| Hotline: 0983.970.780

Nhận bò dự án, để nuôi thì thương, bán đi thì tội

Thứ Ba 26/03/2019 , 08:57 (GMT+7)

Đầu năm 2019, 24 hộ nghèo, hộ cận nghèo xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) được nhận 24 con bò thuộc Dự án Giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, một số hộ dân nghi ngờ, bò được cấp không đủ trọng lượng, bị bệnh tật nuôi không chịu lớn…

13-13-36_1
Người dân nghi ngờ, bò dự án không đủ trọng lượng

Chúng tôi đến khi bà Lê Thị Nguyền, thôn Sao Vàng, xã Hoằng Phụ đi làm đồng chưa về. Nghe tiếng gọi cửa, ông Trương Văn Đắc, chồng bà Nguyền lọ mọ ra mở cổng rồi lại quay vào, nhếch mép cười, chẳng nói, chẳng rằng.

Bà Nguyền dựng chiếc xe đạp giữa sân, lốp không còn chút tơ lông, đi vào nhà, nén tiếng thở dài: “Nhà tôi nghèo từ mấy năm nay cơ. Ông nhà bệnh tật, ốm yếu, mắt kém lại “thật tính” nên chỉ quẩn quanh ở nhà. Nhà có 2 sào ruộng, 2 sào đất, một tay tôi gánh vác, nuôi 2 đứa con đang ăn học. Thi thoảng đi làm thuê được ngày trăm nghìn bạc nhưng cũng chẳng thấm tháp gì. Vừa rồi, được nhận bò dự án, mới nuôi chưa đến 3 tháng mà ngốn hết 50kg cám gạo, xổ giun nay mới “nứt” lên được một ít. Họ bảo, bò nặng 120kg nhưng chắc cũng chỉ tầm 100kg thôi”.

Còn bà Trương Thị Mệnh, thôn Tháng Mười sống cạnh nhà người con trai Cao Văn Quỳnh. Con trai bà, tuy sống gần nhưng bị bệnh u máu mấy năm nay, vay chỗ này, giật chỗ kia đi chữa bệnh triền miên nên chẳng đỡ đần gì cho bà. Bà Mệnh dù bị viêm đa khớp, chân đi tập tễnh nhưng vẫn phải gắng gượng ra đồng cắt cỏ về cho bò dự án ăn. Những tưởng, hai mẹ con nuôi chung con bò để vớt vát lại kinh tế gia đình nhưng giờ đây bà như ngồi trên đống lửa.

“Nhà tôi bắt thăm được con bò số 8. Không biết thế nào mà lúc nhận ở sân vận động xã nó đã nấc lên liên hồi, thi thoảng lại trợn mắt phát khiếp. Dắt nó không chịu đi phải bỏ lên xe kéo từ sân vận động UBND xã về nhà. Mà nó kén ăn lắm, phải tìm cắt cỏ ngon, đem tận miệng mới ăn. Cả tuần nay, tôi phải gọi thú y đến tiêm, họ bảo bò bị sốt, cũng đã mất 500 nghìn rồi. Nó đã ngốn hết hơn 1 triệu tiền cám rồi mà vẫn còi cọc. Giờ túng quá, nuôi lại không lớn, phải tiêm thuốc hàng ngày, lái buôn vào trả cũng chưa đến 4 triệu đồng muốn bán đi được đồng nào hay đồng đó nhưng sợ xã phạt. Vậy mà xã bảo giá trị nó đến 10 triệu đồng cơ đấy”.

Anh Quỳnh, con bà Mệnh dắt con bò ngoài đồng về, gặp người lạ nó cứ dúi đầu chạy thục mạng. Bà Mệnh bảo, mấy ngày nay tiêm thuốc đau quá nên hễ gặp người lạ là nó phát hoảng như thế. Theo bà Mệnh, là hộ cận nghèo nên để có được bò dự án, bà phải nộp cho cán bộ xã 2,4 triệu đồng. Những hộ nghèo được nhận bò thì không phải nộp tiền “đối ứng”. Sau khi nhận bò ít ngày, bà được nhận lại 1,6 triệu đồng tiền làm chuồng nuôi nhốt.

Có lẽ ở cái xã bãi ngang này không còn ai nghèo hơn bà Lê Thị Ngoan. Sau khi nhận bò, bà được xã cấp 2 triệu đồng làm chuồng. Do đất ở chật hẹp, bà đành thuê người hàn cửa sắt, lát xi măng làm chuồng ngay sau tường nhà. Vợ chồng bà Ngoan bỏ nhau, con trai đi làm thuê tận ngoài Hải Phòng lâu lắm không về. Căn nhà trống hoác, đất ở chật chội, mấy con gà bà đành nhốt ở một góc bếp, chuồng lợn ở ngay sau nhà bếp, hôi thối, ẩm thấp.

13-13-36_2
Thế nhưng, hồ sơ giao nhận đều ghi bò có trọng lượng 120 kg

 “Tôi chỉ có hơn 1 sào đất ruộng. Nghèo lắm, chẳng có tài sản gì ngoài mái ngói che thân. Được đồng nào, củ khoai, củ sắn, nắm cám đều dồn cho con bò dự án này, hết cám thì lại mua. Đến nay, đã gần 3 tháng kể từ ngày nhận bò, bây giờ nó đã đỡ chứ lúc nhận chẳng khác gì con sâu róm, ve vét bám đầy. Đấy là tôi chăm bẵm lắm mới được như thế đấy”, bà Ngoan chua xót.

Khi tiếp xúc những hộ được nhận bò dự án chúng tôi đều thực nghiệm cân trọng lượng bò bằng công thức đo thông thường. Và có lẽ, những nghi ngờ của người dân về việc thiếu cân nặng của bò không phải là không có cơ sở.

Được biết, cả 24 biên bản giao nhận bò giữa UBND xã Hoằng Phụ và các bên liên quan xác lập đều ghi rõ, bò có trọng lượng 120kg. Về điều này, một số hộ dân nhận bò dự án cho biết: “Họ đo và bảo là 120kg thì chúng tôi cũng chỉ biết vậy chứ làm sao mà cân được bò? Người dân nghèo như chúng tôi làm sao mà biết cách đo trọng lượng. Nhận bò về, mấy người đi qua cũng bảo, chắc không được 100kg chứ cũng không biết thực hư thế nào”.

Người dân phản ánh, ngay sau khi PV về làm việc, UBND xã Hoằng Phụ đã có động thái gây áp lực đối với người dân. Theo đó, ngày 22/3/2019, một số cán bộ xã đã đến nhà các hộ dân đo lại trọng lượng bò và có những lời nói khiến nhân dân bức xúc. Tiếp theo, ngày 23/3, tức là ngày thứ 7, một số hộ dân nhận được giấy mời lên UBND xã Hoằng Phụ để làm việc.

Sau khi lật lại từng trang hồ sơ, thủ tục cấp bò dự án, chúng tôi còn phát hiện ra nhiều dấu hiệu khuất tất cần phải được làm rõ.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.