Nhà văn Văn Lê tên thật là Lê Chí Thụy, sinh ngày 2/3/1949 tại Gia Thanh, Gia Viễn, Ninh Bình. Tốt nghiệp trung học phổ thông, ông gia nhập quân đội và chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Đất nước thống nhất, ông chuyển ngành sang Xưởng phim Tài liệu. Thế nhưng, khi chiến tranh biên giới xảy ra, thì ông lại tái ngũ để cùng đồng đội làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Ông nghỉ hưu với tư cách một biên kịch của Hãng phim Giải Phóng.
Nhà văn Văn Lê khởi nghiệp bằng thơ. Ông được giải nhất cùng với Hữu Thỉnh và Anh Ngọc ở cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ 1975-1976. Bài thơ tiêu biểu giúp Văn Lê đăng quang là “Tiếng gọi bò” mà ông viết tại vùng ven đô Sài Gòn năm 1971 như một khát vọng có được cuộc sống thanh bình và giản dị: “Đêm xuống rồi, giữa đồng cỏ bao la/ Bỗng vỡ ra tiếng gọi bò thảm thiết/ Tiếng gọi bò hai đầu đêm biền biệt/ Cứ loang vào vây lấy không gian/ Tiếng gọi bò về đêm đặc khan/ Nghe chới với cồn cào trong khoảng vắng/ Tiếng pháo giặc nuốt đi rồi câm lặng/ Lại nôn nao khắc khoải tiếng gọi bò/ Tiếng gọi của mẹ già với sặc sụa cơn ho/ Tiếng gọi của em thơ nghe buồn như khóc/ Tiếng gọi bò vần ta trằn trọc/ Trong căn hầm trống trải ven sông”.
Sau giải nhất thi thơ Báo Văn Nghệ, Văn Lê tiếp tục được giải B cuộc thi thơ của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 1984. Có thể nói, trong 20 năm sau ngày non sông liền một dải, Văn Lê say sưa với vần điệu, và ông ra mắt bốn tập thơ “Một miền đất - Một con người”, “Khoảng trời xanh tôi biết”, “Phải lòng”, “Chim hồng nhạn bay về”.
Tuy nhiên thơ không đủ biên độ để giải tỏa những suy tư ngổn ngang của Văn Lê trước cuộc sống đổi mới, nên ông dùng tiểu thuyết để bày tỏ lòng mình. Những mất mát của chiến tranh và những đổi thay của thời đại, đã ùn ùn tràn vào trang viết của Văn Lê. Với bút lực mạnh mẽ, Văn Lê tung tẩy qua hàng chục tiểu thuyết “Người gặp trên tàu”, “Khoảng rừng có những ngôi sao”, “Hai người còn lại trong rừng”, “Khi tòa chưa tuyên án”, “Tiếng rơi của hạt sương”, “Nếu anh còn được sống”, “Mỹ nhân”, “Thù lao cuộc sống”, “Chòm sao khuất bóng”, “Mùa hè giá buốt”, “Phượng hoàng”, “Khế ước cuộc đời”…
Từ gợi ý của những nhà sản xuất, Văn Lê không những chuyển thể tiểu thuyết của mình để đưa lên màn ảnh, mà ông còn trực tiếp viết nhiều kịch bản nổi tiếng. Một tác phẩm biên kịch của Văn Lê rất được hâm mộ là “Long thành cầm giả ca”. Đạo diễn Đào Bá Sơn đã dàn dựng bộ phim “Long thành cầm giả ca” với hai diễn viên chính Nhật Kim Anh và Quách Ngọc Ngoan, vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Bộ phim “Long thành cầm giả ca” nói về cuộc hạnh ngộ giữa thi hào Nguyễn Du với một ca nữ đất kinh đô, nhiều trắc ẩn và lắm nghẹn ngào. Kịch bản "Long thành cầm giả ca" đoạt giải nhất cuộc thi viết "1000 năm Thăng Long - Hà nội" không chỉ mang lại cho Văn Lê giải thưởng biên kịch xuất sắc của Liên hoan phim Việt Nam, mà bộ phim “Long thành cầm giả ca” còn được trao giải “Bộ phim xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Châu Á- Thái Bình Dương.
Nhà văn Văn Lê đóng góp tích cực ở cả hai lĩnh vực văn chương và điện ảnh, nên ngoài chức phận nhà văn thì Văn Lê còn được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.
Linh cữu của nhà văn Văn Lê được quàn tại nhà riêng số 28 đường Văn Chung, phường 13, quận Tân Bình, TPHCM. Lễ viếng bắt đầu từ hôm nay, lễ an táng được tổ chức vào ngày 9/9..