Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam cho biết, Chương trình nhân giống cây ăn quả có múi sạch bệnh đáp ứng nhu cầu lập vườn trồng cây ăn quả chuyên canh tại các tỉnh phía Nam của đơn vị đã đạt thành công lớn.
Hàng loạt giống được Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đang được trồng đại trà mang lại cho nhà vườn nguồn lợi lớn: bưởi Năm Roi, xam xoàn CS 8, quýt hồng (QT 10), bưởi đường lá cam (BC 12)... Các giống trên có ưu điểm năng suất cao, chất lượng ngon, không hoặc ít hạt, phù hợp với yêu cầu xây dựng vườn trồng chuyên canh tập trung có giá trị hàng hóa lớn và lợi thế cạnh tranh cao.
Chương trình này có sự phối hợp với một số đối tác như Pháp, Đài Loan... Qui trình thực hiện như sau, bình tuyển chọn cây đầu dòng đạt tiêu chuẩn và sạch bệnh. Từ cây đầu dòng sạch bệnh đầu tiên được tạo ra bằng phương pháp vi ghép đỉnh sinh trưởng. Sau đó, từ cây đầu dòng tạo ra cây lấy mắt ghép thế hệ S1. Các cây S1 được Viện chuyển giao cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tp Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM và một số địa phương có nhu cầu tiếp tục sản xuất cây giống xác nhận S2 để cung cấp cho người trồng. Không chỉ được cơ quan quản lý khoa học công nhận, hiện nay, giống cây có múi sạch bệnh do Viện sản xuất luôn được nhà vườn các tỉnh phía Nam tin cậy và tín nhiệm.
Hiện nay, diện tích vườn cây ăn quả có múi: cam, quít, chanh, bưởi ở ĐBSCL trên 73.200 ha. Diện tích mỗi năm tăng bình quân gần 7%. Tuy nhiên, chất lượng vườn cây ăn quả có múi không đều, đang bị rầy chổng cánh gây bệnh vàng lá Greening, bệnh vàng lá thối rễ hoặc suy thoái nghiêm trọng. Chọn trồng cây có múi sạch bệnh là giải pháp cơ bản trong các giải pháp nhằm đối phó với rầy chổng cánh và các đối tượng sâu bệnh khác gây hại.