Thành tựu khoa học của Đại học A&F Tây Bắc, đánh dấu nỗ lực đầu tiên của các nhà khoa học trong nước trong việc thu thập, khôi phục và bảo tồn nguồn gen của "siêu bò sữa" ở Trung Quốc với phương pháp chuyển nhân tế bào sinh dưỡng và tái tạo chúng một cách hiệu quả.
Theo đó, con bê đầu tiên nặng 56,7 kg, cao 76 cm và dài 113 cm khi mới sinh, đồng thời nó có hình dạng và kiểu da chính xác của mục tiêu được nhân bản, theo như thông cáo báo chí từ Đại học A&F Tây Bắc hôm thứ Ba (mùng 10 tháng Giêng).
Con bê này, cùng với hai con khác cũng được nhân bản vô tính thành công, đang được nuôi ở các trang trại khác nhau ở Trung Quốc. Đây đều là những siêu bò, có khả năng sản xuất tới 18 tấn sữa mỗi năm và hơn 100 tấn sữa trong cả vòng đời.
Ông Jin Yaping, người đứng đầu dự án, nói với Global Times rằng bước đột phá này có ý nghĩa to lớn đối với Trung Quốc trong việc tập trung và bảo tồn một cách khả thi về mặt kinh tế những con bò tốt nhất trong nước, và đó là một thành công trong nỗ lực của đất nước nhằm hồi sinh ngành nông nghiệp với những con giống và vật nuôi quan trọng.
Thông cáo báo chí cho biết, đối với lĩnh vực phát triển và chăn nuôi bò sữa, Trung Quốc đang phải phụ thuộc tới khoảng 70% vào việc nhập khẩu từ nước ngoài.
Hiện quốc gia này đang có khoảng 6,6 triệu con bò sữa giống Holstein Friesian (HF) có năng suất cao nổi tiếng - được nhập khẩu trong những năm qua. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 5 trong số 10.000 con bò sữa ở Trung Quốc có năng suất cao, sống lâu và đồng thời chống chịu được căng thẳng trong môi trường ở đại lục, có tính đến các vấn đề như khí hậu.
“Ngoài ra, một số siêu bò không được xác định danh tính cho đến gần cuối đời và gen của chúng bị mất khi chúng chết đi, đây là một tổn thất đối với đất nước. Chưa kể, do những giống bò sữa còn đang nuôi rải rác trong các trang trại trên khắp Trung Quốc nên việc nhân giống trở nên khó khăn về mặt kỹ thuật”, theo ông Jin.
Các nhà khoa học trong ngành tiết lộ rằng, hiện một số quốc gia đã cấm bán giống bò sữa Holstein Friesian cho Trung Quốc, trong khi các quốc gia bán loại bò này cho quốc gia này phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt khi Trung Quốc nhanh chóng mở rộng quy mô đàn bò Holstein Friesian với nhu cầu liên tục cải thiện đối với các sản phẩm sữa của tầng lớp dân số trung lưu đang phình to tại quốc gia trên 1,3 tỷ dân.
Bằng cách lấy một số mô từ tai của một con bò, các nhà khoa học do nhà khoa học Jin Yaping đứng đầu, đã "tái sinh" những siêu bò sữa này, đây là điều kiện tiên quyết để nhân giống những siêu bò của Trung Quốc.
Theo ông Jin, phương pháp nhân bản vô tính mới được công bố có nghĩa là chúng ta có thể kịp thời bảo tồn gen của những siêu bò này, tạo ra một đàn siêu bò tập trung và cung cấp nguồn tài nguyên tuyệt vời cho việc nhân giống và chọn lọc những siêu bò độc quyền của Trung Quốc trong tương lai.
"Nếu chỉ sử dụng công nghệ nhân bản sẽ không có bất kỳ ý nghĩa kinh tế nào, và sự kết hợp giữa khai thác công nghệ sinh sản và sử dụng những con bò năng suất thấp làm vật nuôi thay thế cho phép chúng tôi sinh sản thêm 20 con so với việc chỉ sử dụng nhân bản trong một khoảng thời gian nhất định", ông Jin nói.
Được biết, trong số 120 phôi nhân bản đầu tiên, 42% đã được thụ tinh và khoảng 17,5% vẫn còn khả năng sinh sản vào ngày thứ 200, đồng thời nêu rõ sự trưởng thành hơn nữa của công nghệ mới.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đặt ưu tiên tự cung tự cấp các loại hạt giống quan trọng và tăng gấp đôi đầu tư vào công nghệ giống trong nỗ lực tăng cường an ninh lương thực.
Những đột phá lớn cũng đang đạt được trong các ngành hạt giống “thắt cổ chai” như ngô, đậu tương, gà thịt và lợn giống, giúp giảm hơn nữa sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng.
"Chúng tôi dự định mất từ 2 đến 3 năm để xây dựng đàn ‘siêu bò sữa’ hơn 1.000 con, làm nền tảng vững chắc để giải quyết sự phụ thuộc của Trung Quốc vào bò sữa nước ngoài và vấn đề nguy cơ bị 'nghẹt thở'", ông Jin lưu ý.