”. Nỗi khổ này không của riêng bác Cả, mà lây lan sang cả người chép chuyện. Bác Cả không lên tỉnh, lấy gì mà kể với bạn đọc? May sao đúng lúc ấy có một vị “quân sư quạt điện” đến rỉ tai và người chép chuyện vỗ đùi đánh đét mà thốt lên: “Người nói chính hợp ý ta”.

Ngay hôm đó, người chép chuyện đóng vai người đi sưu tầm chuyện dân gian, mang theo một bình rượu ngon, đến thẳng nhà bác Cả Tĩn…

Rượu mới được vài tuần, bác Cả đã thao thao bất tuyệt. Bao nhiêu câu chuyện bí mật của đời bác, đều bị “bật mí” nhờ hơi men.  Bởi vậy nên người chép chuyện mới lại có chuyện để kể hầu bạn đọc.

Câu chuyện mà bác Cả kể sau đây, là từ cái hồi còn trai trẻ. Bác Cả giai đúng là một lực điền. Còn bác gái giống như mài mại. Nghĩa là cứ sòn sòn năm một. Hai năm đầu, bác liên tiếp cho ra đời hai cô gái. Bác Cả bắt đầu sốt ruột. Thời đó cũng đã có phong trào “kế hoạch hóa gia đình”. Tuy vậy, ở nông thôn có phần châm chước hơn.  Lại thêm lý do bác Cả mới có “tẻ” mà chưa có “nếp”. Năm thứ ba, bác gái tiếp tục cho một… cô bướm ra đời. Thế này thì quá lắm. Mặc dù đã có lời gàn, bác Cả nhất quyết không nghe. Bởi vậy năm sau, bác gái lại bắt đầu đeo “trống quân”.

Thật không có gì cơ cực hơn, đến lần thứ tư lại vẫn là bướm. Một đàn bướm trắng bay ra bay vào khiến cho bác Cả điên đầu. Có lời xì xào, là có lẽ bác gái không biết đẻ con giai. Và nghe đâu, bác trai đang tấp tểnh kiếm thêm bà vợ bé.

Đối với những lời đồn khác, có thể bỏ ngoài tai. Nhưng với lời “ong tiếng ve” này, bác gái hậm hực lắm lắm. Bởi thế, tuy đã bốn lần mang nặng đẻ đau, khổ cực trăm bề, bác gái vẫn đồng tình với đức ông chồng “quá tam ba bận” và tặc lưỡi theo cái thuyết “trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Chín tháng sau cái hôm tặc lưỡi ấy, bác gái lại bắt đầu chuẩn bị cho công việc sinh nở.

Ngắm nhìn cái bụng của vợ mình tròn, to khác thường, bác Cả chắc mẩm lần này đích thị là con giai. Bởi thế, bác quyết tâm cho vợ ra nhà thương của tỉnh để sinh nở. Thậm chí, là tỉnh trung ương hẳn hoi chứ không phải là tỉnh lẻ đâu nhé. Người nối dõi tông đường tương lai, chứ đâu có phải chuyện đùa?

Bác Cả trông thế, nhưng lại là người khá chu đáo. Bác tính nhẩm ngày bác gái khai hoa, và lên một phương án chuẩn bị. Đùng một cái, bác gái trở dạ sớm hơn sự tính toán gần một tuần, khiến cho bác giai cuống quýt. Bác vội vàng huy động hai cái xe đạp và một cái võng. Đó chính là loại “xe cấp cứu” thông dụng ở nông thôn. Hai thanh niên lực lưỡng ngày đêm đạp xe đưa bác gái lên tỉnh.

Tuy rằng đã sinh nở tới 4 lần, nhưng đây là lần đầu tiên bác Cả giai và bác Cả gái đến nhà thương ở thành phố. Ôi! Sao cơ man là người đi đẻ. Hay là ở ngoài thành phố người ta không phải kế hoạch như ở nông thôn? Thấy đông người chen chúc, chạy đi chạy lại  lăng xăng, quả là bác Cả có lúng túng. Cũng may, vừa lúc ấy bác sĩ gọi bác Cả gái vào khám. Bác giai hồi hộp đứng chờ ở ngoài.

Một lúc khá lâu sau, bác gái lặc lè đi ra, nhăn nhó: “Bác sĩ bảo cứ chờ. Chưa đẻ ngay đâu mà sợ!”.

Bác Cả vội an ủi:

-Thì người ta có nghề, người ta bảo thế là đúng thế. Tại mình cứ lo quá đó thôi.

Thấy lời động viên của bác giai có lý, bác gái bớt nhăn nhó, yên tâm ngồi đợi. Ngay lúc ấy có một phụ nữ bụng to được anh chồng (trông có vẻ sang trọng, giàu có) đưa vào. Anh ta đẻ vợ ngồi xuống ghế và đi tắt vào buồng gặp bác sĩ trước. Một lát sau chị vợ vội vã được đưa vào, khám xét rất nhanh, rồi lại vội vã được đưa lên bàn đẻ. Nửa tiếng sau, bác Cả giật nảy mình khi nghe tiếng khóc chào đời của đứa trẻ. Anh chồng mặt tươi như hoa, lại đi tắt vào phòng bác sĩ.

Trước cảnh tượng xảy ra ngay trước mắt một cách mau lẹ và rõ rành rành như vậy, bác Cả vừa sốt ruột vừa bực mình. Không đừng được, bác xông thẳng vào phòng bác sĩ, nói như quát: “Bác... bác xem trường hợp của vợ tôi…”.

Bác sĩ không ngẩng lên, hí hoáy viết. Một lúc đưa cho bác mảnh giấy và nói:

-Bác đưa bác gái sang phòng chờ. Cứ thong thả, chưa đẻ đâu mà rộn.

Bác Cả hậm hực đi ra. Vừa đi, bác vừa lẩm bẩm: “Thế mà mình cứ tưởng thầy thuốc như  mẹ hiền. Nào ngờ trong bệnh viện cũng lắm tiêu cực. “Nó” quen biết, móc ngoặc, thì vợ “nó” được đẻ ngay. Còn mình, quê mùa, thì “nó” bắt chờ, bắt đợi”.

Lần ấy, bác Cả nhớ đời vì phải chờ ròng rã hai ngày, nhà thương mới “cho” vợ bác đẻ. Cũng may vợ bác sinh được một thằng cu. Ấy chính cái thằng cu đang đứng hầu rượu bác và người chép chuyện trong bữa tiệc rượu này đây.

Thực là:

Nếu hiểu thế nào là quy luật.

Có đâu bác Cả phải bực mình?

Muốn biết có còn chuyện bác Cả ra tỉnh nữa hay thôi, xin xem hồi sau sẽ rõ.

LA QUÁN GIÓ

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ Bảy
    Truyện dài kỳ 04/12/2021 - 07:48

    'Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa' là sự thấu hiểu và sự cảm thông của nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu hướng về những người nông dân chất phác.

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ Sáu
    Truyện dài kỳ 26/11/2021 - 15:59

    ‘Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa’ phơi bày bi hài kịch của những kẻ nhẹ dạ và cả tin, khi va chạm với thực tế xô bồ đô thị đầy chiêu trò tinh quái

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ Tư
    Truyện dài kỳ 21/11/2021 - 10:12

    ‘Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa’ là sự thấu hiểu và sự cảm thông của nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu hướng về những người nông dân chất phác.

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ Ba
    Truyện dài kỳ 19/11/2021 - 11:04

    ‘Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa’, đã khẳng định tấm lòng của nhà văn – nhà báo với những người nông dân cần cù và thua thiệt.

  • Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa - Hồi thứ hai
    Truyện dài kỳ 17/11/2021 - 20:59

    ‘Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa’ phơi bày bi hài kịch của những kẻ nhẹ dạ và cả tin, khi va chạm với thực tế xô bồ đô thị đầy chiêu trò tinh quái

  • 'Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa' và tiếng cười nâng đỡ kẻ nhẹ dạ
    Truyện dài kỳ 16/11/2021 - 16:48

    'Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa' được nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu ký hai bút danh Tú Sườn và La Quán Gió, từng khiến bạn đọc hào hứng và say mê.

  • Vỡ lẽ
    Truyện dài kỳ 19/08/2016 - 08:37

    Lên Thủ đô, hôm đầu Hải và Dung tá túc trong một nhà nghỉ. Hôm sau, họ tìm nhà, và thật may mắn, thuê được một căn hộ tập thể trên tầng 10 của một chung cư, với giá rất hợp lý, chỉ 5 triệu đồng một tháng.

  • Sát cánh
    Truyện dài kỳ 18/08/2016 - 08:55

    Vừa gặp nhau trong quán cà phê, Dung gục đầu vào vai Hải, khóc òa lên. Hải ôm lấy người yêu, vuốt ve, an ủi cô: Em đừng buồn. Sóng gió rồi sẽ qua thôi.

  • Chia rẽ
    Truyện dài kỳ 17/08/2016 - 09:57

    Ông Quỳnh gầm lên: "Hải. Thằng Hải đâu. Xuống gặp bố ngay". Nghe tiếng chồng, bà Hoa, vợ ông, hớt hải chạy ra: "Con nó ở trên phòng nó. Để tôi lên tôi gọi nó xuống."

  • Bão táp
    Truyện dài kỳ 16/08/2016 - 09:06

    Cả tỉnh như một chảo nước sôi sùng sục trước cơn “bão” dư luận. Báo chí đã “săn” được đích danh ông Quỳnh để phỏng vấn.

  • Tình yêu
    Truyện dài kỳ 15/08/2016 - 09:18

    18 giờ, Hải và Dung mới rời Thủ đô, dự định 22 giờ sẽ về đến nhà. Nhưng mới đi được chừng hơn 20 km, đến thị trấn Liên Khê thì bất ngờ trời nổi cơn dông, rồi mưa như trút.

Xem thêm
Chuẩn bị đón bằng di tích quốc gia đặc biệt Hải Thượng Lãn Ông

Hà Tĩnh Những hạng mục, công việc cuối cùng chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đang được tỉnh Hà Tĩnh gấp rút hoàn thành.

Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.