| Hotline: 0983.970.780

Dụ kiến vàng về làm tổ, vườn sầu riêng sạch sâu hại

Thứ Sáu 23/08/2024 , 10:55 (GMT+7)

ĐẮK LẮK Các mô hình thả kiến vàng trên cây sầu riêng tại Đắk Lắk đã giúp tiêu diệt các loài sâu hại, từ đó giảm chi phí sản xuất, giảm sử dụng thuốc trừ sâu.

Vườn sầu riêng của gia đình ông Lê Văn Thìn (ngụ buôn Komleo, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột) sạch sâu hại khi thả nuôi kiến vàng. Ảnh: Quang Yên.

Vườn sầu riêng của gia đình ông Lê Văn Thìn (ngụ buôn Komleo, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột) sạch sâu hại khi thả nuôi kiến vàng. Ảnh: Quang Yên.

Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (thuộc Cục Bảo vệ thực vật) vừa tổ chức hội nghị đánh giá mô hình ứng dụng nhân thả kiến vàng để quản lý sinh vật gây hại trên cây sầu riêng tại Đắk Lắk.

Đến thăm mô hình tại vườn sầu riêng của gia đình ông Lê Văn Thìn (ngụ buôn Komleo, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột), nhiều người dân không khỏi ngạc nhiên khi nhận thấy hiệu quả từ việc thả nuôi kiến vàng.

Ông Thìn cho biết, gia đình có 220 cây sầu riêng trồng được 4 năm. Khi bắt đầu trồng, gia đình ông canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ, dùng phân, thuốc sinh học.

“Do canh tác theo hướng sinh học nên kiến vàng đến làm tổ, sinh sống. Ban đầu kiến đến ít nhưng tôi phát hiện những cây có kiến thì sâu không xuất hiện. Khi Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung tổ chức triển khai mô hình, gia đình tôi đã phối hợp bắt thêm kiến đưa về nuôi trên cây sầu riêng. Khi có kiến vàng, số lượng sâu trên cây sầu riêng giảm rõ rệt, từ đó tiết kiệm nhiều chi phí đầu tư”, ông Thìn nói.

Ông Hồ Hồng Nhiệm (ngụ xã Hòa Thắng) cho biết, khi đi tham quan mô hình, ông nhận thấy nhiều lợi ích của việc thả kiến vàng trong vườn sầu riêng. Gia đình ông Nhiệm có 70 cây sầu riêng hiện canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng phân bón, thuốc sinh học.

“Gia đình canh tác theo mô hình sinh học, do đó cần sử dụng kiến vàng để tiêu diệt sinh vật gây hại. Trước gia đình có những cây cổ thụ nên kiến vàng sinh sống nhưng sau thời gian canh tác đã bỏ đi. Sắp tới tôi sẽ tìm tổ kiến về thả lại vào vườn”, ông Nhiệm nói.

Theo ông Nhiệm, trước đây người dân chủ yếu canh tác theo truyền thống, sử dụng nhiều phân, thuốc hóa học trên cây sầu riêng nên kiến vàng bị tiêu diệt hết. “Nếu muốn nuôi kiến vàng trong vườn thì người dân phải canh tác theo hướng hữu cơ. Nuôi kiến vàng cần sự tỉ mỉ, tùy theo thời điểm mà di dời tổ kiến sang những cây khác trong vườn”, ông Nhiệm nói thêm.

Ông Lương Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung cho biết, việc sử dụng kiến vàng để kiểm soát sinh vật gây hại trên các vườn sầu riêng có một số ưu điểm so với sử dụng thuốc trừ sâu hóa học.

Người dân tham quan mô hình nuôi kiến vàng trên cây sầu riêng tại Đắk Lắk. Ảnh: Quang Yên.

Người dân tham quan mô hình nuôi kiến vàng trên cây sầu riêng tại Đắk Lắk. Ảnh: Quang Yên.

"Kiến vàng giúp kiểm soát dịch hại tự nhiên, không có tác động tiêu cực đến môi trường như thuốc trừ sâu hóa học. Ngoài ra, kiến vàng có thể kiểm soát hiệu quả sâu hại, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng có thể làm giảm đáng kể quần thể sâu hại", ông Tuấn nói và cho biết, việc sử dụng kiến vàng có thể mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân vì họ không phải tốn chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đắt tiền.

Từ những lợi ích trên, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung đã xây dựng 3 điểm ứng dụng biện pháp sinh học sử dụng kiến vàng Oecophylla smaragdina F. trong phòng chống sinh vật gây hại trên cây sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk. Các mô hình được triển khai tại buôn Komleo (xã Hòa Thắng), xã Hòa Xuân (TP Buôn Ma Thuột) và xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) từ tháng 2 đến tháng 8 năm 2024.

“Khi thực hiện, các cán bộ Trung tâm đã tổ chức điều tra nông dân, tập huấn hướng dẫn nông dân kỹ thuật nhân, thả kiến vàng và quản lý đàn kiến tại vườn sầu riêng. Triển khai thí nghiệm xác định mật độ thả kiến vàng đối với sinh vật gây hại trên cây sầu riêng. Điều tra diễn biến một số sinh vật gây hại chủ yếu trên cây sầu riêng và mức độ phổ biến của kiến vàng trong vườn. Mô hình thực hiện với 5 hình thức thả tổ kiến trên cây sầu riêng và không phun thuốc bảo vệ thực vật”, ông Lương Anh Tuấn nói.

Cán cán bộ Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung giăng dây để dụ kiến vàng về sinh sống trên cây sầu riêng. Ảnh: Quang Yên.

Cán cán bộ Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung giăng dây để dụ kiến vàng về sinh sống trên cây sầu riêng. Ảnh: Quang Yên.

Theo đó, tại mỗi điểm, cán bộ Trung tâm thả 16 tổ kiến vàng/120 cây sầu riêng. Sau khi thả, tiến hành theo dõi sự phát triển của kiến, đánh giá hiệu quả phòng trừ sâu hại. Đồng thời so sánh hiệu quả kinh tế của mô hình sử dụng kiến vàng với sản xuất sầu riêng theo tập quán của địa phương. Sau thời gian thử nghiệm, các tổ kiến tại mô hình tăng dần qua từng ngày.

Khi thực hiện mô hình, đã giúp hạn chế phun thuốc trừ sâu, giảm ô nhiễm môi trường; quần thể thiên địch trong vườn sầu riêng ngày càng đa dạng, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ, tăng năng suất và lợi nhuận. Tuy nhiên, mô hình khi triển khai cũng gặp khó khăn trong việc thu bắt kiến; khi chăm sóc sầu riêng bị kiến cắn; việc phun thuốc hóa học phòng trừ bệnh cho cây sầu riêng trong vườn cũng ảnh hưởng đến kiến vàng.

“Tổ chức nhân, thả kiến vàng Oecophylla smaragdina F. và nhân rộng ứng dụng IPM/IPHM trong phòng chống sâu hại cây sầu riêng tại Đắk Lắk làm cơ sở cho việc xây dựng vùng sản xuất sầu riêng theo hướng bền vững. Sau khi đánh giá hiệu quả, Trung tâm sẽ tiến hành nhân rộng ra các vườn đủ điều kiện”, ông Lương Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung cho biết.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.