| Hotline: 0983.970.780

Nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh: Làm thơ, viết văn là vô sở cầu

Thứ Năm 11/02/2016 , 14:35 (GMT+7)

Đã lâu không có dịp hầu chuyện nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh nên câu chuyện cứ muốn kéo dài ra... Nhân dịp năm mới, ông hào hứng tặng độc giả Báo NNVN câu thơ mới viết: “Tôn vinh một người quá cao/ Là ta hạ nhục biết bao nhiêu người”.

Thơ với vận mệnh dân tộc

Đời người làm thơ được thiên hạ nhớ cho một câu đã ghê, đằng này thơ Nguyễn Bảo Sinh được quần chúng nhớ hàng chục bài. “Huyền Thi cứ đọc lai rai/ Thấy sướng âm ỉ từ ngoài vào trong”. Xin được hỏi ông, trước khi viết thơ dân gian, ông có làm thơ không?

Tôi viết thơ từ thuở nhỏ, 9 - 10 tuổi tôi đã viết thơ rồi. Vào bộ đội tôi viết cũng nhiều.

Vào bộ đội ông có làm thơ trào phúng không?

Không. Lúc đó tôi làm thơ ảnh hưởng sâu sắc thơ Tố Hữu. Bài thơ “Đỉnh cầu gió lộng” tôi viết năm 1966 khi bảo vệ cầu Long Biên. “Trên nóc cầu Long Biên cao vời vợi/ Phấp phới ngọn cờ của trung đội tiểu cao/ Pháo thép chếch nòng sáng đầu nhọn mũi lao/ In trên mây trời năm 66/ Như dáng hình Thủ đô năm 46/ Tự vệ bom ba càng thiêu cháy xe tăng”.

Hay bài “Hà Nội năm 1967” tôi viết: “Tranh cổ động dựng trên căn nhà đổ/ Gà bới tìm sâu trên hố vòng bi/ Mũ rơm cũng rồng bay phượng múa/ Mũ sắt trùm trên mái tóc phi dê/ Đám cưới đi trên đường hằn xe xích/ Hoa phượng đỏ hơn so với lần báo động/ Trời cũng gần hơn qua kính ngắm tầm xa/ Pháo thủ số 5 cô gái Ngọc Hà”…

Thơ Nguyễn Bảo Sinh được mọi người chú ý từ khi nào?

Từ những năm 1980 trở lại. Lúc đó thời đại thay đổi. Chuẩn bị tư duy đổi mới. Lúc bấy giờ mới có sự trào phúng, có sự cởi mở, con người ta được tự do hơn, thoải mái hơn. Trên tầng chính thức thì có “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp; còn tầng dân gian cũng được phát triển mạnh mẽ hơn.

Khi nền chính trị thay đổi thì văn chương mới phong phú hơn được. Xã hội đòi hỏi một cái gì thay đổi thì đường lối chính trị của Nghị quyết Đại hội Đảng VI (1986) ra đời; xã hội thay đổi thì nguồn thơ ca cũng phải thay đổi.

Nếu không có luồng gió mới từ Đại hội VI thì sẽ không có được Nguyễn Bảo Sinh ngày hôm nay?

Đúng thế! Không ra được. Mình cũng gắn bó vận mệnh của mình với vận mệnh của cả nước chứ.

Ông còn nhớ những câu thơ trào phúng đầu tiên mình làm không?

Gần như đầu tiên thì đúng hơn. Lúc bấy giờ phong trào nuôi chó Nhật lên cao. Hôm ấy tôi ngồi chơi với ông Nguyễn Đức Toàn, đại tá, nhạc sĩ, họa sĩ, lãnh đạo văn công Tổng cục Chính trị.

Ngồi chơi, tôi hỏi: Lương đại tá về hưu của bác được bao nhiêu? Ông ấy bảo được 1 triệu, tức là 100 USD khi đó. Tôi lại hỏi: Bây giờ bác có muốn lương 10 triệu (1.000 USD) không? Có chứ. Sao lại không muốn. Anh bày cho tôi đi.

Bây giờ bác đừng sáng tác nhạc nữa, bác không vẽ nữa, bác theo tôi nuôi chó Nhật.

Anh có chắc không? Tôi chắc chắn. Thế mất khoảng bao nhiêu vốn? Ông Nguyễn Đức Toàn hỏi.

Bác chỉ cần bỏ ra 10 triệu thì tháng đầu bác có thể gỡ lại 10 triệu. Ông ấy bảo hay quá còn gì nữa. Đợi tôi vào họp Quốc hội đã.

Thơ Nguyễn Bảo Sinh không đùa tếu như thơ Bút Tre. Thơ Nguyễn Bảo Sinh có vẻ nghiêm túc tìm chân lý hơn. Chính vì vậy, nếu xét về phong độ (thơ) tôi nghĩ ở Bút Tre lớn hơn, phá đám hơn, ngầu hơn. Đọc thơ Bút Tre người ta cười to hơn. Đọc Nguyễn Bảo Sinh người ta cười nhỏ đi, đôi khi không cười mà chỉ à một tiếng: à ra thế, à là thế…
Tôi nghĩ ông (Nguyễn Bảo Sinh) không phải là người cố ý làm thơ, càng không phải là người cố ý làm thơ để phổ biến hay truyền bá. Ông làm thơ như một cách ghi nhật ký, ghi lại những ý nghĩ bất chợt mỗi khi ông ngẫm ra một điều gì đấy trên cơ sở quan sát hiện thực và mỗi khi ông rút ra được kinh nghiệm gì đấy từ cuộc đời ông.” - Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Nghe ông nói vậy, tôi nghĩ bụng: Quái lạ, ông này có phải nghị sĩ đâu mà họp Quốc hội. Hóa ra ông ấy thảo luận với vợ. Sau ra, ông nói: Quốc hội thông qua rồi. Ông ấy đưa tiền để tôi mua chó ông nuôi. Sau ông ấy mang chó đến lấy giống. Tôi có chó đực, ông có chó cái. Ông ấy hỏi tôi: Bao nhiêu tiền? Tôi bảo: 1,5 triệu. Ông bảo: Đắt quá, lương tôi có 1 triệu/tháng, mà lấy giống chó một lần tới 1,5 triệu.

Từ câu “đắt quá” của ông Nguyễn Đức Toàn, tôi làm mấy câu thơ, sau đó lưu truyền trong dân gian: “Chúng ta làm việc hết mình/ Không bằng con chó xuất tinh một lần”. Câu thơ nhanh chóng lan truyền trong cả nước. Bây giờ nó hết tính thời sự rồi nên người ta ít nhắc đến câu này.

Vô tình cắm liễu, liễu lên xanh...

Vậy để chuyển sang giai đoạn mới thì từ trong ý thức có vẻ như ông cũng không chuẩn bị gì cả mà do cuộc sống đưa đến...

Nói chung phải nói hai mặt thì nó đúng hơn. Thứ nhất, mình chẳng chuẩn bị gì cả. “Cửa vào đạo lớn vô hình/ Chỉ dành cho kẻ vô tình bước qua/ Cố tình trồng hoa, hoa không nở/ Vô tình cắm liễu, liễu lên xanh”. Nói thì như thế nhưng thật ra anh phải nhìn từ kiếp trước. Không phải kiếp này mà từ đời ông tôi, từ đời bố tôi đã chuẩn bị cho tôi, chứ một kiếp tôi không làm nổi.

Tôi nghĩ rằng tôi làm thơ vì có nghiệp. Tôi nghe thơ của bố tôi từ khi còn trong bụng mẹ và tôi thuộc lòng thơ bố tôi từ khi tôi 3 - 4 tuổi bập bẹ đọc thơ. Cụ bắt tôi phải tập đọc thơ. Tôi tập viết cụ cũng bắt viết thơ của cụ.

Mà thơ của cụ thì là thơ trào phúng?

Trào phúng.

Ông có thể đọc cho nghe một số câu...

Nhiều thơ trào phúng lắm nhưng có một điều như thế này, cụ yêu thơ thì không ai bằng nhưng thơ cụ không thành công. Lý do vì cụ là người sống trong hệ tư tưởng phong kiến rất chặt chẽ nhưng cụ lại làm thơ tục nên nó vênh nhau. Cụ nhà tôi sống một đằng làm thơ một nẻo. Còn tôi, thơ và đời như nhau. Thơ tục của cụ nói chung không nên đọc ra.

Khi thơ trào phúng của ông bắt đầu được bạn đọc để ý tới thì hai bố con có trao đổi với nhau không?

Có trao đổi chứ. Ngày nào cũng nói chuyện với nhau. Ngày nào cụ cũng về đây. Bà mẹ tôi tính rất ghét thơ nên về đây chơi là cụ vào thăm những người khác. Còn bố tôi về cái, xuống đây ngay và thế nào cũng thủ một bài thơ. Có hôm sáng sớm bố đã gõ cửa gọi tôi dậy. Tôi còn chưa kịp đánh răng, rửa mặt thì đã phải ngồi nghiêm chỉnh hầu thơ cụ, phát ốm lên.

Sau này cụ không để tên thật mà lấy bút danh là Xuân Phong. Tức là cụ muốn nối nghiệp thơ Hồ Xuân Hương. Ngày nào về là cụ cũng xuống tôi để đọc bài thơ vừa nghĩ ra. Rồi tuần nào cụ cũng gửi thư cho tôi qua bưu điện, mỗi tuần một bài thơ, mà tôi với cụ gặp nhau thường xuyên ở trên phố.

Có những lần cụ làm thơ tục, cụ để câu thơ ở đầu bàn. “Anh cười hí hí hì hì/ Làm nghề bóp vú anh thì phun ra/ Bóp kỳ tay mỏi mới tha/ Bạn bè khen giỏi gần xa phục mình/ Tôi liền lè lưỡi thất kinh/ Cái nghề bóp vú đáng khinh chừng nào/ Anh liền dẫn giải thấp cao/ Đã từng bóp vú biết bao nhiêu bò/ Chuyên cần vắt sữa sớm trưa/ Làm nghề bóp vú đã thừa mười năm”. Thơ của cụ trào phúng kiểu này thôi.

Tả thực mà không sâu sắc...

Hiện thực quá chứ nó không có ý nghĩa gì bên trong. Một lần tôi để bài thơ này đang đọc dở trên bàn rồi ra ngoài. Ông anh thứ hai nhà tôi đến, ông ấy lại không đọc kỹ. Thấy đề “Bóp vú” và “mùa hè năm 1999”. Đọc xong, ông hỏi tôi: “Xuân Phong là thằng nào mà làm thơ như cục ấy. Mà tuần nào thằng ấy nó cũng gửi thơ cho mày à? Tao thấy nhiều thư của thằng ấy lắm”.

Tôi nói đây là thư của bố. Thế là ông ấy im. Ông bố gửi thư cho tôi rất nhiều nhưng thơ cụ không hay.

Thơ cụ chỉ cười rộ lên là xong...

Có lần cụ ốm nặng, cụ gọi tôi lên. Cụ bảo: “Anh Sinh ơi, tôi ốm nặng kỳ này có lẽ không qua khỏi đâu. Trước khi tôi chết thì tôi vẫn có một điều băn khoăn thế này: Có nhiều người bảo thơ anh hay hơn thơ tôi. Có nhiều người lại bảo thơ tôi hay hơn thơ anh. Tôi có nhắm mắt sang bên kia thì tôi cũng phải trả lời được câu này”.

Tôi mới trả lời: “Thơ cụ hay hơn là cái chắc”.

Cụ ôm lấy tôi: “Thế là anh báo hiếu cho tôi đầy đủ lắm rồi. Tôi có chết tôi cũng mãn nguyện”.

Cụ lại không chết, sau đợt đó cụ khỏi bệnh đi chơi như thường, sống đến 95 tuổi mới đi. Tức là cụ chỉ đau khổ, ốm vì cái không biết là thơ mình với thơ ông con mình ai hay hơn ai mà băn khoăn trăn trở. Đấy, để thấy là đố kỵ trong nhà văn nó là điều tất nhiên, kể cả bố con. Khen thì hết mực nhưng thật ra là không chấp nhận nhau đâu.

Với thơ trào phúng, khi làm ông có phải sửa nhiều không, hay đặt bút là thành?

Thực ra có nhiều bài đọc được ngay. Cũng có nhiều bài phải sửa. Thơ trữ tình, thơ thiền thì sửa. Còn thơ trào phúng đang đêm mình đang ngồi tự nhiên mình hứng thú. “Đang ngồi tắm ở trong buồng/ Bỗng dưng thích thú cởi truồng làm thơ”. Đang tắm thế là thò tay ra ngoài gọi con: “Cho bố mượn cái bút để bố viết”. Làm thơ nó tự nhiên lắm chứ không phải chờ thi hứng đến đâu. Nói chung kinh nghiệm là phải chép tay, không thì lát lại quên ngay. Đêm ngủ thấy một câu thơ hay là phải dậy viết ngay. Thơ thường trực đi với tôi, nhất là thơ trào phúng.

Trong xã hội hiện nay tôi nghĩ rằng đấu tranh với tiêu cực không có cái gì hơn là làm thơ trào phúng. Vì xã hội nhiều cái hay lắm. Nếu anh phân tích tỉ mỉ sẽ thấy rất mâu thuẫn. Phê phán những sai lầm bằng trào phúng thì người bị phê cũng cảm thấy là không cay cú, người ta chấp nhận được. Còn nếu anh phân tích ra thì nó lại rất rắc rối. Chỉ là trào phúng. Quan điểm của tôi: Anh muốn từ bi thì phải hỉ xả. Anh phải có nụ cười. Trong văn thơ của tôi bao giờ cũng cười. Cười rũ rượi.

Cơ trời đóng mở ra vào...

“Cùng chung một chuyến đò ngang/ Kẻ thì sang bến người đang trở về/ Lái đò lái mãi thành mê/ Sang về chẳng biết mình về hay sang”. Câu thơ này báo chí từng ngại in của ông. Các nhà xuất bản có lẽ cũng ngại in thơ Nguyễn Bảo Sinh. Vậy mà gần đây “Bát phố” (NXB Hội Nhà văn, 2014) và “Thiền dân gian” (NXB Hội Nhà văn, 2015) của ông đã ra đời dày ngót nghét 1.000 trang...

Anh bạn tôi bảo phải văn bản hóa thơ đi chứ. Ừ, cũng nên. Công khai chứ mình chẳng ngại gì. Ban đầu, các NXB trông thấy tôi họ đều lắc đầu. Thực tế ra rất buồn cười là khi xuất bản rồi thì không có ai phản đối cả. Thơ của tôi được nhiều người trích dẫn.

Khi phát biểu với GS Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện Toán học thì GS Ngô Bảo Châu trình bày toán học Việt Nam cần trung thực chứ không ảo tưởng như nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh viết: “Tự do sướng nhất trên đời/ Tự lừa lại sướng bằng mười tự do”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh lại thường dùng một số câu thơ của Nguyễn Bảo Sinh để hoằng dương đạo pháp như: “Mời nhau ăn tiệc ăn nằm/ Mấy ai khao bạn bữa ăn khí trời/ Chúc nhau chúc đủ mọi lời/ Mấy ai chúc bạn thành người tốt hơn”.

Nhiều người cứ tưởng ông Sinh nọ kia. Không phải. Tôi rất yêu cuộc sống này: “Cơ trời đóng mở ra vào/ Đừng đem nhân định thay vào nhân duyên/ Đời là tinh khiết tự nhiên/ Đừng bôi một chữ mà thêm mình vào”.

Tôi có ông bạn hay chửi bới, thì tôi mới bảo ông ấy bằng câu thơ này: “Hận đời nát ruột bầm tim/ Trả thù đành phải sờ chim giải sầu” (cười).

Bây giờ thay những câu thơ truyền miệng thì đã có một tập sách chính thức của Nguyễn Bảo Sinh?

Vâng. Những bài thơ tràn lan trong dân gian người ta sẽ lấy câu thơ của mình người ta đặt cho người khác, lấy câu thơ người khác đặt cho của mình thì nó cứ lung tung đi, dị bản không ai chịu trách nhiệm về thơ truyền miệng, thế nhưng khi anh đã văn bản hóa thì anh phải chịu trách nhiệm. Còn truyền miệng trong dân gian thì kệ nó.

Có nhiều ông hỏi tôi: Có thằng nó lấy thơ của anh mà nó cứ khăng khăng là của nó. Anh nói cho nó một trận. Tôi bảo thôi, nói nó làm gì. Quan điểm của tôi thế này: “Gặp kẻ ăn cắp thơ ta/ Hóa ra người ấy lại là tri âm”. Thằng nó quý mình, nó lấy cả bài của mình, mình đang cám ơn nó không xong lại còn chửi bới nó làm gì. Thành ra tôi không có ý kiến gì cả. Còn khi in thành sách, có thể đôi lúc mình lẫn, vì đọc thơ người khác thuộc quá mà.

 Góc tù, góc nhọn mới hợp nhau

Chiều chiều cứ lên Hàng Hành là gặp ông và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bát phố cùng nhau. Giữa một người làm thơ và một người viết văn xuôi, giữa một người hiền hòa, trào phúng và một người sâu sắc, gai góc như Nguyễn Huy Thiệp thì làm sao hai ông có điểm chung để làm bạn với nhau và làm bạn được lâu đến như vậy?

Thật ra mà nói, hai người chúng tôi là hai mặt của một bản thể. Thứ nhất, về ý thức, ông Thiệp với tôi khá mâu thuẫn với nhau. Thế nhưng mà về vô thức thì hai người lại gặp nhau. Về ý thức, cách làm việc và cách suy nghĩ của ông Thiệp khác tôi. Về ý thức của tôi cũng khác với ông ấy.

Chúng tôi gặp nhau được, nói chuyện với nhau hàng mấy chục năm, ngồi với nhau được nhiều nhất là vì về vô thức rất hợp nhau. Sáng tạo là vô thức. Mà con người ta 80% là vô thức đấy chứ. Tôi với ông ấy ngồi với nhau nhiều khi cũng đồng sàng dị mộng. Mà chính tôi hợp ông ấy là vì hai thằng khác nhau, nếu giống nhau không chắc chơi được với nhau.

Ông Thiệp khác tôi ở chỗ này: Ông ấy làm việc gì cũng có mục đích. Tôi thì lại khác ông ấy. Thứ nhất là tôi chẳng mục đích gì cho nên tôi đi với ông ấy được. Tinh thần của tôi toát ra trong cuộc đời là vô sở cầu. Làm thơ làm văn là vô sở cầu. Cho nên hai người vì trái nhau, góc tù góc nhọn mới hợp được nhau. Chứ hai người giống nhau không chơi được với nhau.

Có lần nhà văn hóa Hữu Ngọc cũng hỏi tôi: “Ông có thù hằn gì với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không? Mà ông ta lại viết về ông một cách sai lầm như vậy?”. Tức là cụ nhắc đến bài Nguyễn Huy Thiệp viết về tôi: Nguyễn Bảo Sinh là nhà thơ dân gian.

Tôi trả lời cụ: “Tôi với Nguyễn Huy Thiệp ngày nào cũng gặp nhau”. Cụ lại hỏi: “Ông nghĩ thế nào về Nguyễn Huy Thiệp”. “Tôi và ông Nguyễn Huy Thiệp quen nhau bởi chữ duyên nên vô sở cầu”, tôi nói.

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Việt Nam sớm chuẩn bị cho giải boxing nữ thế giới 2025

Các tay đấm nữ Việt Nam dự kiến góp mặt ở Giải boxing nữ vô địch thế giới 2025 tại Serbia vào tháng 3 tới.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.