Cả thế giới sững sờ trước hình ảnh bảo vật của Paris chìm trong lửa đỏ. Nhà thờ Đức Bà Paris là biểu tượng văn hóa, kiến trúc, tôn giáo vượt ra khỏi biên giới nước Pháp.
Vụ cháy khiến những người yêu Paris đau buồn |
Nó được xây dựng trên Île de la Cité (nghĩa là “đảo của thành phố”), một hòn đảo tự nhiên giữa sông Seine. Trong hơn 850 năm qua nó vừa là trái tim cả về mặt địa lý, cả về tinh thần của Paris, thủ đô nước Pháp.
Thăng và trầm
Công việc xây dựng nhà thờ bắt đầu từ năm 1160 (ở Việt Nam đang là thời nhà Lý), dưới sự chỉ đạo của giám mục Maurice de Sully. Một nhà thờ La Mã được xây dựng trước đó đã bị phá bỏ, nhường chỗ cho một nhà thờ to lớn, tham vọng hơn theo phong cách Gothic.
Notre Dame, trong tiếng Pháp có nghĩa là “Đức Mẹ của chúng tôi”, là một nhà thờ Thiên Chúa Giáo, công trình kiến trúc nổi tiếng hàng đầu thế giới.
Giám mục De Sully đã không thể sống tới ngày nhà thờ hoàn thành. Trong thực tế, 182 năm trước khi nhà thờ hoàn thành vào năm 1345, công việc xây dựng được tiếp tục bởi các chức sắc tôn giáo kế nhiệm giám mục De Sully, với các bậc thầy về xây dựng tham gia.
Một trong những tiến bộ đáng kể nhất trong việc thi công công trình là áp dụng các “trụ bay”, giúp công trình có kết cấu vững chắc, đảm bảo an toàn cho một mái vòm lớn có hơn 6.000 tín đồ đang hành lễ bên trong.
Công trình Nhà thờ Đức Bà còn nổi tiếng với cây đàn organ kết cấu bằng 8.000 ống điều khí. Đây là một trong những dàn đàn organ lớn nhất thế giới. Điều may mắn trong vụ cháy vừa qua là dàn đàn ống này đã không hề hấn gì. Các tháp chuông cũng được bảo toàn.
Tuy nhiên, toàn bộ kết cấu bằng gỗ bên trong nhà thờ đã cháy rụi.
Vua Henry VI đã tự tấn phong mình là vua nước Pháp tại Nhà thờ Đức Bà vào năm 1431 và Napoleon đã đăng quang hoàng đế Pháp cũng tại đây vào năm 1804.
Nhà thờ Đức Bà Paris đã từng bị hủy hoại nghiêm trọng trong Cuộc cách mạng Pháp. Trong thời gian này, các bức tượng đã bị bỏ đi và nhà thờ được dùng vào việc chứa lương thực. Vào thế kỷ 19, nhà thờ được phục chế dưới bàn tay của kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc. Tháp nhọn cao nhất nhà thờ, đã sụp trong vụ cháy vừa qua, được xây dựng trong lần phục chế này.
Việc nhà thờ được phục chế sau Cách mạng Pháp một phần nhờ vào sự thành công của tiểu thuyết “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” (Notre Dame de Paris) của Victor Hugo ra mắt năm 1831. Tiểu thuyết đã khiến công chúng phải chú ý về sự tiều tụy của nhà thờ.
Nhà thờ trên “đảo của thành phố” |
Trở lại vụ cháy hôm vừa rồi. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tại hiện trường vụ hỏa hoạn, đã mô tả đây là “một thảm kịch tồi tệ”, nhưng nhanh chóng hứa rằng chính quyền sẽ cùng người dân Paris xây lại nhà thờ.
“Đây thực sự là một trong những nhà thờ trung cổ đẹp và quan trọng bậc nhất thế giới”, "Yaron Yarimi, một nhà kinh doanh du lịch và chuyên gia về Paris nói với đài CNN. “Nhà thờ cũng nằm trong số một trong năm điểm được du khách đề nghị tới thăm nhiều nhất khi chúng tôi tổ chức các tour tới thủ đô Paris của nước Pháp”. Yarimi nói ông rất buồn vì đám cháy ở Nhà thờ Đức Bà Paris. “Đúng là một thảm kịch hiện ngay trước mắt chúng ta”.
Những cuộc bể dâu
Đảo Île-de-la-Cité từng là một khu đô thị nhỏ có từ thời La Mã mang tên Lutetia. Năm 1710, người ta tìm thấy ở đây những mảnh tàn tích của các bức tượng thần Jupiter và các vị thần khác trong văn hóa Hy Lạp - La Mã trong một cuộc khai quật. Tuy nhiên chưa ai dám chắc đó có phải là dấu tích của một ngôi đền cổ xưa hay không. Trong những năm 1960-1970, người ta tìm thấy thêm nhiều di vật có từ thời cổ đại ở vị trí quảng trường ngay trước Nhà thờ Đức Bà Paris.
Trải qua gần 1.000 năm, nhà thờ Đức Bà đã chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của thời đại, của lịch sử nước Pháp và thế giới. Năm 1793, giữa cao trào của Cách mạng Pháp, 28 bức tượng vua chúa trong kinh thánh của nhà thờ đã bị đám đông buộc dây giật đổ, chặt đầu. Cùng trong năm đó nhưng diễn ra trước là sự kiện vua Louis XVI bị đưa lên máy chém và các biểu tượng liên quan đến triều đình phong kiến bị phá hủy khắp nơi. Các bức tượng mất đầu cuối cùng bị chất đống và rồi Bộ trưởng Nội vụ Pháp sau đó ra lệnh mang chúng ra tái chế làm vật liệu xây dựng. Mãi đến năm 1977, 21 chiếc đầu tượng mới được thu hồi khi người ta thi công tầng hầm của Ngân hàng Ngoại thương Pháp. Nay chúng được trưng bày ở bảo tàng Musée de Cluny, cũng gần nhà thờ Đức Bà.
Sự lộng lẫy của nhà thờ Đức Bà |
Tượng các vị vua chúa không phải là những thứ duy nhất bị hủy hoại trong Cách mạng Pháp. Nhà thờ Đức Bà, cũng như bao nhiêu nhà thờ khác khắp nước Pháp, đều trải qua bể dâu trong giai đoạn cuối thế kỷ 18 khi các phong trào tôn giáo khác lấn lướt không gian Thiên Chúa Giáo. Trong thời gian này, toàn bộ 20 quả chuông của nhà thờ Đức Bà Paris, trừ quả chuông đúc năm 1681 mang tên Emmanuel bị tháo bỏ và nung chảy để làm đại bác.
Những chuông lắp thay thế không tốt như chuông cũ, chúng tạo ra những tiếng chói tai. Cuối cùng , vào năm 2013, người ta đã thực hiện phục chế lại chuông, đem lại âm thanh trong trẻo như từng có hồi thế kỷ 17. Quả chuông Emmanuel trong các dịp đặc biệt vẫn “hòa ca” cùng dàn chuông thế hệ sau.