Tôi không thể quên cảm giác ngỡ ngàng khi Dr. Massam, giáo sư môn Ngữ pháp ở Đại học Toronto trả bài kiểm tra đầu tiên. Bà gọi tên từng người và đến tận ghế ngồi. Bài làm được trao tận tay sinh viên, hoặc úp trên bàn. Mặt úp xuống ghi điểm số, người ngồi bên cạnh không nhìn thấy được.
Sinh viên hé một chút ở góc bài, liếc qua để biết điểm, rồi úp xuống lại, nét mặt điềm tĩnh hay vui vẻ. Nếu muốn thì họ mở lên cho người ngồi cạnh xem. Đấy là kinh nghiệm đầu tiên của tôi về việc bảo vệ thông tin cá nhân của một học sinh.
Để xin vào Đại học, người ta phải thi COPE (the Certificate of Proficiency in English), một kỳ thi kiểm tra trình độ tiếng Anh của Đại học Toronto, tương đương với TOEFL (Test of English as Foreign Language). Những bài thi này là yêu cầu bắt buộc cho các sinh viên khi nộp đơn xin vào học ở Bắc Mỹ nếu sinh viên ấy đến từ các nước không nói tiếng Anh, hoặc không học ít nhất hai năm ở một trường chỉ dùng tiếng Anh để giảng dạy. Xin vào ngành Nhân văn hoặc Khoa học Xã hội yêu cầu điểm cao hơn là xin vào các ngành Khoa học Tự nhiên.
Ngày có kết quả, người ta niêm yết số mã chỉ có thí sinh mới nhận diện được đó là mình, cùng điểm số trên bảng. Thí sinh cũng nhận được thư báo kết quả sau đó. Nhiều người đến xem bảng, đi một mình, quay ra với nét mặt bình thản hoặc khẽ mỉm cười. Khó mà biết được họ đậu hay rớt. Đó là lần duy nhất tôi thấy điểm số được trưng bày nơi công cộng cho mọi người xem.
Chiếu theo luật Family Educational Rights and Privacy Act (FERPA, Quyền về Giáo dục và Riêng tư), bảo vệ thông tin cá nhân của học sinh, áp dụng trong tất cả các cấp học trên toàn Hoa Kỳ, thầy cô không được tiết lộ bất cứ chi tiết cá nhân của bất kỳ một học sinh, sinh viên nào ở bất kỳ đâu kể cả trên lớp. Nếu em nào có vấn đề gì đó, thầy cô hoặc nói riêng với em ấy sau buổi học khi mọi người đã ra khỏi lớp, hoặc gởi email hẹn đến văn phòng nói chuyện. Vì thế, dễ hiểu là công khai gọi tên nhắc nhở người nào đó đến văn phòng để giúp đỡ thêm, đặng bắt kịp bài vở, là một điều cấm kị.
Thậm chí đối với các sinh viên bị khuyết tật (nhìn ngoài vẫn bình thường), văn phòng phụ trách sinh viên khuyết tật gởi một email đến các thầy cô dạy môn mà em ấy đang học, cho biết sinh viên này thuộc diện “khuyết tật” và cần được hưởng những ưu đãi, như cho thêm thì giờ để làm bài thi, có thể nộp bài tập về nhà hoặc luận văn cuối học kỳ muộn hơn các bạn khác mà không bị trừ điểm (Luật Bảo vệ người Khuyết tật ở học đường).
Tuyệt đối không có điều khoản nào yêu cầu thầy cô cho các sinh viên này ít câu hỏi hơn hoặc dễ hơn, hoặc khi chấm điểm thì du di dễ dãi, cho thêm điểm. Một điều quan trọng đáng nói, là văn phòng phụ trách không bao giờ nêu lý do em này bị khuyết tật về mặt gì. Thông tin đó thuộc loại nhạy cảm mà những người không có trách nhiệm không được phép hỏi.
Ngay cả những chuyện được xem là tích cực, thông tin cá nhân cũng được bảo vệ như vậy. Chẳng hạn, một mặt thầy cô có thể nhắc đến một cách học hoặc kỹ năng nào đó có hiệu quả rõ rệt mà một sinh viên đã dùng, để thảo luận hoặc khuyến khích nếu ai thích thì thử.
Mặt khác, thầy cô không thể công khai gọi tên học sinh, sinh viên đã được điểm cao nhất ra để khen ngợi hoặc “tuyên dương” trước lớp. Điều này trước hết là vi phạm luật FERPA. Sau nữa, nó có thể gây ra sự phân biệt, dẫn đến căng thẳng giữa học sinh, sinh viên với nhau và có thể làm các học sinh “ưu tú” ấy bị bạn bè ghét bỏ, xa lánh.
Một ví dụ khác về “tác dụng ngược” của việc tuyên dương, là hàng năm đến mùa đóng góp tiền dùng cho việc nghiên cứu hoặc các chi phí khác phục vụ việc giảng dạy và học tập, đại học Florida kêu gọi mọi người tham gia kể cả giáo chức. Việc này hoàn toàn tự nguyện. Chỉ có một email hay tờ rơi được thả vào hộp thư, không có kêu gọi nhắc nhở gì thêm.
Một lần, văn phòng khoa dựng tấm bảng viết tên những người trong Khoa đã đóng góp (không viết số tiền). Ngày hôm sau, tấm bảng đó lập tức bị dời đi, bởi vì không phải những người được nêu tên kia ai cũng cảm thấy dễ chịu. Quan trọng hơn, nó khiến những cái tên không hoặc chưa đóng góp bỗng vô tình hiện ra như một đàn cừu đen xấu xí. Trong hơn hai mươi năm, điều này chỉ xảy ra một lần và không hề lặp lại.
Khi sinh viên xin học tiếp bậc Sau đại học, vào các trường chuyên nghiệp như Y khoa, Dược khoa, hoặc xin học bổng, v.v.., các giáo sư viết thư giới thiệu không được tiết lộ điểm của sinh viên môn mình dạy, ngay cả nếu đó là điểm A, điểm cao nhất, trừ khi các em ký giấy thỏa thuận cho phép điều đó. Luật bảo vệ thông tin riêng tư áp dụng đồng đều, bất chấp đó là loại thông tin “tốt” hay “xấu”.
Ở Việt Nam đang xôn xao vụ có vài em học sinh bị đưa lên trước cột cờ sáng thứ hai để tra hỏi về việc cha mẹ không đóng tiền mua bảo hiểm. Ở các nước tiên tiến, đó là một hành động vi phạm trầm trọng việc bảo vệ trẻ em và quyền được bảo vệ thông tin cá nhân.
Người hiệu trưởng này đã không đếm xỉa đến khả năng có thể việc ấy sẽ là một nhát cứa xuyên thấu tim gan, để lại di chứng suốt đời trong ký ức của các em. Đó là một tội ác, còn kinh khủng hơn là bỏ đói hay giam giữ, vì nó đánh vào nhân phẩm của một con người, trong khi các em nhỏ này hoàn toàn vô tội.
Người Việt một mặt thường coi trọng sĩ diện, mặt khác dùng các hình thức sỉ nhục như một cách dạy dỗ, đôi khi rất vô tư. Trong trường học, nhẹ thì như thói quen bắt học sinh đứng trước lớp trả bài, nặng thì bắt quỳ hoặc la mắng học sinh trước các bạn học, thậm chí đưa roi cho một học sinh “gương mẫu”, ra lệnh đánh một học sinh khác về một tội gì đó, hoặc bắt các học sinh trong lớp bạt tai mấy chục cái một học sinh khác, như đã từng xảy ra vài năm trước. Việc đó có lẽ bắt nguồn từ nhận định về tâm lý là thầy cô đánh có lẽ không “nhục” bằng bạn bè cùng lớp đánh.
Việc sỉ vả con người nhân danh “giáo dục” dường như bình thường đến mức thâm căn trong văn hóa ứng xử, thậm chí cha mẹ còn dùng điều đó để “răn dạy” con. Khi còn nhỏ, tôi chứng kiến cảnh một cô gái bị người mẹ lột trần như nhộng, nắm tóc kéo lê trên con đường đất đá, bêu riếu khắp xóm làng, vừa đi vừa la mắng sỉ vả. Lưng cô ấy rướm máu vì các viên đá nhỏ cào xước nhưng có lẽ chẳng cảm thấy cái đau thân thể ấy.
Tội của cô ấy là dám yêu một người đàn ông đã có vợ. Hình ảnh khủng khiếp ấy người xem còn không quên được, người trong cuộc sẽ ôm mối hận đến muôn đời, chứ không phải sẽ sám hối về nguyên nhân bị trừng phạt. Bất kể mục đích gì cũng không thể biện minh cho cách giáo dục người mẹ kia đã dùng với con.
Do đó, luật pháp bảo vệ trẻ em áp dụng ngay cả đối với cha mẹ các em. Bạo hành con cái, bị mất quyền đến gần con quá bao nhiêu mét, nặng nữa thì mất quyền thăm nom con đến khi trẻ lớn và tự quyết định điều đó. Theo luật FERPA, khi học sinh đúng 18 tuổi, cha mẹ dù có hỏi về điểm số hay các thói quen cũng như các quan hệ xã hội của các em, nhà trường không có quyền cung cấp, trừ khi được các em ấy cho phép và phải được ghi rõ ràng trên giấy để lưu hồ sơ. Thầy cô và nhà trường cũng không được tiết lộ các thông tin riêng tư của một học sinh cho phụ huynh học sinh khác.
Ở Việt Nam nếu chưa có luật gì tương tự như FERPA, hoặc có nhưng không được tôn trọng, hoặc bị các phong trào, chỉ tiêu thi đua đè nặng, liệu có thể làm được gì không? Có cần phải tốn nhiều tiền của, hay phải thông qua các dự án “cải cách giáo dục” to tát để làm những điều thuộc về ứng xử không?
Không nói đến những điều không được phép, như đánh mắng hay tát tai học sinh. Hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ, như bảo mật điểm số của các em trong lớp bằng cách trả bài kiểm tra một cách kín đáo; không tuyên dương, không bêu riếu cá nhân; không dùng bất kỳ lời nói hoặc hình phạt nào đụng chạm đến danh dự hay phẩm giá của một học sinh, nhất là trước sự chứng kiến của người khác, v.v. Nếu muốn, từng cá nhân thầy cô giáo đều có thể thực hành những điều nhỏ này ngay ngày mai khi lên lớp.
Sỉ nhục, làm tổn thương tình cảm và lòng tự trọng của một con người không có tác dụng giáo dục. Nó có thể mang lại sự phục tùng tạm thời, song trong đại đa số trường hợp, chỉ tạo ra những tâm hồn hoặc khiếp nhược, hoặc bất nhẫn, thù hằn, và khô cạn khả năng yêu thương. Nhiều người sau đó trở thành quen thuộc với bạo lực, với việc hạ nhục người khác như một cách trả thù lại những gì họ đã từng bị đối xử.
Trẻ em, học sinh cần được bảo vệ và tôn trọng hơn ai hết, vì đó là những cá nhân dễ bị tổn thương nhất. Để làm điều đó không cần đến tiền của, hay thậm chí đòi hỏi một tấm lòng. Nó chỉ cần một nhận thức đúng đắn và một sự tôn trọng các thông tin riêng tư và nhân phẩm của người khác.